Blog không những là nơi thể hiện và thực hiện quá trình phi tâm hoá và dân chủ hoá mà còn là nơi đẩy mạnh quá trình cá nhân hoá nữa.
Trong lịch sử nhân loại, về phương diện truyền thông, một trong những cuộc cách mạng lớn nhất là việc phát minh ra máy in vào thế kỷ 15.
Nhờ có máy in, báo chí và xuất bản phát triển rực rỡ, qua đó, giáo dục nhanh chóng được phổ cập, kiến thức cũng nhanh chóng được tích luỹ, và nhờ sự tích luỹ ấy, văn minh nhân loại được tiến hoá với một tốc độ nhanh trước đó chưa từng có.
Cũng nhờ máy in, nền văn học thế giới nhanh chóng được chuyên nghiệp hoá.
Có điều, báo chí và xuất bản, một mặt, phát triển gần như song song, mặt khác, lại dẫn đến những hệ quả khác hẳn nhau.
Xuất bản, chủ yếu chúng ta chỉ nói đến sách, đẩy mạnh quá trình cá nhân hoá. Viết sách và đọc sách là một công việc mang tính cá nhân cao độ. Người viết, viết một mình. Người đọc, cũng đọc một mình.
Một tác phẩm có thể vô hình, nhưng một cuốn sách thì bao giờ cũng có một diện mạo cụ thể, từ khổ sách đến kiểu chữ, từ cách trình bày bìa đến tên của tác giả và nhà xuất bản. Dần dần tên tác giả trở thành một thứ thương hiệu. Người đọc bỏ tiền ra mua sách phần lớn không phải vì sách mà vì… tác giả.
Khi tác giả trở thành trung tâm của sự chú ý, ý niệm phong cách ra đời. Trước, trong văn hoá truyền khẩu, không có khái niệm tác giả, tác quyền và do đó, cũng không có khái niệm phong cách cá nhân.
Khi khái niệm phong cách ra đời, ý niệm về tính cá nhân, cá thể càng được đề cao.
Có thể nói, trong nhiều yếu tố dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa cá nhân, sách đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Báo chí, ngược lại, làm lu mờ diện mạo của cá nhân.
Mục tiêu chính của báo chí là loan tin. Yêu cầu chính của việc loan tin là sự khách quan. Trên các bản tin trên báo chí, người loan tin không quan trọng bằng bản thân cái tin. Thậm chí, bản tin càng được nhiều người tham gia điều tra và ghi nhận lại càng tốt.
Bởi vậy, không lấy làm lạ khi có nhiều người làm báo cả đời mà vẫn không tạo được nổi một cái tên.
Người ta nhớ tên của tờ báo nhưng không nhớ tên ký giả. Một số, cực hiếm, ký giả nổi lên, được nhiều người biết và nhớ, không phải chỉ vì các bản tin người ấy viết mà chủ yếu vì một trong ba, hay cả ba, lý do: có khả năng tiếp cận nhiều nguồn tin một cách chính xác, có khả năng bình luận sắc sảo và có phong cách riêng.
Nói chung, tờ báo là một sân chơi tập thể, gồm cả ký giả lẫn biên tập viên, ở đó, biên tập viên nhiều lúc lấn cả sân của ký giả: Họ cắt xén, sửa chữa tự do. Nhiều tờ báo lớn, khi loan tin, chỉ ghi tên tờ báo chứ không ghi tên tác giả như một cách khẳng định chủ quyền và trách nhiệm tập thể.
Blog thì khác.
Đó là một thứ nhật ký cá nhân trên mạng. Nó là tiếng nói của một cá nhân. Ngay trong các blog thuộc một cơ quan ngôn luận nào đó thì chúng vẫn là những tiếng nói cá nhân chứ không hề nhân danh tập thể nào cả. Bản sắc của blog là bản sắc của cá nhân. Hoàn toàn có tính cá nhân.
Tính cá nhân trên các blog khác với tính cá nhân trên sách. Phong cách thể hiện qua sách là cái gì đã được tôi luyện; trên blog là cái gì bộc phát. Tính bộc phát ấy cho phép người ta thành thực hơn.
Đọc blog là tâm sự với một con người, ở đó mình vừa được nghe vừa được nói, nếu muốn.
Tác giả (của sách) có thể là một ý niệm trừu tượng và xa xôi. Blogger, ngược lại, là một con người cụ thể với tất cả những tính tốt lẫn tật xấu cụ thể.
Tính chất cá nhân hoá ấy làm thế giới blog trở thành thế giới trăm hoa đua nở.
Hoa đẹp có. Hoa xấu có. Cỏ cũng có. Và cả rác cũng có nữa. Ê hề.
Trong phạm vi văn học, được nhiều anh em cầm bút đánh giá cao nhất là blog Quê Choa của Nguyễn Quang Lập và blog của Nhị Linh (Cao Việt Dũng).
Đọc Nguyễn Quang Lập, người ta thấy một người giản dị, thân mật, vô cùng dí dỏm và có ý thức công dân cao. Đọc Nhị Linh, người ta thấy một người say mê đọc sách, có trí nhớ tốt, thích tò mò nhiều chuyện liên quan đến thế giới chữ nghĩa.
Nhiều blog khác, bản sắc không nổi rõ bằng, nhưng đọc cũng vui. Thỉnh thoảng có những thông tin bổ ích.
Chán nhất là một số blog được dựng lên để dèm pha và bôi nhọ người khác cho thoả lòng đố kỵ nhỏ nhen của mình. Cái gì họ cũng gâu cả. (“Thằng ấy mà viết hay à? Truyện của nó thật quái đản!” Gâu! “Viết như vậy mà cũng được gọi là nhà đại phê bình à?” Gâu!)
Xin nói ngay: Kiểu nói “gâu” như vậy không phải do tôi đặt ra.
Nhiều người nói vậy (hay gần gần như vậy). Tôi chỉ lặp lại vậy.
Và không dám lạm bàn gì thêm.