Khi Cộng sản chiếm trọn Hoa lục năm 1949, một số những thứ được coi là xa xỉ phẩm quí giá nhất mà mọi người mơ ước là chiếc máy may, đồng hồ đeo tay và chiếc xe đạp. 60 năm sau, người dân thành thị Trung Quốc ngày nay có những niềm mơ ước khác xa thời bấy giờ. Thông tín viên Alison Klayman từ Bắc Kinh tường trình như sau:
Bà Jia Qiufang 72 tuổi đã mua chiếc máy may trong thập niên 1970. Nó giúp cho bà tiết kiệm tiền quần áo cho 4 người con.
Trong những năm đầu của chế độ cộng sản tại Trung Quốc, một chiếc máy may quả là một món hàng quí giá biểu tượng của mức sống cao.
Giá trị của những mặt hàng tiêu biểu này thay đổi theo năm tháng, từ chiếc đồng hồ đeo tay, radio (đài), xe đạp cho đến tủ lạnh và máy truyền hình.
Theo bà Jia thì những thứ máy móc gia dụng này bây giờ đầy rẫy.
Bà Jia nói: “Giờ đây thì mỗi nhà đều có một điện thoại, một máy truyền hình, một tủ lạnh, một máy giặt. Trước thập niên 1980 thì những mặt hàng này hiếm hoi hơn nhiều.
Ngày nay một trong những thứ mà người dân thành thị mơ ước là chiếc xe hơi. Cậu con trai Qi Yongli của bà Jia vừa mới mua chiếc thứ ba cho anh.
Bà cho biết vào thời hiện đại, khó mà có thể kể ra đến 4 mặt hàng đáng tiền mà người dân mơ ước. Về phần bà thì bà chỉ có thể kể ra 2 thứ thôi, đó là một căn nhà và một chiếc xe hơi.
Vào năm 1992, có chừng 1 triệu xe hơi của tư nhân tại Trung Quốc, ngày nay có đến khoảng 41 triệu chiếc.
Một trong những thứ mà nhiều ngươi dân Trung Quốc mơ ước nữa là một căn nhà. Nhà cửa tại Bắc kinh rất đắt đỏ. Một gia đình trung bình cần một số tiền tương đương với 27 lần thu nhập hàng năm để mua một căn nhà bình thường.
Thế nhưng theo ông Yang Shuai, quản lý của một văn phòng địa ốc tại Bắc Kinh thì con số những người sở hữu nhà đang trên đà gia tăng tại Trung Quốc.
Ông Yang cho biết hiện nay con số người đang mua nhà nhiều hơn là số người ở thuê. Các gia đình cần phải là cư dân mới đăng ký cho con đi học được.
Trước khi có các chương trình cải cách các gia cư năm 1985, chỉ có 17% nhà cửa tại các thành phố là do tư nhân làm chủ. Giờ đây theo con số ước tính, có đến 80% hay hơn, nhà cửa tại các thành thị do tư nhân làm chủ.
Giới tiêu thụ cũng muốn mua máy điện toán và điện thoại di động, nhưng tại các thành thị, không có mặt hàng nào giữ được lâu tính biểu tượng cho sự sang trọng.
Ông Gao Wenjuan bán máy điện toán từ 5 năm nay nói: “Máy điện toán và điện thoại di động đã là những mặt hàng gia dụng bình thường rồi, như máy truyền hình vậy. Tại các thành phố, mọi nhà thường có ít nhất là 2 máy điện toán (vi tính).”
Với khả năng của giới tiêu thụ ngày càng cao, có thể mua được những mặt hàng lớn, đắt tiền, khát vọng của họ lại đổi sang những thứ phi vật thể. Ông Li Gang cho hay du lịch trở thành một nhu cầu quan trọng.
Theo ông thì có được một giấy nhập cảnh để ra nước ngoài có thể được coi như là một mặt hàng có giá.
Trở lại với bà Jia thì bà cho rằng một điều mơ ước lớn mà bà mong thế hệ tương lai có được là học vấn.
Bà Jia nói “3 cháu nội ngoại của tôi đều đang theo học đại học cả rồi. Tôi nghĩ rằng đến thế hệ kế tiếp sẽ còn khá hơn nữa. Và chuyện phải như thế thì mới đúng.”
Bà Jia cho hay giờ thì bà chẳng còn ao ước một mặt hàng nào khác nữa bởi vì bà đã có đủ. Nhưng bà sẽ trợ giúp cho bất cứ ai trong gia đình muốn theo đuổi học vấn.