Đường dẫn truy cập

Afghanistan ‘có các tương đồng’ với chiến tranh Việt Nam


Khi tình hình ở Afghanistan đang ngày càng trở nên phức tạp và đầy chết chóc, nhiều tiếng nói đã cất lên về sự tham gia quân sự phương Tây ở đó, đặc biệt là về sự gia tăng quân sự Hoa Kỳ. Ngày càng có những ý kiến cho rằng có những điểm tương đồng giữa hai cuộc chiến Afghanistan và Việt Nam trong các cuộc thảo luận. Như nhà phân tích thời sự của VOA Gary Thomas nhận định, có một số tương đồng giữa hai cuộc xung đột, nhưng cũng có những khác biệt rõ ràng.

Cuộc chiến mà Hoa Kỳ từng thất bại gần 40 năm về trước nay lại trở lại ám ảnh tổng thống trẻ trung, các cố vấn và các tướng lĩnh của ông, và cả đất nước mà ông lãnh đạo. Chữ cái V – tức Việt Nam – đang ngày càng được nghe thấy trong các cuộc thảo luận ngày càng nhiều về sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Afghanistan.

Những tiếng nói ngay cả trong đảng của Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ có nguy cơ bị kéo vào một vũng lầy như kiểu Việt Nam và rằng Afghanistan có thể trở thành Việt Nam của chính quyền Obama.

Anthony Cordesman, một nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng những sự so sánh đó theo ông về Hoa Kỳ sau chuyến thăm mới đây tới Afghansitan.

Ông nói: 'Điều tôi chứng kiến ở Afghanistan là các vấn đề không chỉ giống với Iraq mà cả với Việt Nam hàng chục năm trước. Chúng ta đang tham gia một cuộc chiến một nửa thế kỷ sau này mà chúng ta lại thua với các lý do tương tự như một nửa thế kỷ trước'.

Trở lại thời đó, một yêu cầu tăng quân tới chiến trường được gọi là một sự leo thang. Ngày nay, đó cũng là một sự tăng quân. Nhưng bây giờ, giống như trước kia, các binh sĩ Hoa Kỳ truy tìm kẻ thù khó bắt trên các vùng đất gập ghềnh, những kẻ thù ẩn mình trong dân chúng hoặc ẩn nấp trong các khu vực dọc theo biên giới nước láng giềng.

Thương vong đối với dân thường gây ra sự tức giận mạnh mẽ hơn. Và tham nhũng tràn lan trong chính quyền ở Kabul, như từng xảy ra ở nơi từng là Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam thời đó.

Trung tá Larry Wilkerson đã hồi hưu từng là trưởng ban nhân viên của Ngoại trưởng Colin Powell trong chính quyền Bush. Ông cũng là một cựu quân nhân trong cuộc chiến Việt Nam. Ông nói rằng các đoạn băng video mà những người bạn trong quân ngũ ở Afghanistan gửi cho ông gây quan ngại khi so sánh chúng với những trải nghiệm của ông ở Việt Nam nhiều năm trước.

Ông Wilkerson nói: 'Bạn xem chúng và tự nói rằng đây là căn cứ Đồi Cọ ở Việt Nam. Điều này cũng giống với như Cánh thiên thần gần với Campuchia, một cứ địa của kẻ thù, mà không thể vượt qua lằn ranh, mà không thể tiến vào nơi kẻ thù ẩn náu. Còn chính phủ ở Kabul thì tham nhũng. Một loạt các cách thức khác nhau nhằm thu phục lòng tin của người dân mà không đem lại hiệu quả. Rồi cả chuyện mang lại an ninh cho một xã ấp --- rồi chúng ta rút quân, xã ấp không còn an ninh và Taliban chiếm quyền. Có quá nhiều sự tương đồng, và điều này thật đáng sợ'.

Dưới con mắt của nhiều nhà phân tích thì sự giống nhau rõ rệt nhất giữa chiến tranh Việt Nam và Afghanistan là vấn đề các cứ địa an toàn. Cũng như Việt Cộng và quân chính qui Bắc Việt sử dụng Lào và Cambodia làm căn cứ an toàn, Taliban dùng khu vực các bộ tộc của nước láng giềng Pakistan làm nơi trú ẩn.

Tổng thống Richard Nixon đưa quân đội sang Cambodia vào năm 1970 để tấn công vào các căn cứ Bắc Việt và Việt cộng tại đây. Còn tại Afghanistan, Hoa Kỳ sử dụng các máy bay không người lái tấn công các căn cứ của Taliban tại Pakistan. Tuy nhiên theo như nhận xét của ông Charles Kupchan, chuyên viên phân tích của Hội đồng quan hệ ngoại giao, những vấn đề về an ninh cũng như chính trị không cho phép áp dụng kế hoạch tương tự tại Pakistan.

Ông Kupchan nói: “Ngay cả khi Hoa Kỳ dùng máy bay không người lái tấn công vào lãnh thổ Pakistan, Hoa Kỳ cũng không được phép đưa lực lượng sang lãnh thổ Pakistan. Và như vậy thì trong một chừng mực nào đó, Taliban có khu an toàn, có thể vượt biên giới sang Afghanistan gây thiệt hại và rút về Pakistan.”

Tuy nhiên có những khác biệt lớn lao giữa hai cuộc chiến. Afghanistan có nhiều sắc dân khác nhau, nhưng có những liên hệ mật thiết giữa các bộ tộc. Mục đích được công bố của cuộc chiến tại Afghanistan là không cho phe Taliban và đồng minh al-Qaida căn cứ an toàn để từ đó mở các cuộc tấn công vào các mục tiêu phương Tây. Trong khi đó mục đích của chiến cuộc Việt Nam là chặn đứng cuộc nổi dậy do Cộng sản hỗ trợ.

Lực lượng Mỹ từ con số 184000 người tại Nam Việt Nam vào cuối năm 1965 lên đến 537000 vào cuối năm 1968. Tại Afghanistan quân đội Mỹ dự trù có khoảng 68000 quân vào cuối năm nay nhưng có thể tăng thêm nữa nếu tướng Stanley McChrystal yêu cầu và được Tổng Thống Barack Obama chấp thuận.

Hoa Kỳ ban hành lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự trong chiến tranh Việt Nam và điều này đã gây nên những cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh. Trong khi đó hiện nay quân đội Mỹ toàn là các lực lượng tình nguyện.

Theo các chuyên gia phân tích, điều này đã làm giảm bớt được bất cứ những cuộc biểu tình chống chiến tranh ở qui mô rộng lớn nếu có. Ông Erick Leaver thuộc Viện Nghiên cứu chính sách có nhận xét là sự khác biệt lớn lao giữa hai cuộc chiến là sự chống đối mạnh mẽ nhất cuộc chiến Afghanistan có thể được thành hình vì chi phí tài chánh của chiến tranh thay vì về số tổn thất nhân mạng.

Ông Leaver nói: “Chúng ta có một sự khác biệt lớn đối với những gì xảy ra tại Việt Nam nhất là cái giá phải trả về phương diện nhân sự. Giá phải trả về phương diện tài chánh là một vấn đề hoàn toàn khác biệt. Và tôi nghĩ là khi chúng ta bắt đầu cảm thấy những tổn hại về kinh tế tại nước Mỹ khi Tổng Thống Barack Obama phải xin thêm kinh phí cho cuộc chiến Afghanistan thì lúc ấy chúng ta sẽ thấy có những phản ứng ngược lại, tương tự như những gì chúng ta trải qua trong cuộc chiến Việt Nam.”

Hơn 58 ngàn chiến binh Mỹ tử trận tại Việt Nam. Trong khi đó cho tới nay chưa đến 1000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG