Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tham dự cuộc họp của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị đảm nhận lần thứ hai chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng Mười. Trả lời Nguyễn Trung, phóng viên VOA Việt Ngữ, một số chuyên gia cho rằng, đảm nhận vị trí chủ tịch giúp Việt Nam cảm nhận thanh thế ở tầm quốc tế cũng như tạo lập liên minh, nhưng đồng thời nước này cũng phải thể hiện rõ quan điểm trong các vấn đề được đem ra thảo luận.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Lê Công Phụng, được báo chí trong nước trích lời nói rằng chuyến công du của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ tham dự các phiên thảo luận ở Liên Hiệp Quốc là ‘vô cùng quan trọng không chỉ đối với quan hệ Việt – Mỹ, mà còn để Việt Nam tăng cường quan hệ với các quốc gia khác’.
Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam, ông Triết dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bên lề hội nghị.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận định rằng, Chủ tịch Việt Nam sẽ nói lên tiếng nói đại diện cho cả châu Á và các nước đang phát triển tại phiên họp lần này ở Liên Hiệp Quốc.
Ông nói: 'Chúng ta cần phải nhớ rằng Việt Nam là đại diện của khối châu Á khi nước này được bầu vào Hội đồng Bảo an với đa số phiếu của các nước thành viên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Xét về một khía cạnh nào đó, Việt Nam đại diện cho cả châu Á và các nước đang phát triển. Vậy nên, ông Triết có lẽ sẽ phát biểu nêu rõ yêu cầu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đối với các nước có quyền lực hơn về chuyện xử lý các vấn đề như an ninh toàn cầu và biến đổi khí hậu'.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên được coi là nơi ra quyết định trung tâm tại Liên Hiệp Quốc, với quyền hạn thông qua các nghị quyết bắt buộc thi hành, áp đặt lệnh trừng phạt cũng như gửi các phái đoàn gìn giữ hòa bình tới toàn thế giới.
Việt Nam bắt đầu nhiệm vụ của thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an hồi tháng Giêng năm 2008.
Giáo sư Thayer cho rằng, với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, Việt Nam ‘phải đối mặt cũng như phải thể hiện quan điểm rõ ràng’ đối với một loạt các vấn đề từ can thiệp quân sự ở châu Phi, giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu hay chuyện triển khai lực lượng hòa bình.
Chuyên gia này cho rằng ở vị trí đó, Việt Nam trở thành ‘một nhân tố không thể bị bỏ qua với lá phiếu và tiếng nói riêng tại một hội đồng có ảnh hưởng nhất thế giới’. Nhưng ông Thayer cho rằng Việt Nam ‘khó có thể nêu lên những vấn đề khu vực như tranh chấp hải đảo’.
Ông Thayer nhận định: 'Vấn đề tranh chấp ở biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự và nó sẽ bị chặn bởi các thành viên khác. Đại diện Việt Nam khó có thể nêu lên vấn đề này. Trong một chương trình nghị sự dày đặc gồm các vấn đề như Somalia, Sudan, Iran hay Trung Đông, châu Á cũng như vấn đề biển Đông chưa phải là vấn đề nóng bỏng. Ngoài ra, vấn đề này lại liên quan tới Trung Quốc mà nước này có quyền phủ quyết, nên tôi nghĩ Việt Nam sẽ không tìm cách để đưa chủ đề này ra Hội đồng'.
Trong khi đó, theo nhận định của Giáo sư Lê Sĩ Long, Giám đốc Sáng kiến Quốc tế về Chương trình nghiên cứu Toàn cầu của Đại học Houston, Việt Nam có thể tìm cách ‘tạo lập liên minh với một số quốc gia có thể cân bằng quyền lực với Trung Quốc thông qua các kênh ở hậu trường’.
Ông Long đánh giá: 'Một mặt, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, nhưng đồng thời cũng đang ở trong thế bị kẹt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam không có lựa chọn nào khác là phải hợp tác với Bắc Kinh vì trong tương lai Việt Nam nhìn nhận nguồn xuất khẩu của nước này sẽ sang Trung Quốc nhiều hơn. Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng quan trọng đối với Việt Nam vì vị thế của nước này ở Đông Nam Á sẽ cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều, và tôi nghĩ rằng Washington cũng muốn có một sự hợp tác chặt chẽ hơn với Hà Nội về mặt quân sự'.
Tin cho hay, Tổng thống Barack Obama chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an về không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân vào ngày 24/9. Hoa Kỳ hiện giữ vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng Chín.
Trong khi đó, trên cương vị Chủ tịch luân phiên lần hai của Hội đồng Bảo an, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ chủ trì họp đầu tiên trong tháng Mười về chủ đề ‘Phụ nữ, hòa bình và an ninh’.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hiện có năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, còn có 10 thành viên không thường trực, trong đó có Việt Nam, được bầu cho nhiệm kỳ hai năm.