Hình như lần về Việt Nam đó tôi đã đến nhà của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để phỏng vấn ông trước tiên. Tôi cũng chẳng nhớ ai đã cho tôi số điện thoại của ông để liên lạc. Chỉ còn nhớ là tôi đã rất thích nói chuyện với ông. Người Nam lại có sự cởi mở, thoải mái của một người nhạc sĩ, tác giả của bài ‘Không’ đã kể cho tôi nghe không biết là bao nhiêu kỷ niệm của một thời nhạc ‘vàng’ oanh liệt vào đầu thập niên 70.
Từ ông, tôi đã lần tìm ra được nhạc sĩ Trần Tiến.
Từ nhạc sĩ Trần Tiến, tôi đã lần tìm ra ông. Nhà thơ, thi sĩ với cái tên trên đời chỉ có một: Hoàng Cầm.
Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Hà Nội. Nhớ ngày nào còn đạp xe đạp mỗi ngày đi làm từ tận dưới đường Đại Cồ Việt đến phố Chân Cầm nằm sát bên cạnh Hàng Bông. Thế mà thấm thoát gần 10 năm đã trôi qua. Thì ra nhà ông ở sát bên cạnh phố, chẳng xa Nhà Thờ Đá là bao. Vậy mà lúc ấy tôi không biết. Chứ nếu biết có lẽ thời gian tôi ở Hà Nội làm việc vào giữa thập niên 90 chắc sẽ phải thú vị hơn nhiều.
Vì còn biết bao điều những người như tôi có thể học hỏi ở nơi ông.
Hôm ông hẹn tôi đến nhà ông để nói chuyện trời đã khá khuya. Đèn đường nơi có nơi không, tranh tối tranh sáng nên mất một lúc tôi và Vũ là người cameraman cùng đi chung mới tìm được nhà ông. Nằm khuất trong hẻm nhỏ vắng người qua lại nhưng nhờ thùng thơ đặt ở bên ngoài với cái tên ‘Hoàng Cầm’ được khắc lên mặt thùng khá rõ nên tôi đã mạnh dạn bước tới gõ cửa miệng hỏi ‘Xin lỗi có ai ở nhà không?’.
Phải một lúc sau mới có người ra mở cửa. Nhìn gương mặt người đàn bà đứng bên trong nhà trông có vẻ ngạc nhiên pha lẫn chút tò mò không hiểu chúng tôi muốn gì giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này, tôi đoán là ở Hà Nội chắc ít có ai đến nhà người lạ thăm hỏi vào giờ này. Có lẽ tính ông cũng dễ chịu nên đã sẵn sàng cho tôi hẹn gặp dù biết là đã khá trễ vì sang ngày hôm sau chúng tôi phải quay trở về Sài Gòn để bay về Mỹ. Và ông đã quên nói điều này cho người nhà của ông biết.
Sau khi nghe tôi giải thích, người đàn bà đã không còn lộ vẻ ngạc nhiên, mỉm cười bảo chúng tôi cứ đi thẳng lên lầu gặp ông. Nếu có hẹn thì chắc là ông cũng đang đợi chúng tôi để gặp. Sau này tôi mới được cho biết đấy là một trong những người con dâu của ông, người mà ông hiện vẫn sống chung cùng với người con trai và một người cháu gái đang ở tuổi đi học.
Nhà ông khá nhỏ. Cầu thang lại hẹp. Đến căn nhà bé nhỏ của cố nhạc sĩ Văn Cao có tiếng là con chim đầu đàn của nền âm nhạc tiền chiến Việt Nam nhưng nơi đâu tôi cũng chỉ thấy rời rạc đây đó những vật dụng nghèo nàn, cũ kỹ tôi đã buồn cho thân phận hẩm hiu của các nghệ sĩ trí thức Việt Nam.
Nhưng nhà ông Hoàng Cầm thật ra cũng chẳng hơn gì. Tôi chợt nghĩ có biết bao thế hệ, bao nhiêu người Việt Nam tài giỏi khắp nơi trên thế giới đã nghe đến tên ông. Hãnh diện là đã có những tiếng nói dõng dạc, can trường đầy nhiệt huyết, thơ văn đậm tình dân tộc như ông.
Nhưng liệu họ có biết cuộc sống của ông mỗi ngày như thế nào không? Nơi ông đang ở nó tiện nghi đến độ nào?
Ông có thoải mái, có thiếu thốn lắm không?
Không. Chắc chắn là không. Vì ngay cả tôi đây người đã từng biết đến ông, cảm phục tinh thần của ông và đã đi nhiều, thấy rõ cũng không ngờ người đàn ông tóc bạc phơ, gầy yếu đang nằm một mình trên chiếc giường chiếu nhỏ trong căn phòng chật hẹp ngổn ngang đầy đồ đạc ngay trước mặt mình lại chính là ông.
Cũng có thể tôi là người có nhiều sự tưởng tượng không cần thiết. Vì suy cho cùng nếu so với một người dân bình thường ở Việt Nam thì nhà của ông cũng có thể được cho là không đến nỗi tệ lắm. Vì đó là một căn nhà tô được xây bằng xi măng với một căn gác nhỏ nằm trên tầng hai ở ngay trung tâm thành phố, thủ đô của cả nước.
Nhưng ngặt nỗi tôi lỡ đã lớn lên nơi xứ người, đã quen với những tiêu chuẩn được cho là bình thường ở thế giới phương Tây. Tôi lại không cho ông là một người Việt Nam ‘bình thường’ như những người khác. Và nhất là tôi đã có dịp gặp tiếp xúc nhiều với các ca nhạc sĩ ở Việt Nam cũng như ở Hải Ngoại.
Tôi nghĩ tôi không quá cường điệu khi cho là nhìn chung, nhà của các ca sĩ ở hải ngoại to và sang hơn hầu hết các ca sĩ ở trong nước. Và tuyệt đại đa số nhà của các ca sĩ Việt Nam lại sang và to hơn hầu hết nhà của các văn nhạc sĩ Việt Nam mà tôi đã từng gặp.
Bất kể thuộc thế hệ nào.
Bởi vậy nếu sau này có con chắc khó mà tôi sẽ mạnh miệng ủng hộ con mình theo đuổi sự nghiệp văn chương, âm nhạc! (Còn tiếp)
Đọc nhiều nhất
1