Đường dẫn truy cập

Trung Quốc không giữ đúng cam kết về tự do báo chí


Các tổ chức nhân quyền trên thế giới nói rằng Trung Quốc không giữ đúng cam kết về cải cách truyền thông và tiếp tục hạn chế các hoạt động của các ký giả nước ngoài. Lên tiếng tại Washington hôm qua trước một ủy ban xét duyệt của Thượng viện Hoa kỳ, các nhà hoạt động nói rằng mặc dù có những tiến bộ nho nhỏ về tự do báo chí trong mấy năm vừa qua, chính phủ Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ những bài tường trình về các vấn đề nhạy cảm. Thông tín viên đài VOA Catherine Cannon ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các tổ chức nhân quyền cho biết lúc đầu họ đã cảm thấy phấn khởi hồi tháng 10 năm ngoái khi chính phủ Trung Quốc cam kết cho giới ký giả ngoại quốc được tự do hoàn toàn trong suốt thời gian diễn ra Olympics Bắc Kinh 2008. Nhưng gần 1 năm sau, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, còn gọi tắt là CPJ, chuyên theo dõi quyền lợi của giới truyền thông quốc tế, cho biết vẫn tiếp tục xảy ra các vụ vi phạm quyền tự do báo chí tại Trung Quốc.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng nhà chức trách Trung Quốc đã bỏ tù ít nhất 24 nhà báo liên can tới những vụ đăng tải bài viết trên internet.

Bà Madeleine Earp là một cộng tác viên nghiên cứu về Á châu với CPJ. Phát biểu tại Trụ sở quốc hội Mỹ ở Washington ngày hôm qua, bà Earp nói rằng chính phủ Trung Quốc thường hạn chế báo chí tường thuật về những vấn đề nhạy cảm có thể tạo ra một hình ảnh bất lợi cho các giới chức nước này.

Bà Earp nói: “Các giới chức chính phủ Trung Quốc tiếp tục đặt rủi ro bản thân mình bị rắc rối với chính phủ lên trên lợi ích của công chúng.”

Bà Earp nói rằng điều này đặc biệt đúng trong những trường hợp xảy ra những vụ tai tiếng liên quan đến vấn đề y tế công cộng như vụ phát hiện vào năm 2008 cho thấy các công ty Trung Quốc dùng độc chất melamine trong thực phẩm sản xuất.

Ông Phelim Kine, một nhà nghiên cứu về Á Châu của Tổ chức Human Rights Watch, nói rằng các cải cách truyền thông kéo dài sau Thế vận hội Bắc Kinh là một cơ hội đã bị bỏ qua. Các cải cách giúp các ký giả có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn mà không cần có sự chấp thuận trước của chính phủ và các ký giả được tự do đi lại nhiều nơi hơn.

Nhưng theo ông Kine thì các ký giả ngoại quốc vẫn bị xách nhiễu, bị câu lưu và bị các giới chức chính phủ và các nhân viên an ninh Trung Quốc đe dọa.

Ông Kine cho biết: “Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã cam kết cho tự do báo chí một cách công khai và bằng văn bản, sinh hoạt thường ngày trên thực tế của một ký giả nước ngoài tại Trung Quốc vẫn cực kỳ khó khăn và vẫn còn vô số thách thức.”

Ngoài chuyện giới hạn các hoạt đôïng của các ký giả nước ngoài, chính phủ Trung Quốc nay đang tập trung vào việc chỉnh lý các nguồn cung cấp thông tin cho giới báo chí. Ông Kine cho biết những công dân Trung Quốc giúp đỡ cho các ký giả nước ngoài thường là bị trừng phạt.

Ông Kine nói: “Đây là những người cung cấp các thông tin chúng ta cần biết để hiểu biết về Trung Quốc và càng ngày các giới chức chính phủ và các lực lượng an ninh trong nước càng tìm cách xác nhận cụ thể và nhắm mục tiêu vào các nguồn cung cấp thông tin để bịt miệng họ. Hành độïng này không có lợi gì cho sự cam kết tôn trọng tự do báo chí của chính phủ Trung Quốc và gây phương hại cho sự hiểu biết của chúng ta về những gì đang diễn ra tại Trung Quốc.”

Để bênh vực cho hành độïng của mình Trung Quốc viện dẫn Điều luật 35 trong bản hiến pháp của nước này,cho phép hoàn toàn tự do báo chí. Nhưng các tổ chức như CPJ và Human Rights Watch cho biết chính phủ Trung Quốc tiếp tục tìm cách kiểm soát báo chí và ông Kine nói rằng ông không tin là sẽ có sự thay đổi.

Ông Kine nói tiếp: “Chúng ta vẫn không thể biết được nhiều về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, bởi vì khi chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát thì họ làm và phản ứng vẫn là kiểm soát đối với những vấn đề nhạy cảm, thiên tai, y tế công cộng…tất cả những đề tài mang bản chất xuyên quốc gia. Những vấn đề này vẫn bị kiểm soát chặt chẽ và có vẫn sẽ bị kiểm soát trong tương lai gần đây.”

Ông Kine nói rằng lực đẩy duy nhất có thể thay đổi được tự do báo chí tại Trung Quốc là Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế khơi ra sự chú ý vào những điểm mà chính phủ Trung Quốc còn sai sót.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG