Đường dẫn truy cập

Nguyễn Hoàng Văn: Một ngòi bút thông minh


Bài này vốn là Lời giới thiệu in ở đầu cuốn “Văn hoá, giới tính và văn học” của Nguyễn Hoàng Văn do Văn Mới xuất bản tại California vào năm 2002. Tôi đăng lại trên blog này như một món quà mừng đám cưới của Nguyễn Hoàng Văn tại Sydney (Úc) ngày 3/10/2009. NHQ

Nguyễn Hoàng Văn là một ngòi bút thông minh. Hơn nữa, thông minh một cách tinh quái.

Thông minh là một phẩm chất của trí tuệ. Thông minh một cách tinh quái là một phong cách văn học.

Phong cách ấy bàng bạc trong hầu hết các bài tiểu luận và tuỳ bút của Nguyễn Hoàng Văn. Ở những cách nhìn có tham vọng vươn lên tầm khái quát hầu nắm bắt một đặc điểm gì đó trong văn hoá chính trị và văn hoá văn chương Việt Nam từ những chi tiết ngỡ như nhỏ nhặt và vu vơ nhất. Ở những cách lập ngôn giàu tính sáng tạo kiểu “biện chứng Nam Phong”, “hội chứng tình cờ”, “phê bình du kích”, hay “văn hoá thù”, v.v...

Ở những nhận xét sắc sảo, những liên tưởng bất ngờ và đầy lý thú. Như, từ những phòng trà với những cô gái chiêu đãi trẻ trung và khêu gợi ở California, Nguyễn Hoàng Văn nghe được “cả tiếng gió rít qua làn nước bọt theo từng động tác chíp môi” của những người khách chung quanh, từ đó, nhận ra tinh thần lưu vong ở cái nơi được gọi là thủ đô tị nạn của người Việt “vẫn nằng nặng những ám ảnh gì đâu. Nằng nặng như níu kéo của một thói quen chưa dứt bỏ được, như một bẩm tính rừng rú chưa thuần hoá trọn vẹn. Và, như những cố gắng đạt đến cái cho là hoàn mỹ bằng con đường tắt, bằng của giả, bằng của bơm của độn...”

Như, từ những hiện tượng nói cạnh nói khoé, nói lửng lơ theo kiểu “nhân tiện bàn qua” nhan nhản trên sách báo tiếng Việt, anh nâng lên thành truyền thống “phê bình du kích”, một lối phê bình vừa bất lương vừa bất lực. Như, từ lịch sử phát triển của khái niệm tà dâm, anh liên tưởng đến từ nguyên của chữ “testament” (sự xác nhận hay Thánh Thư) trong tiếng Anh: nó xuất phát từ chữ “testes” trong tiếng Latin với ý nghĩa, xin lỗi, là... hai hòn dái. Như, từ quan niệm về trinh tiết, anh liên tưởng đến chuyện văn chương để đi đến kết luận “Làm con gái thì chỉ có thể mất trinh một lần nhưng làm nhà văn thì có thể mất trinh rất nhiều lần. Mất rồi thì làm lại, có sao?”

Vâng, với các nhà văn khác thì việc “mất trinh” nhiều lần quả là chẳng sao cả. Nhưng với riêng Nguyễn Hoàng Văn thì cách viết như thế lại có ý nghĩa lớn: nó tạo cho anh một phong cách riêng, một phong cách... thông minh tinh quái.

Thật ra, gọi là “phong cách riêng” cũng không đúng hẳn. Trong văn học Việt Nam, ngay cả trong thời điểm hiện nay, những ngòi bút đáng gọi là thông minh một cách tinh quái cũng không phải là ít. Thuộc thế hệ trước 1975, Võ Phiến còn sừng sững đó. Trẻ hơn, Phạm Thị Hoài vẫn đứng đó, lồng lộng.

Điểm đặc biệt của Nguyễn Hoàng Văn là, so với nhiều người khác, sự tinh quái của anh không làm người đọc bị sốc, không gợi nên cảm giác là sắc bén đến độ tàn nhẫn.

Ngược lại. Văn của Nguyễn Hoàng Văn, dù tinh quái, vẫn nhẹ nhàng. Cả khi anh viết về những đề tài táo bạo như...“Giữa cứt và người”, người đọc vẫn thấy...nhẹ nhàng.

Nguyên nhân, tôi nghĩ, chủ yếu là nhờ giọng văn của anh. Nói chung, câu văn của Nguyễn Hoàng Văn thường được cấu trúc một cách chặt chẽ, linh hoạt và đa dạng, đọc lên nghe rất thích.

Tôi có cảm tưởng là Nguyễn Hoàng Văn rất quan tâm đến nhịp điệu trong câu văn. Không những quan tâm, anh còn say mê nữa. Đặc biệt, anh say mê những câu văn mềm mại.

Có lúc, thay vì dừng lại vì đã đủ ý, anh vẫn nấn chữ ra một chút, có lẽ để đi cho hết một...hơi văn. Cũng có lúc, thay vì khai triển thêm cho tròn một luận điểm, anh lại dừng lại, khiến hơi văn cứ như chơi vơi. Những lúc như thế, giọng văn của anh trở thành đong đưa. Mềm mại và đong đưa.

Tính chất mềm mại và đong đưa ấy làm cho một số chữ mạnh và gắt mà anh dùng như một sự gây hấn bỗng dưng dịu xuống, và hậu quả là sự gây hấn mất đi một ít sắc cạnh, không còn sức va đập thật chát chúa nữa. Nhưng bù lại, nhờ nó, văn phong anh được xem là nhẹ nhàng và duyên dáng.

Thích anh, tôi chủ yếu thích cái sự kết hợp giữa tính chất thông minh tinh quái và duyên dáng ấy. Tôi biết một sự kết hợp như thế không nhiều. Đặc biệt trong thế giới của những kẻ ít khi nổi tiếng là thông minh tinh quái và duyên dáng: những người chuyên viết tiểu luận.

Ghi chú:

1. Bạn đọc, nếu muốn, có thể liên lạc với nhà xuất bản Văn Mới theo địa chỉ: P.O.Box 287, Gardena CA 90248, USA. Điện thoại: (310) 366 6867; email: kimanquan@yahoo.com.

2. Bạn đọc cũng có thể đọc các bài viết của Nguyễn Hoàng Văn trên Tiền Vệ:
http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=7

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG