Cách đây không lâu, hãng hàng không Jesta Pacific ở Việt Nam đã từ chối không vận chuyển 2 hành khách bị khiếm thính mặc dù họ đã có vé khiến báo giới ồn ào một thời gian. Hãng này sau đó đã lên tiếng xin lỗi và tặng quà cho hai hành khách kể trên. Cử chỉ xin lỗi công khai như thế của Jesta Pacific kể cũng là một việc đáng trân trọng. Vụ này cũng có thể được coi là sự chiến thắng nho nhỏ của những người khuyết tật trong việc đòi hỏi được đối xử công bằng.
Ấy thế nhưng nhìn rộng ra một chút thì người khuyết tật ở Việt Nam nói chung còn gánh chịu quá nhiều bất công và kỳ thị.
Theo thống kê năm 2003, Việt Nam có hơn 5 triệu người khuyết tật, chiếm 6,3 % tổng dân số. Có gần 8% hộ gia đình Việt Nam có người khuyết tật và hầu hết các hộ đó đều là hộ rất nghèo.
Điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) hồi năm 2007 trên 4 tỉnh Thái Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam và Ðồng Nai đã cho thấy khoảng gần 75% người khuyết tật trong độ tuổi từ 15 trở lên không có việc làm. 75% số hộ gia đình này phải sống trong những căn nhà tạm bợ với điều kiện sống vô cùng tồi tàn.
Thu nhập trung bình của các hộ này chỉ ở mức 3,4 triệu VND (tương đương 200 USD) một năm, tức là ở mức tối thiểu đủ để tồn tại về mặt sinh học (trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người – chứ không phải của hộ gia đình- ở Việt Nam đã lên tới $1024 một người vào năm 2008).
Sự kỳ thị của xã hội cũng được phản ánh rõ qua số liệu từ cuộc điều tra của ISDS. Có tới 40% những người “bình thường” khi được hỏi đã cho rằng người khuyết tật có thói quen ỷ lại vào người khác, 66% cho rằng họ không thể có cuộc sống "bình thường" như những người khác; 76% cho rằng nên gửi người khuyết tật vào các trung tâm để có được "chăm sóc tốt hơn". 21% còn cho rằng người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải "trả giá" cho việc làm xấu xa ở "kiếp trước".
Tệ hại hơn nữa, nhiều người khuyết tật bị phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình, ví dụ như: coi thường người khuyết tật (16%); coi là gánh nặng suốt cuộc đời (40%); coi là "vô dụng" (20,7%); thường xuyên lăng mạ (14,2%); bỏ mặc không chăm sóc (8,5%); thậm chí bỏ rơi (7,1%); không cho ăn (4,3%); khóa/xích trong nhà (10,2%); và bắt đi ăn xin (1,5%).
Về phía nhà nước, các chính sách đối với người khuyết tật từ trước tới nay vẫn theo hướng làm từ thiện hơn là hỗ trợ phát triển. Hầu hết các hoạt động hỗ trợ thường cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, bảo hiểm xã hội hay xóa đói hơn là các hỗ trợ tạo công ăn việc làm, dạy nghề và tham gia xã hội. Những hỗ trợ này do vậy không thường xuyên và không bền vững.
Và chính điều này cũng một phần phản ánh quan điểm của người làm chính sách khá gần với quan điểm của công chúng mà thống kê trên mô tả. Tức là cả nhà nước và công chúng đều coi những người khuyết tật là những người đáng thương hại và cần được bố thí. Đây là một cách nhìn sai lầm và tai hại.
Báo Nhân Dân hồi cuối năm 2008 đăng lại ý kiến của một người khuyết tật như sau: “chúng tôi không cần thương hại, chúng tôi học hành chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, độc lập và làm việc như người bình thường”. Đây là một lời tự bạch rất thật và trên thực tế có hàm ý to lớn đối với chính sách của nhà nước.
Người khuyết tật cần được nhìn nhận một cách bình đẳng với người không khuyết tật và chính sách của nhà nước cần hướng tới việc bảo đảm sự bình đẳng này. Trên cơ sở được đảm bảo bình đẳng về quyền tiếp cận các nguồn lực của xã hội và các cơ hội phát triển, người khuyết tật sẽ có thể tự mưu sinh và tự làm chủ cuộc sống của mình.
Lấy thí dụ, Jesta Pacific từ chối không cho 2 hành khách khiếm thính lên máy bay vì họ cho rằng hai người này không nghe được tiếp viên và cơ trưởng và lại không có người thân đi cùng để hướng dẫn, và vì thế không đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cho hãng. Với cách lập luận này, Jesta Pacific cũng có thể cấm những người phải ngồi xe lăn và những người khiếm thị lên máy bay. Mà nếu một hãng hàng không có thể làm được như vậy thì các hãng vận tải mặt đất cũng có thể.
Với hệ thống luật pháp hiện nay của VN, Jesta Pacific có quyền làm như vậy mà không gặp rắc rối pháp lý nào. Và vì thế, người khuyết tật ở Việt Nam có thể bị từ chối quyền được đi lại giống như người bình thường.
Để đảm bảo công bằng cho người khuyết tật thì hệ thống luật và thi hành luật cần phải đảm bảo những quyền bình đẳng này. Các hãng hàng không như Jesta Pacific cần phải có các dịch vụ để phục vụ những người khuyết tật nếu họ muốn kinh doanh ở Việt Nam.
Luật về người khuyết tật đang được bàn thảo và sẽ được trình Quốc hội phê duyệt vào giữa năm 2010. Hi vọng những vấn đề về bình đẳng cơ hội đối với người khuyết tật sẽ được các nhà làm luật triệt để tôn trọng.