Đường dẫn truy cập

Chia tay ễnh ương


Tên: Nguyễn Đức Phùng
Sống và làm việc tại California, Hoa Kỳ
Cộng tác: Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt, talawas.org, damau.org
Thành viên BBT tạp chí Da Màu & Trên Kệ Sách
Sách đã xuất bản:
Tháp Ký Ức, nxb Văn, 1998
Đêm Oakland và Những Truyện Khác, nxb Văn, 2001


Từ nơi tôi ở đến thành phố Los Angeles thật ra gần hơn đến phố Bolsa ở quận Cam. Vậy mà số lần tôi ghé Los Angeles lại vô cùng hiếm hoi, nếu phải đếm, sẽ không đủ để sử dụng hết các ngón của một bàn tay, và lại càng không đáng kể nếu so với số lần tôi ghé quận Cam!

Tuần vừa qua tôi có dịp ở Los Angeles cả tuần lễ vì nhu cầu công việc. Trong dịp này tôi “khám phá” ra, bên cạnh cái tai tiếng là thành phố ô nhiễm nhất nhì nước Mỹ, Los Angeles cũng có những điều hay hay. Như cái chợ nông phẩm (Farmers’ market) chẳng hạn, ở đó người ta bán gần như đủ thứ thức ăn năm châu bốn biển. Điều “hay” hơn nữa là có cả một trung tâm thương mại khá nổi tiếng ở ngay bên cạnh chợ nông phẩm. Trung tâm này có rất nhiều cửa hàng thời trang danh tiếng và giá cả thì rất trời ơi đất hỡi (nghĩa là chỉ biết kêu trời khi sờ đến thẻ đề giá tiền), cho nên “hay” ở đây cần phải nằm trong dấu ngoặc kép!

Ttrong thời gian tôi đang ở Los Angeles, bài viết “Nhớ Nguyễn Thụy Long” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trên blog mang tên ông [và bạn hữu] được BBT tạp chí Da Màu xin phép đăng lại trong chuỗi bàì tưởng niệm nhà văn Nguyễn Thụy Long. Đinh Từ Bích Thúy, người chịu trách nhiệm lịch trình ấn hành của tạp chí Da màu trong thời gian này, có chia sẻ với tôi (qua email) một đôi điều về “Nhớ Nguyễn Thụy Long” như sau: “Bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khá ngắn và có tính đại cương, có thể vì giới hạn số chữ của blog theo quy định của đài VOA. Bích Thúy ước gì nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nói thêm về chuyện Nguyễn Thụy Long đã cho rằng ông (NXH) ‘trốn tránh đời sống’ hay it nhất thảo luận thêm về ‘thuyết tự tử’ của Camus. Nói tóm lại, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã có thể đào sâu hơn về nghệ thuật văn chương của Nguyễn Thụy Long khi viết về nhà văn quá cố này.”

Nói chung, tôi chia sẻ những suy nghĩ của Bích Thúy. Đồng thời tôi cũng cho rằng bài viết không đi sâu vào chi tiết vì cần thiết phải nằm trong những giới hạn áp dụng cho hình thức blog (độ dài của mỗi bài chẳng hạn) của VOA. Hơn thế nữa, một bài viết mang tính tưởng niệm không nhất thiết thích hợp cho những thẩm định/phê phán đến từ những quan sát/nghiên cứu chuyên sâu và dài hơi. Trong mọi trường hợp, tôi có cùng ước muốn như Bích Thúy, và cho rằng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng...mắc nợ độc giả của ông ít nhất một bài viết về những đề tài nằm trong danh sách “ước gì” của cô!

*

Việc đầu tiên khi về đến nhà sau chuyến đi Los Angeles (chủ yếu là vì chuyện áo cơm, mà “Áo cơm thì như đá/Suốt đời nặng vai mang...”) là ra thăm cái ao cá koi. Cái ao cá này tôi có nhắc đến trong bài viết Những chiếc lá từ cây phong cụt đăng trên tạp chí Da Màu trước đây. Cuối hè, cây phong còi cụt lại ngóng chờ mùa thu đến để tước đi những chiếc lá xơ xác, hiếm hoi còn sót lại của mình. Ngay cả đám cây cỏ sống dưới nước, người bản xứ gọi chung là cây...yêu nước (water lovables) mà Q trồng chung quanh hồ cá cũng ỉu xìu. Ngoại trừ những con cá koi sặc sỡ vô cùng háu ăn, và những con ễnh ương. Vâng, những con ễnh ương.

Vào một ngày cuối mùa Xuân, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con ễnh ương nhỏ xíu, không biết đến từ đâu, xâm lăng sân trước, vườn sau, và lối ra vào căn nhà tôi đang ở. Tôi chỉ khám phá ra điều này sau khi chiếc xe của tôi cán lên hàng chục sinh vật bé bỏng này trên đường chui ra khỏi garage vào buổi sáng sớm. Nhất định không phải là một cảm giác lành mạnh nhìn thấy những cái xác bẹp dí khảm chặt vào nền xi măng của cái driveway.

Sau đó là một thảo luận khá căng giữa Q và tôi. Tôi thì chỉ muốn tiêu diệt càng sớm càng tốt đạo quân tí hon này trước khi chúng kịp lớn lên và trở thành một tai họa không lường được cho không những căn nhà chúng tôi ở mà cả khu láng giềng. Q thì khăng khăng không chịu, bởi vì "chúng chỉ ăn ruồi muỗi, sâu bọ, và rất tốt cho hệ sinh thái." Phần thắng thuộc về em, nhà bảo vệ môi trường, như đã luôn luôn!

Những con ễnh ương nhảy nhót lung tung một cách vui mừng cho đến mùa Hè. Cái nóng khô khốc ở đây khiến phần lớn “quân số” biến đi mất tăm trước khi đủ lớn để tự bảo vệ mình. Số còn lại, không có bao nhiêu, tìm được chốn tỵ hộ lý tưởng: những hang hốc chung quanh cái ao cá koi ở vườn sau. Những con ễnh ương may mắn lớn lên cùng ngày tháng, đẫm mình trong giòng nước mát dưới bóng chiếc lá môn to đùng, và bắt đầu kêu oàm oạp. Ễnh ương làm gì ngoài việc thỉnh thoảng kêu oàm oạp và phùng mang trợn má? Đó là chức năng sinh lý của chúng.

Âm thanh oàm oạp và thân hình tròn căng của chúng nhất định phải rất hấp dẫn trong mắt của nhau; nếu không, việc gìn giữ và phát triển giống nòi ễnh ương sẽ gặp vô vàn khó khăn! Nói tóm lại, chúng kêu oàm oạp và phùng mang trợn má chính vì nhu cầu sinh tồn chứ không phải để...chơi!

Ngay cả Tây Độc Âu Dương Phong* với ngón võ quái quỉ Hàm mô công cũng vậy. Nhân vật này chỉ phùng mang trợn má và kêu oàm oạp khi gặp phải những địch thủ khét tiếng giang hồ, có khả năng đưa lão ta về Tây phương cực lạc trong một vài chiêu. Tuy vậy, phùng mang trợn má và kêu oàm oạp không chỉ giới hạn trong phạm vi sinh tồn. Chúng còn được dùng cho khối chuyện, đặc biệt để cho phép người ta trong chớp mắt bỗng trở nên cao lớn hơn kích thước thật sự của mình.

*

Hôm trước bạn có chỗ dung thân và hôm sau bạn ngủ vỉa hè, nhưng tôi sẽ không kể cho bạn nghe những lý do đặc biệt đã biến tôi thành một tên vô gia cư. Đó là câu mở đầu bản dịch truyện What You Pawn I Will Redeem của Sherman Alexie vừa đăng trên tạp chí Da Màu mấy hôm trước. Tôi dịch rất ít và rất chậm, vậy mà không hiểu sao lại chọn cái truyện ngắn đầy dẫy đối thoại kiểu Da-Đỏ-đường-phố rất khó dịch này! Có điều, như một dự báo, tốt hoặc xấu, câu mở đầu dẫn ở trên xem ra rất ứng nghiệm.

Tôi sẽ sớm rời khỏi căn nhà có cái vườn sau với cây phong cụt và hồ cá koi và những con ễnh ương. Sẽ còn lâu lắm để những cành phong mới mọc ra từ cái gốc còi cụt lớn lên, gie mình soi bóng trên mặt hồ, và từ đó, những giọt sương sớm mùa Đông sẽ rụng xuống, và những con cá koi sẽ bực mình vì bị khuấy động. Nhưng nhất định sẽ có một ngày như thế, cho dù Q và tôi có thể sẽ không còn ở đó để chứng kiến. **

Những chia tay, nếu phải xảy ra, nên xảy ra càng sớm càng tốt.

Chào nhé, cây phong cụt.
Chào nhé, hồ cá koi.
Chào nhé, ễnh ương.

* Một nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu và Võ Lâm Ngũ Bá của Kim Dung.

** Trích từ đoản văn Những chiếc lá từ cây phong cụt đã đăng trên Da Màu

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG