Đường dẫn truy cập

Một năm khủng khiếp cho trẻ em trong các cuộc chiến vũ trang


Đặc sứ của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đặc trách về Trẻ em và Tranh chấp Vũ trang cho biết năm qua là một năm khủng khiếp đối với các trẻ em tại những vùng bị chiến tranh tàn phá. Trong một báo cáo đệ trình Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Đặc sứ nêu lên tình trạng nghiêm trọng của những lính trẻ em và các trẻ em khác trong một số các cuộc chiến trên toàn thế giới. Sau đây là tường thuật của Thông tín viên Lisa Schlein từ Geneve cho đài VOA.

Về mặt tích cực, Liên Hiệp Quốc ước tính là con số lính trẻ em đã giảm còn 250 ngàn so với 300 ngàn 5 năm về trước.

Bà Radhika Coomaraswamy, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc cho biết là trong năm qua, một số đáng kể các lính trẻ em được Lực lượng Giải phóng Quốc gia Burundi cho xuất ngũ và nhiều em khác tại Cộng Hòa Trung Phi và Philippines sắp được phép từ bỏ vũ khí do sự can thiệp tích cực của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên bà Đặc sứ Liên Hiệp Quốc nói thêm hầu như là những diễn biến tiêu cực vượt quá những điểm tích cực, đặc biệt là tình trạng của các chiến binh trẻ em tại những cuộc xung đột dữ dội ở dải Gaza, ở Sri Lanka, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq và Afghanistan.

Bà Coomaraswamy tuyên bố là tại những cuộc chiến này, các lính trẻ em và những trẻ em khác phải chịu những tổn thất nhân mạng nặng nề và bị bạo hành trầm trọng. Nhiều em trở thành những phần tử vô gia cư vì phải bỏ nhà chạy loạn.

Bà cho biết thêm là tình trạng của trẻ em tại những trại giam giữ ở Sri Lanka là một vấn đề cần quan tâm thực sự.

Đắc sứ Liên Hiệp Quốc nói: “Chúng tôi cảm thấy là các em phải được tự do di chuyển và sum họp với gia đình và phải được tiếp xúc với các trợ giúp nhân đạo. Chúng tôi cũng cảm thấy là các lính trẻ em phải được trợ giúp và nhanh chóng sum họp với gia đình thay vì bị giữ trong những trại giam.”

Trong báo cáo gởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Coomaraswamy ghi nhận tỉ mỉ những vụ vi phạm khủng khiếp đối với trẻ em tại Gaza, mà theo bà lời nói không thể nào diễn tả được hết.

Đặc sứ của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc nói thêm là những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và nhóm nổi loạn Hutu tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến cho nhiều trẻ em bị giết hại hay bị thương tật.

Bà cũng nói là nhiều trẻ em tại tỉnh biên giới Tây Bắc Pakistan bị các phần tử chủ chiến bắt buộc nhập ngũ để được huấn luyện thành các phần tử chỉ điểm, các chiến binh hay các kẻ đánh bom tự sát.

Bà Coomaraswamy nói là bà rất quan tâm về bản chất thay đổi của cuộc chiến, đặc biệt là giữa khủng bố và chống khủng bố.

Bà Coomaraswamy nói: “Một mặt nhiều trẻ em được sử dụng thành những kẻ đánh bom tự sát hay thành những chiến binh. Mặt khác, các trường học dành cho các em gái bị tấn công. Tuy nhiên cũng có tình trạng là một số trẻ em bị bắt và giam giữ trong các hoạt động chống khủng bố. Và đây chính là mối quan tâm của chúng tôi. Và chúng tôi cũng quan tâm đến những tác hại phụ xảy đến cho các nạn nhân trẻ em.”

Bà Coomaraswamy nói là cộng đồng thế giới cần phải quyết tâm để những người vi phạm quyền của trẻ em phải chịu trách nhiệm và những kẻ phạm tội cần phải bị trừng trị.

XS
SM
MD
LG