Đường dẫn truy cập

Viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam sẽ không thay đổi


Nhân dịp Nhật Bản vừa có chính phủ mới do một Đảng khác cầm quyền, ban Việt ngữ VOA đã tiếp xúc với ông Đỗ Thông Minh, một học giả sống lâu năm ở Tokyo để đặt một số câu hỏi. Mời quý vị theo dõi:

VOA: Thưa ông, liệu quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản có thay đổi đáng kể sau khi khi ông Hatoyama lên cầm quyền?

Đỗ Thông Minh: Chính phủ Nhật Bản mới của tân Thủ tướng Hatoyama thay thế Đảng Tự Do Dân Chủ cầm quyền từ năm 1955 và chỉ bị cách quãng một vài năm. Đảng Tự Do Dân Chủ Nhật hơi giống Đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ ở tinh thần bảo thủ, còn Đảng Dân Chủ Nhật lại có lập trường hơi giống Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ về tinh thần cấp tiến. Từ xưa, Đảng Tự Do Dân Chủ có tinh thần bảo thủ và đi rất chặt chẽ với Mỹ nhưng Đảng Dân Chủ đối lập thường có tiếng nói ngược lại. Thủ tướng Hatoyama và Đảng Dân Chủ đã nhiều lần lên tiếng sẽ giữ sự độc lập hơn đối với Hoa Kỳ và đi gần hơn với Á Châu.

Tuy nhiên, khi lên cầm quyền, ông phải đi vào thực tế hơn. Do đó, khi mới thắng trong cuộc bầu cử ở Hạ viện ngày 30/8, Thủ tướng Hatoyama đã nói chuyện với Tổng thống Obama và hai bên chúc mừng nhau rằng Đảng Dân Chủ ở hai bên bờ Thái Bình Dương đã thắng cử. Đồng thời nhấn mạnh quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ là trục chính trong chính sách ngọai giao của Nhật Bản. Tuy nhiên, mọi người lo ngại rằng ít nhiều cũng có sự chuyển hướng, tuy độc lập hơn nhưng không thể tẩy chay hoặc tách rời hoàn toàn khỏi quan hệ với Hoa Kỳ.

VOA: Một trong những điểm mà tân Thủ tướng Nhật Bản đã nói là ông sẽ duyệt lại các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Theo ông liệu quân đội Mỹ đang đóng tại Nhật có thể sẽ ra đi trong nay mai hay không?

Đỗ Thông Minh: Hiện tại số quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản khỏang 45.000 người và 2/3 số đó đang đóng tại căn cứ ở Okinawa. Từ lâu họ đã có khuynh hướng giảm bớt số quân này ở Okinawa bởi một đảo quá nhỏ lại phải gánh một số quân quá lớn. Vấn đề máy bay lên xuống thường xuyên gây ồn ào và các trở ngại khác nên từ thời Thủ tướng Aso đã có chương trình di tản 8.000 quân đội Hoa Kỳ từ Okinawa về Guam. Chương trình này cũng sẽ được tiếp tục chứ không có nghĩa là tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ yêu cầu Hoa Kỳ rút hết quân khỏi Nhật Bản.

Nước Nhật chỉ có Tự vệ đội. Khi nói đến quốc phòng thì phải vừa công vừa thủ nhưng Nhật Bản chỉ có thủ và lại rất giới hạn. Chẳng hạn như nếu tên lửa từ Bắc Triều Tiên hoặc Trung Quốc bắn qua thì Nhật Bản vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Điểm thứ hai, nếu có chiến tranh hạt nhân thì Nhật Bản không thể tự chống đỡ nên vẫn phải nhờ vào Hoa Kỳ; do đó, đây là quan hệ sống còn của Nhật Bản và mỗi năm Nhật phải chấp nhận chi bảy tỷ đôla để chi trả cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại đó.

VOA: Quay lại với Châu Á, chính sách mới của tân chính phủ Nhật Bản có thay đổi như thế nào đối với Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là Việt Nam và Nhật Bản đã xảy ra vụ “rút ruột” viện trợ nổi tiếng giữa nhà thầu Nhật Bản và các quan chức Việt Nam, thưa ông?

Đỗ Thông Minh: Theo như những gì chúng tôi biết, chính sách của Đảng Dân Chủ sẽ là tạo một tam giác đồng đẳng liên kết giữa Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Trung Quốc. Ngòai ra, đối với các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á (ASEAN) đang nhận viện trợ ODA, Nhật Bản coi đó là khối mà Nhật sẽ hỗ trợ để đi lên chứ không coi là đối tác tương đương. Ngay sau ngày 20 này, Thủ tướng Hatoyama sẽ sang Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Obama và dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong một thời gian gần ông sẽ sang Trung Quốc.

Tóm lại, chính phủ mới sẽ coi trọng vấn đề quan hệ với Á Châu. Riêng đối với Việt Nam, trong chính sách ngọai giao không đề cập rõ ngoài trừ việc tăng cường quan hệ với các nước Á Châu nói chung. Tuy nhiên ta cũng biết từ thời chính phủ Aso cũng đã gia tăng viên trợ đáng kể cho Việt Nam. Mức cao nhất là 1,1 tỷ năm 2007, đã rút xuống từ khỏang 9 trăm ngàn đến 1 tỷ vào năm 2008, nhưng lại tăng gấp rưỡi (1,5 tỷ) vào năm 2009.

Do đó, Nhật Bản một mặt vừa có nhu cầu tạo ảnh hưởng với Việt Nam, mặt khác phải cạnh tranh gắt gao với Trung Quốc. Do vậy, họ cũng không thể bỏ Việt Nam. Mọi người thường nghĩ trong tình trạng hiện nay thì viện trợ phải ngưng bớt, nhưng Nhật cũng muốn tạo ảnh hưởng và cạnh tranh với Trung Quốc, nên vẫn tiếp tục gia tăng viện trợ cho Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG