Đường dẫn truy cập

Bảy kỳ quan


* Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.
* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).
* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).

Mỗi năm nhân loại xếp hạng lại bảy kỳ quan trên thế giới. Bảy Kỳ Quan của nhân loại được kê khai ra phải đạt được những tiêu chuẩn: Đẹp, lạ, có di tích lịch sử, vẻ đẹp tồn tại của thiên nhiên hoặc một kỳ công của con người.

Thí dụ bảy kỳ quan dưới đây: Núi Hy Mã Lạp Sơn: Taj Mahal (Kiến trúc nổi tiếng thuộc Agra-India,) Grand Canyon- Mỹ, Kênh Đào Panama, Tòa Cao Ốc Empire State Building(102 từng ở NY; xây1930-1931), Nhà Thờ St. Peter Basilica (Rome),Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc.)

Những kỳ quan này thu hút cả thế giới, thu hút những người muốn chinh phục thiên nhiên (Hy Mã Lạp Sơn). Những khách du lịch muốn được xem tận mắt những kỳ công của nhân loại (Empire State Building; Agra-India) Muốn mở lại những trang lịch sử của nhân loại trên những di tích phế, hưng (như Vạn lý Trường Thành; St. Peter Basilica).

Nhưng có những kỳ quan khác của nhân loại,quý báu nhất, dản dị nhất, không phải xếp loại lại mỗi năm, luôn luôn ở bên cạnh mỗi ngày mà không ai để ý đến. Đó là năm kỳ quan chính của con người: Thị giác (Mắt nhìn), Thính giác (Tai nghe) Khứu giác (Mũi ngửi), Vị giác (Lưỡi nếm), Xúc giác (Tay sờ).

Cặp mắt là một góc của bầu trời chứa đựng ngàn ngôi sao trong đó, những ngôi sao lấp lánh suốt một đời người. Nếu người sinh ra chẳng may không có những ngôi sao trong hai con mắt hoặc vì một tai nạn nào đó mất hẳn sự sáng sẽ thấy mình bất hạnh biết bao. Tôi nhớ lại một đoạn của bài học thuộc lòng ở thời tiểu học:

Có một cậu bé
Mù từ khi mới đẻ
Chẳng trông thấy vật gì
Phải lần từng bước đi
Suốt ngày ngoài đường
Ai thấy cũng thương.


Tội nghiệp biết bao! Tuổi thơ mà không có ánh sáng, làm sao chạy nhảy, hái hoa, bắt bướm cùng chúng bạn.

Cặp mắt còn được tượng trưng cho cửa sổ của linh hồn, nghe đã thơ mộng lắm rồi, nhưng có thi sĩ còn đi xa hơn nữa, ví cặp mắt của người yêu với cả một dòng sông, đã viết:

Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em. (Lưu Trọng Lư)


Cụ Nguyễn Du cũng cho Từ Hải hỏi Kiều một câu rất trữ tình:

Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào phải không?


Còn biết bao lời thơ, bản nhạc ca tụng cặp mắt của phụ nữ trên thế gian này.

Trời cho mỗi người một cặp mắt, nhưng không phải mắt nào cũng giống nhau. Cặp mắt của người nhân hậu khác với cặp mắt của kẻ gian tà, hay hiểm ác. Người còn trẻ mắt trong veo, ngay thẳng, gió bụi thời gian bay vào trong mắt làm người ta càng lớn tuổi, mắt càng bớt đi vẻ trong sáng, ngây thơ, rồi đôi mắt ấy sẽ mờ dần, mờ dần và kép kín lại. Những ngôi sao sẽ trả lại cho bầu trời.

Đôi tai là một kỳ quan tuyệt vời khác. Tai lắng nghe những tiếng động lớn nhỏ, những thanh âm dịu dàng, những lời âu yếm, những tiếng nhạc, tiếng thơ, tiếng chim hót, tiếng ong đập cánh, tiếng gió trên ngàn, tiếng sóng của biển, tiếng động của con thuyền trên dòng sông, hay tiếng vọng thân yêu từ nơi xa xăm nào đó, của một tiếng gọi không thành lời, hay tiếng “Thì Thầm Bên Gối” mới quyến rũ làm sao! Nhưng đồng thời có những tiếng động không muốn nghe cũng phải nhận, không muốn nghe cũng lọt vào tai như tiếng quát vang vang, la mắng, tiếng cằn nhằn, tiếng bom nổ, tiếng súng đạn của chiến tranh, tiếng khóc ai oán, bi thương của sinh ly, tử biệt. Rồi lại còn những tiếng rất khẽ, phải cố nghiêng tai nghe, tiếng thì thầm qua vách; tiếng đó, ai muốn giấu đi mà có kẻ cố tìm nghe.

Với nhạc sĩ, Thượng Đế tạo ra đôi tai để làm một việc song song cùng với một kỳ quan khác là đôi tay. Tay chạm vào đàn, bật lên tiếng nhạc cho người nhạc sĩ nghe được, viết xuống thành bài. Đôi tay của bác thợ mộc, của người thợ làm đường xá cũng hữu ích ngang với đôi tay của nhân viên y tế trong bệnh viện; đôi tay của họa sĩ vẽ tranh và của bác thợ sơn cũng tài hoa chẳng kém gì nhau, nhưng đôi tay của Michael Angelo là sự thiên vị của Thượng Đế, vì ngài chỉ làm có một đôi tay duy nhất đó. Đôi bàn tay của người mẹ là đặc ân Thượng Đế ban cho loài người, đôi tay đó đã thức khuya, dậy sớm, đã vuốt ve, ôm ấp con, đã đặt lên vầng trán chồng khi nóng, lạnh, và cũng đã làm bao công việc nhọc nhằn. Một đôi tay thô, nhám, của người mẹ là cả một kho tàng quý giá cho gia đình.

Vị giác, là một kỳ quan cũng thật đáng kể. Lưỡi dùng để nếm cay, chua, ngọt, đắng để hiểu gia vị của cuộc sống. Cứ tưởng tượng nếu không có vị giác, tất cả các quốc gia trên thế giới còn có văn hóa ẩm thực hay không? Cái lưỡi như một chiếc lá không xương đó đã giữ vai trò thẩm định nghệ thuật ăn uống của cả nhân loại. Không có vị giác làm sao có những đầu bếp nổi tiếng xuất hiện của mỗi quốc gia. Lưỡi cũng có những hoa văn, và không có cái lưỡi nào có hoa văn giống nhau (như các ngón tay). Phát ra ngôn ngữ cho tai thưởng thức, tiếng hát véo von cũng do lưỡi mà ra. Chiếc lưỡi nói lời khôn ngoan thành thật hay nói lời hiểm ác, có thể giết người. Ngày xưa trong những truyện cổ tích, ta thường nghe nói “Uốn ba tấc lưỡi” mà cứu được mạng người, hay làm tan cả một ngai vàng cũng do ba tấc lưỡi của quân sư. Các vị quan yêu nước thương dân cũng chết bay đầu vì những lời trung thực, khẳng khái. Tất cả do cái lưỡi!

Khứu giác, ngoài việc giúp để hít thở, ngửi những hương thơm, hay tránh xa khí độc còn giúp ta hồi ức lại một thời gian nào đó, hay một nơi chốn nào đó ta đã sống, đã đi qua:

Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình (Kiều) hay có ông vua đa tình hơn nữa: Xếp tàn y lại để dành hương. Như vua Tự Đức khóc Bàng Phi ngày trước.

Chắc ta sẽ khó sống lắm nếu không còn khứu giác để phân biệt được những mùi hương quen, lạ, trong đời sống hàng ngày. Hít khói xe đầy phổi mà không hay biết, một mái tóc vừa đi qua trên phố mang theo mùi xả, mùi chanh quen thuộc mà vẫn dửng dưng, thật đáng buồn!

Một dân tộc, tận dụng cả năm giác quan của Thượng Đế ban cho vào đời sống hàng ngày một cách rất nghệ thuật phải kể đến là người Nhật. Người Nhật xem việc trưng bầy thức ăn, thức uống là cả một nghệ thuật. Với người Nhật, phải nhìn cho đẹp trước đã rồi mới ăn, mới uống. Nên ăn, uống, người Nhật đưa lên hàng “Đạo” với đầy đủ nghi lễ,chứ không phải chỉ ăn cho chắc bụng.

Nghệ Thuật trưng bầy thức ăn trên những bát đĩa sứ, làm bánh, cắm hoa, uống trà. Những môn này, tất cả năm giác quan được mang ra xử dụng tối đa. Đặc biệt cắm hoa và uống trà đã đạt tới “Trà Đạo” và “Hoa Đạo”. Mắt ngắm vẻ thanh lịch, mầu sắc, của những cánh hoa, mũi ngửi mùi hương của hoa bay, của trà, tay khoan thai chạm vào hoa lá, ấm trà, tách trà, tai nghe tiếng nước sôi, tiếng than nổ lách tách, tiếng gió lùa qua cánh cửa giấy, lưỡi nếm vị đắng thanh thanh của trà, vị ngòn ngọt của bánh đậu. Một món bánh làm bằng bột gạo và đậu đỏ, có tên là Wagashi của Nhật chính là một siêu nghệ thuật về mầu sắc và hình dáng. Tên gọi của các loại bánh Wagashi đều rất trang nhã, dễ nghe. Đó thường là tên gọi những loài hoa đẹp, những cảnh thiên nhiên thanh tịnh, được rút ra từ những bài thơ trữ tình Nhật. Mỗi một chiếc Wagashi đưa đến đủ năm giác quan, từ hình dáng, mùi thơm, âm thanh trong từng chiếc bánh.

Nhưng ngoài năm giác quan trên, có người còn được Thượng Đế ưu đãi cho thêm giác quan thứ sáu, có thể tạm gọi là “Trực Giác.” Trực Giác là sự linh cảm. Người có linh cảm là người có khả năng dự báo sự việc sắp xẩy ra. Kiến thức đặc biệt này không ai có thể dậy cho ai được. Họ có thể là những nhà tiên tri hay chỉ là một người bạn rất thường ta gặp hàng ngày, nhưng đã cho ta biết một điều gì đó mà ta không biết trước được, khi nó chưa đến.

Nhưng nếu chúng ta có: Tai nghe, mắt thấy, tay sờ, lưỡi nếm, mũi ngửi và ngay cả trực giác nữa (giác quan thứ sáu) mà chúng ta “Vô Tâm” thì cũng thành vô dụng thôi. Lúc đó chúng ta sẽ thành một Robot (người máy) cư xử, hành động theo nút bấm. Mọi việc có quy củ, ngăn nắp nhưng vô hồn. Con người cần có “Tâm” để thành con người đích thực. Yêu, thương, lo lắng cho người khác, thông cảm và chấp nhận một sự nghịch lý, tất cả cần tâm cảm. Thượng Đế chắc chú trọng đến điều này trước nhất khi dựng lên loài người. Tâm cảm phát xuất từ trái tim con người nên Trái Tim cũng được coi như một kỳ quan. Chúng ta không cần phải là những nhà tu khổ hạnh mới có được cái Tâm.

Trong đời thường, sống thương yêu và khoan dung với những người chung quanh một cách tự nhiên, giản dị là Cái Tâm tự nó đã trở thành một kỳ quan tuyệt mỹ rồi. Yêu thương cha mẹ, con cháu mình, dễ lắm! Điều này ai cũng làm được, nhưng yêu thương được cha mẹ, con cháu của người khác, không có liên hệ gì với mình, yêu người không cùng giai cấp, chủng tộc, không cùng mầu da, đấy mới gọi là “Tâm”.

Chúng ta chẳng cần đi đâu xa để ngắm bảy kỳ quan thế giới. Thượng Đế đã đặt vào người bạn đang đi ở bên cạnh chúng ta, bảy kỳ quan đó: Mắt, Mũi, Miệng, Tai,Tay Chân, Trực Giác và Tâm Cảm. Tất cả đều đơn sơ, giản dị và tuyệt vời!

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG