Đường dẫn truy cập

Texas Tech, nơi có nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam


Trung tâm Việt Nam và Văn khố tại trường Đại học Công nghệ Texas (Texas Tech University) lưu trữ nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Những tài liệu này đầy đủ và phong phú đứng hàng thứ hai của nước Mỹ, chỉ sau văn khố của Ngũ Giác Đài. Các học giả và sinh viên tại nước Mỹ và trên toàn thế giới có thể đến đây hoặc lướt trên mạng để nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về Trung tâm Việt Nam và văn khố Việt Nam qua phần trình bày sau đây của Hà Vũ.

Trung tâm Việt Nam và văn khố Việt Nam được thành lập vào năm 1989, tại trường đại học công nghệ Texas, từ ý tưởng của Tiến sĩ James Reckner, giáo sư sử học của trường.

Tiến sĩ Reckner phục vụ 2 năm trong Hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam với tư cách là cố vấn cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Tiến sĩ Reckner đến trường đại học công nghệ Texas vào năm 1988 và dạy môn lịch sử quân sự. Tại đây, ông nhận thấy là sinh viên không hiểu gì cả về những điều xảy ra tại Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Do đó theo lời Tiến sĩ Steve Maxner, hiện là giám đốc Trung tâm Việt Nam thì Tiến sĩ Reckner muốn sửa đổi sự thiếu sót này.

Tiến sĩ Reckner tiếp xúc với một số tổ chức cựu chiến binh Mỹ tham dự chiến tranh Việt Nam và các viên chức đại học và sau đó cùng nhau đưa ra đề nghị thành lập một trung tâm để nghiên cứu về sự dính líu của Hoa Kỳ vào Việt Nam và vùng Đông Nam Á trong thời kỳ chiến tranh. Đồng thời ông nêu ý kiến thành lập một văn khố để thu thập và giữ gìn các tài liệu dùng cho sinh viên tham khảo sau này.

Tiến sĩ Maxner giải thích về tầm quan trọng của Văn khố Việt Nam:

“Lý do tại sao văn khố quan trọng vì tại trường đại học Texas Tech lúc bấy giờ, thư viện không có tài liệu để giúp sinh viên hiểu được những gì xảy ra trong chiến tranh Việt Nam cũng như những gì xảy ra tại Đông Nam Á”.

Văn khố Việt Nam tại Texas Tech được xem như có nhiều tài liệu về Việt Nam chỉ đứng hàng thứ hai sau văn khố của Ngũ Giác Đài tại Washington nhờ sự đóng góp của nhiều cá nhân và tổ chức. Tiến sĩ Maxner cho biết thêm:

“Chúng tôi lớn mạnh thành một văn khố lớn nhất trong số các văn khố của các trường đại học. Chúng tôi nhận được những tặng dữ của tư nhân, của những cựu chiến binh, không những về những báo cáo, tường trình của quân đội mà còn từ những nhân viên dân sự làm việc tại Đông Nam Á. Chúng tôi có được những tài liệu của những người làm việc tại Bộ Ngoại giao, cơ quan Tình báo Trung ương CIA, bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan khác nhau nữa”.

Ngoài những tài liệu do các học giả thu thập được tại Mỹ, Trung tâm Việt Nam còn có những tài liệu của các bên tham chiến. Tiến sĩ Maxner nói:

“Chúng tôi cũng thu thập tài liệu từ các bên tham chiến. Chúng tôi có những tài liệu về phía Hoa Kỳ, về các đồng minh, về phía quân đội nhân dân Bắc Việt, về phía Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận giải phóng miền Nam”.

Trung tâm Việt Nam còn có những tài liệu về phía người Anh, người Pháp, Campuchia, Lào và Thái Lan.

Hiện nay Văn khố Việt Nam có khoảng 20 triệu trang tài liệu viết, thư từ, nhật ký, vi phim, bản đồ, bích chương, phim ảnh, băng cát sét… Ngoài ra Văn khố Việt Nam còn có những hiện vật như vũ khí, máy bay trực thăng, trang cụ…

Điểm đặc biệt hơn nữa là trong 10 năm qua, trung tâm đã phỏng vấn nhiều người tham gia vào cuộc chiến từ mọi phía. Ngoài Hoa Kỳ trung tâm còn phỏng vấn các nhân chứng từ 10 quốc gia khác nhau về kinh nghiệm họ trải qua cũng như ảnh hưởng của cuộc chiến đối với họ.

Và trong thời gian 8 năm gần đây, được sự hỗ trợ của các dân biểu nghị sĩ địa phương cũng như trung ương, trung tâm Việt Nam đã thành lập một văn khố ảo. Tiến sĩ Maxner giải thích về văn khố ảo.

“Văn khố ảo là một dự án biến tất cả những tài liệu thành kỹ thuật số để đưa lên mạng cho bất cứ những nhà nghiên cứu nào trên thế giới cũng có thể truy cập được những tin tức lưu trữ tại Texas”.

Hiện nay văn khố Việt Nam đã đưa lên mạng được 3 triệu trang tài liệu và mỗi năm có 1 triệu rưỡi lượt các nhà nghiên cứu, các cá nhân vào trang mạng của văn khố.

Về chương trình trong tương lai của Trung tâm Việt Nam, Tiến sĩ Maxner cho biết là rút kinh nghiệm về trường hợp những cựu chiến binh Mỹ trong thế chiến thứ hai qua đời với tỷ lệ báo động là 1900 người mỗi ngày nên trung tâm cố gắng gấp rút thu thập những tài liệu từ các cựu chiến binh Việt Nam càng nhiều càng tốt:

“Điều chúng tôi muốn là đảm bảo việc thu thập và gìn giữ tài liệu từ các cựu chiến binh Việt Nam càng nhiều càng tốt để cho những người hôm nay và thế hệ mai sau có thể sử dụng được”.

Một trong những dự án án quan trọng khác trong tương lai là gây quỹ để xây dựng một trung tâm Việt Nam biệt lập và một viện bảo tàng. Tiến sĩ Maxner cho biết:

“Hiện chúng tôi đang tìm kiếm ngân khoản để xây dựng một trung tâm Việt Nam và một văn khố Việt Nam biệt lập cùng với việc thành lập một viện bảo tàng. Tại Việt Nam có hàng chục viện bảo tàng chiến tranh. Ở tầm mức quốc gia có các viện bảo tàng chiến tranh tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác nữa. Trong khi đó tại Mỹ không có viện bảo tàng chiến tranh Việt Nam nào cả”.

Tiến sĩ Maxner cho rằng điều quan trọng của viện bảo tàng chiến tranh Việt Nam là thể hiện được lập trường tất cả các bên của cuộc chiến tranh này bằng sự tôn trọng sự thực mà không đứng về một bên nào cả.

Đối với việc thu thập tài liệu về chiến tranh trong cộng đồng Việt Nam tại Mỹ cũng như các nước, Tiến sĩ Maxner cho biết là có ký một thỏa ước với Hội Di sản người Mỹ gốc Việt tạiTexas và thu thập những tài liệu từ Hội Gia đình các tù nhân chính trị tại Virginia:

“Chúng tôi đã đạt được thỏa hiệp với Hội di sản của người Mỹ gốc Việt tại Texas, một hội đang nỗ lực thu thập và gìn giữ lịch sử của những người Mỹ gốc Việt và một hội khác nữa là Hội Gia đình các tù nhân chính trị tại Virginia. Hội này được thành lập để giúp những người muốnrời khỏi Việt Nam vì bị áp bức về chính trị. Chúng tôi có tất cả 125 thùng hồ sơ về những trường hợp này và đang trong tiến trình phân tách.”

Đối với mối quan hệ giữa trung tâm và phía Việt Nam trong việc
thu thập những tài liệu liên hệ đến chiến tranh Việt Nam, Tiến sĩ Maxner cho biết chỉ có liên hệ với các trường đại học Việt Nam về phương diện giáo dục, còn về phương diện trao đổi tài liệu lịch sửû thì đang còn gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Maxner giải thích:

“Một phần của vấn đề còn tồn tại là sự giải thích khác nhau giữa hai bên về những sự kiện xảy ra trong chiến tranh và sau chiến tranh. Do đó cho đến chừng nào chúng tôi có những cuộc thảo luận trung thực, thẳng thắn về những sự kiện đó thì những trao đổi chính thức vẫn còn khó khăn”.

Ngoài việc thu thập những tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam, kể từ năm 1993, Trung tâm Việt Nam bắt đầu tổ chức những hội nghị hàng năm nhằm vào những vấn đề đặc biệt. Cứ mỗi ba năm, trung tâm tổ chức hội thảo rộng rãi hơn về những chuyên đề. Các tham dự viên được khuyến khích trình bày những tham luận liên hệ đến kinh nghiệm của người Mỹ tại Việt Nam. Những buổi hội thảo này đã thu hút nhiều học giả, sinh viên, tác giả, những cựu chiến binh đến trình bày những nghiên cứu mới của họ.

Rút kinh nghiệm về sự thành công của Trung tâm Việt Nam, một trung tâm nghiên cứu về chiến tranh, ngoại giao sau Việt Nam cũng đã được thành lập tại Texas Tech.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG