Đường dẫn truy cập

TT Obama chủ tọa phiên họp HÐBA bên lề khóa họp LHQ


Tổng thống Barack Obama đã chủ tọa một phiên họp cấp thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an hồi hôm qua trong đó các thành viên nhất trí phê chuẩn một nghị quyết cam kết hợp tác hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Cuộc họp được tổ chức bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nơi cuộc thảo luận thường niên còn đang tiếp diễn. Từ trụ sở Liên hiệp quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer ghi nhận những điểm nổi bật trong ngày qua bài tường thuật sau đây.

Phiên họp Hội đồng Bảo an tập trung vào vấn đề cấm phổ biến và giải giới hạt nhân, và bản nghị quyết kêu gọi hành động nhằm ngăn chặn sự lan tràn của vũ khí nguyên tử.

Tổng thống Obama đã chủ tọa cuộc họp, và đây là lần đầu tiên một vị tổng thống của Hoa Kỳ đã làm như vậy. Ông Obama nói với Hội đồng rằng Liên hiệp quốc đóng một “vai trò cấp thiết” trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Ông Obama nói: “Nghị quyết có tính cách lịch sử mà chúng ta vừa chấp thuận bảo vệ cam kết chung của chúng ta đối với mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Và nó đưa thỏa thuận của Hội đồng Bảo an vào một khung sườn hành động rộng rãi nhằm giảm thiểu các nguy cơ hạt nhân trong khi chúng ta cố sức hướng tới mục tiêu đó.”

Trong số các mục tiêu, nghị quyết nhắm tới việc củng cố Hiệp ước chống Phổ biến Hạt nhân, nhằm giữ các nguyên liệu hạt nhân khỏi lọt vào tầm tay của các phần tử khủng bố, và bảo đảm sự phát triển năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình.

Trong khi đó, cuộc tranh luận thường niên tiếp tục tại khóa họp Đại hội đồng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chính phủ của ông muốn có hòa bình với người Palestine, nhưng điều đó đòi hỏi phải ngăn chặn “các lực lượng khủng bố do Iran cầm đầu.”

Ông bác bỏ một báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là “nặng thành kiến và bất công”.

Báo cáo này lên án Israel về các tội ác chiến tranh trong cuộc tấn công vào dải Gaza tháng chạp năm ngoái. Ông Netanyahu nói rằng nước ông đã có hành động tự vệ nhằm chống lại các vụ phóng hỏa tiễn của phe chủ chiến. Nhưng ông nói rằng mối đe dọa cấp bách nhất mà thế giới phải đương đầu hôm nay là ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.

Ông Netanyahu nói: “Đây là lý do vì sao mối đe dọa lớn nhất mà thế giới ngày nay phải đối đầu là cuộc hôn nhân giữa chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và các loại vũ khí có sức tàn sát hàng loạt. Thách thức cấp bách nhất mà tổ chức này phải đương đầu là ngăn chặn các bạo chúa ở Tehran thủ đắc vũ khí hạt nhân. Liệu các thành viên của Liên Hiệp Quốc có sẵn sàng đương đầu với thách thức đó hay không?”

Trong một phát biểu rõ ràng muốn đề cập đến xu hướng ở châu Mỹ Latinh ngả về các chính phủ tả khuynh, tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố có một cuộc cách mạng đang diễn ra và chủ nghĩa xã hội là con đường cứu cánh.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Venezuela đã căng thẳng trong những năm gần đây, mặc dầu cả hai quốc gia đồng ý trong năm nay mưu tìm một mối bang giao dựa trên quyền lợi chung. Trong bài phát biểu lần trước của ông Chavez ở Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2006, ông đã nói đến Tổng thống George W. Bush như một ác quỷ, và nói ông ngửi thấy mùi lưu huỳnh trong phòng họp. Nhưng hôm qua, ông bầy tỏ một ý kiến tốt đẹp hơn đối với Tổng thống Obama và gọi ông Obama là “một người thông minh.”

Sau đây là lời ông Chavez qua một thông dịch viên: “Tôi hy vọng ông Obama sẽ có khả năng nhìn và nhận ra – thực sự nhận ra – những gì cần phải thấy và đem lại một sự thay đổi. Ở đây tôi không ngửi thấy mùi lưu huỳnh nữa. Đã hết mùi đó rồi. Vâng, bây giờ tôi ngửi thấy một mùi gì khác, đó là mùi của hy vọng.”

Tân thủ tướng Nhật Bản, ông Yukio Hatoyama, người mới lên nhậm chức tuần trước, tuyên bố nước ông hy vọng sẽ là một “cây cầu” của thế giới vào lúc đang đứng trước các thách thức như cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, tình trạng biến đổi khí hậu, vấn đề cấm phổ biến hạt nhân và xóa nghèo.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng nước ông muốn có sự hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và nhìn thấy một giải pháp toàn bộ cho vấn đề đảo Chypre.

Còn các tổng thống Rwanda, Ghana và Sierra Leone của châu Phi thì vị nào cũng nêu ra tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng tài chính và lương thực, cũng như tác động ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu, đối với sự phát triển tại các nước Phi châu.

Cuộc thảo luận thường niên tiếp tục trong ngày hôm nay, và theo dự kiến, hơn 20 vị nguyên thủ quốc gia sẽ đọc bài phát biểu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG