Đường dẫn truy cập

GS Kim Oanh: Giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa sáng sủa


Nhân dịp có tin một hiệu trưởng của một trường Trung Học Phổ Thông trong tỉnh Hà Giang cùng 2 cựu học sinh đã nhìn nhận hành vi mua dâm và môi giới mại dâm ban Việt ngữ VOA xin trình bày cùng quý vị một tài liệu của 2 chuyên viên Mỹ nói về hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam, và nhận xét của một chuyên viên giáo dục ở California.

Tài liệu mà chúng tôi định trình bày có tựa là “Hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam: khủng hoảng và đối phó” do hai chuyên viên ban châu Á của Ash Institute, thuộc trường đại học Harvard soạn thảo sau khi đến Việt Nam làm việc, nghiên cứu và giảng dạy một thời gian.

Trong tài liệu này, trước nhất, 2 ông Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson chỉ ra mức độ của cuộc khủng hoảng giáo dục đại học và đi tìm các nguyên nhân cội nguồn của chúng. Sau đó 2 ông xem giới hữu trách đã đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào. Cuối cùng họ kết luận rằng cần phải có những cải cách có tính cách định chế nếu muốn đối phó với cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả. Phần cuối của tài liệu có kèm một bài viết của giáo sư Hoàng Tụy, một nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam.

Một trong những người có theo dõi tài liệu này là giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh, Ủy viên Giáo dục Học khu Garden Grove, thành viên Ủy ban Cố vấn Giáo dục tiểu bang California.

Giáo sư Kim Oanh cho biết: “Các tác giả đưa ra một vài dữ kiện để cho chúng ta thấy rằng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay đang trên đà suy thoái, suy thoái đây có nghĩa là trong số các quốc gia châu Á lân cận đang cố gắng có những thay đổi giúp cho sinh viên có bằng cấp, có kiến thức, thì hệ thống đại học Việt Nam gần như là dậm chân tại chỗ."

Một ví dụ điển hình là trong một cuộc tổng kết các bài nghiên cứu đại học, các bài tham luận cùng cấp đại học được công bố vào năm 2007, người ta thấy Nam Triều Tiên có 5.060 bài, Singapore có 3.590 bài, Thái Lan có 1.750 bài, trong khi Việt Nam chỉ có 96 bài.

Một ví dụ khác là trong một cuộc tổng kết các bằng phát minh trong năm 2006, Nam Triều Tiên có 102.633 bằng phát minh, Singapore có 995 bằng, Thái Lan có 158 bằng, nhưng Việt Nam không có bằng nào.

Hai chuyên viên Vallely và Wilkinson của trường đại học Harvard cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.

Thứ nhất là do lịch sử, trong đó có những cuộc chiến tranh kéo dài. Thứ hai là do cách quản lý của chính quyền, trong đó đại học chưa có quyền tự trị, bằng cấp có thể mua bán, xa lạ với những tiêu chuẩn đại học quốc tế, các công trình nghiên cứu được tài trợ cho những người quen biết hơn là những người có khả năng thực sự, số người có điều kiện du học rất ít, những người thành tài không chịu trở về, và nhất là Internet bị hạn chế trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin.

Giáo sư Kim Oanh nói rằng trong tài liệu phân tích này, các tác giả thừa nhận là chính quyền Việt Nam cũng có đưa ra một số biện pháp, ví dụ Nghị quyết 14 và kế hoạch tạo điều kiện để có nhiều sinh viên du học.

Giáo sư Kim Oanh cho biết: “Nghị quyết 14 Cải cách Toàn diện Giáo dục Đại học, đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải có một số giáo sư được đào tạo cấp cao học hay tiến sĩ. Nhưng khi đưa ra dự án đó, họ không nói làm thế nào để thay đổi cách quản lý điều hành trường đại học. Nếu vẫn tiếp tục hệ thống trung ương tập quyền thì không thay đổi được.

Thứ hai là họ có chương trình đẩy mạnh số sinh viên du học ngoại quốc, số đó bắt đầu tăng từ 1986, qua các chương trình học bổng của Fulbright và World Bank. Một số gia đình khá giả có phương tiện gửi con đi du học. Mặc dù bây giờ Việt Nam được liệt kê trong số 20 quốc gia hàng đầu có sinh viên du học tại Hoa Kỳ, nhưng so với số sinh viên toàn quốc, số này rất là nhỏ.

Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam càng ngày càng lớn, do đó số người có cơ hội du học rất nhỏ, không giải quyết được vấn đề đào tạo sinh viên. Tóm lại, hai chính sách được đưa ra có ảnh hưởng rất ít."


Qua kinh nghiệm huấn luyện giáo chức từ hơn 20 năm qua và bây giờ còn phụ trách điều hành Chương trình Ngôn ngữ Chiến lược cho Hệ thống Đại học California, giáo sư Kim Oanh đưa ra nhận xét cá nhân về hệ thống đại học Việt Nam hiện nay.

Giáo sư Kim Oanh nói: “Tôi chưa thấy một viễn tượng gì sáng sủa hết, tại vì chính ngay những người trong nước, ngoài giáo sư Hoàng Tụy còn có những người trong hệ thống giáo dục đại học ở Hà Nội và Sài Gòn đã bắt đầu lên tiếng, viết những bài nhận định rất rõ ràng. Họ biết những gì cần làm, những gì cần thay đổi, các đề nghị rất cụ thể, chúng tôi đọc vào chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng cho tới bây giờ chính quyền Hà Nội, những người có thực sự có thẩm quyền để thay đổi vẫn chưa áp dụng những cái đó.

Do đó, theo nhận định giới hạn của tôi, tôi thấy viễn tượng tương lai của thế hệ trẻ, của sinh viên Việt Nam chưa sáng sủa; mặc dù tôi biết có rất nhiều sinh viên có khả năng, có tiềm năng rất cao, có những suy nghĩ, có những nghiên cứu muốn đeo đuổi về toán học, khoa học; nhưng họ chưa có môi trường và chính phủ hiện nay chưa tạo môi trường cho họ. Do đó, khi nhìn vấn đề này thì tôi thấy rất bi quan."


Mời quý vị theo dõi các phát biểu đầy đủ của giáo sư Kim Oanh nơi đường dẫn bên mặt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG