Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nam Triều Tiên, Nhật Bản thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên


Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, đã thảo luận về một cuộc hội kiến giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên có thể diễn ra với các đối tác của bà từ Nam Triều Tiên và Nhật Bản vào ngày thứ Hai. Cuộc gặp gỡ ngoại giao hiếm hoi này nhằm nhắc nhở Bắc Triều Tiên trở lại các cuộc thương nghị 6 bên do Trung Quốc chủ trì để bàn về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Từ văn phòng đài VOA tại Liên Hiệp Quốc, thông tín viên David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Các giới chức Hoa Kỳ khẳng định rằng chưa có quyết định nào được thực hiện về việc liệu có chấp nhận việc Bắc Triều Tiên mời đặc sứ Mỹ Stephen Bosworth đi thăm Bình Nhưỡng hay không.

Nhưng triển vọng của một chuyến thăm như thế là một vấn đề then chốt trong các cuộc hội ý của Hoa Kỳ với các đồng minh Á châu, trong đó có các cuộc hội kiến ở New York của ngoại trưởng Clinton với ngoại trưởng Yu Myung-Hwan của Nam Triều Tiên và tân ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada.

Nói chuyện với các phóng viên về các cuộc hội kiến của bà Clinton với các đối tác Á châu trước khi bắt đầu khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày thứ tư, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách vụ Đông Á Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell tuyên bố có sự đồng thuận giữa các đối tác khu vực là bất kỳ cuộc tiếp xúc nào của Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên cũng sẽ là để hỗ trợ cho tiến trình 6 bên.

Ông Campbell nói: “Có sự thừa nhận rằng nếu Hoa Kỳ quyết định có một hình thức giao tiếp nào đó với Bắc Triều Tiên trong tương lai gần, thì sự kiện đó nằm trong khuôn khổ một tiến trình trở lại khung sườn 6 bên. Và ngoài ra, có sự đồng thuận chắc chắn giữa tất cả các bên rằng Bắc Triều Tiên phải chấp nhận các điều kiện cơ bản mà họ đã ký vào những năm 2005 và 2007, mà chủ yếu là một cam kết giữ cho bán đảo Triều Tiên trong tình trạng phi hạt nhân.”

Bắc Triều Tiên đã đồng ý trên nguyên tắc vào năm 2005, và tái xác nhận điều đó 2 năm sau, rằng họ sẽ bãi bỏ chương trình hạt nhân của họ – kể cả vũ khí, để đổi lấy viện trợ và các lợi ích ngoại giao từ các bên khác trong các cuộc đàm phán là Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Nga, Hoa Kỳ và nước chủ nhà Trung Quốc.

Nhưng các cuộc thương nghị đã tan vỡ cách đây 1 năm khi Bình Nhưỡng từ chối không chịu chấp nhận một chương trình kiểm chứng các vũ khí hạt nhân mà họ có theo như lời khai của họ.

Ông Campbell nói rằng Trung Quốc, vốn là một đồng minh ngoại giao, và cũng là nước cung cấp viện trợ chủ yếu của Bắc Triều Tiên, có lẽ đã là nước có thái độ rõ ràng nhất và kiên quyết nhất hồi gần đây trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng tôn trọng các nghĩa vụ của họ và quay trở lại bàn đàm phán.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói rằng cuộc hội kiến của bà Clinton với đối tác Nhật Bản của bà, và cuộc họp theo dự kiến vào ngày thứ tư giữa tổng thống Barack Obama và thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama, nêu bật một nỗ lực của Hoa Kỳ là khởi sự một buổi đầu tốt đẹp với chính phủ thiên tả Nhật Bản.

Ông Campbell nói rằng chính quyền Obama sẵn sàng lắng nghe các đề nghị của Nhật Bản về việc thay đổi một số khía cạnh trong bang giao song phương.

Nhưng ông gợi ý rằng chính phủ sẽ cưỡng lại các nỗ lực đòi sửa đổi một hiệp định đã kết thúc trong năm nay, theo đó Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện của nhiều binh sĩ ở đảo Okinana phía nam Nhật Bản, trong khi dời một số binh sĩ đến đảo Guam.

Ông Campbell nói tiếp: “Chúng tôi, cùng với những người khác trong chính phủ Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh rằng có một số khu vực – ở Okinawa và những nơi khác, mà chúng tôi nghĩ rằng một mức độ liên tục là cấp thiết, và là phương sách tốt nhất để tiến tới. Tuy nhiên, sự thực là Hoa Kỳ, trong tư cách một đối tác trong liên minh và là một nước bạn mạnh của Nhật Bản, ở giai đoạn sớm nay, chưa thể ở vị thế chỉ huy. Chúng tôi phải minh định rằng chúng ta có cam kết với một tiến trình đối thoại và thảo luận.”

Ông Campbell cho biết phó Ngoại trưởng James Steinberg sẽ đi thăm Nhật Bản vào tuần tới và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates sẽ theo gót ông đến Tokyo một tuần sau đó để tiếp tục giai đoạn đầu trong một cuộc đối thoại của Hoa Kỳ với chính phủ mới, vừa nhậm chức hồi tuần trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG