Đường dẫn truy cập

IAEA thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran


Ủy ban chấp hành của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc Tế tức IAEA gồm 35 thành viên đã bắt đầu các cuộc thảo luận tập trung vào những hoạt động hạt nhân gây tranh cãi tại Iran và Syria cùng những đề tài khác. Từ Paris, Thông tín viên Lisa Bryant tường trình rằng cuộc họp đã diễn ra trong tuần này giữa lúc ngày càng có nhiều ủng hộ hơn của các quốc gia tây phương để áp đặt những lệnh cấm vận chặt chẽ hơn nhắm vào Iran.

Cuộc họp kéo dài 5 ngày của ủy ban chấp hành của cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế có trụ sở tại Vienne đang diễn ra giữa lúc có những lời tố cáo là Iran vẫn đang tìm cách triển khai một đầu đạn hạt nhân, phi đạn tầm xa mang nhiều đầu đạn có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc, và các vũ khí khác.

Những quan ngại này được Tổng giám đốc Mohamed el Baradei, người sắp rời khỏi chức vụ, nêu rõ với ủy ban chấp hành ngay cả khi ông ghi nhận một số tiến bộ của Iran trong một ít lãnh vực.

Ông Baradei nói: “Tuy nhiên về những vấn đề khác liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran đã bị bế tắc. Iran chưa cho ngưng các hoạt động tinh luyện hạt nhân mà cũng không chịu quay sang dự án nước nặng mà Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đòi hỏi.

Ông Baradei cũng chỉ trích Iran đã không chịu hợp tác khi đến lúc Iran phải trả lời những tố cáo về các hoạt động hạt nhân của Iran có thể có tầm cỡ quân sự.

Nhưng ông cũng bác bỏ những tin tức báo chí mới đây là vô căn cứ khi cho rằng IAEA đã không công bố cho các nước thành viên về những phát hiện quan trọng của chương trình hạt nhân bị coi là tìm cách chế tạo vũ khí của Iran.

Phân tích gia Tomas Valasek cho hay sự ủng hộ cho các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đang lên cao tại châu Âu, trước khi một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An sẽ diễn ra tại New York.

Ông Valasek nói: “Chuyện đã xảy ra là nước Đức, Pháp và Anh cũng như Israel coi quyết định giao tiếp, thảo luận với Iran của chính quyền Tổng thống Obama căn bản là sự thay đổi cuối cùng để giải quyết vụ đối đầu bằng phương tiện ôn hòa mà không gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt.”

Nhưng hai nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Nga và Trung Quốc từ trước đến nay vẫn phản đối chuyện áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh hơn.

Teheran nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ thuần mục đích ôn hòa và Tổng thống nước này, ông Mahmoud Amadinejad, mới đây nói rằng ông sẵn sàng mở thảo luận với các cường quốc thế giới.

Nhưng theo ông Valasek, giám đốc chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Cải tổ châu Âu tại London nói rằng những lời tuyên bố của ông Ahmadinejad chẳng có bao nhiêu thực chất.

Ông Valasek nói: “Chỉ cần nhắc đến một điều mà ông ta đã nói, ngoài lời tuyên bố rằng ông sẵn sàng thảo luận với cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân, rằng ông ta sẽ không thảo luận về vấn đề tinh luyện nhiên liệu hạt nhân của Iran, mà đây chính là chuyện mà Tây phương cần thảo luận nhất. Bởi thế, căn bản là ông ta nói là sẵn sàng thảo luận, nhưng lại không hề có ý định thay đổi chút gì trong lập trường. Vì vậy tôi ngại rằng điều này sẽ được châu Âu và Hoa Kỳ coi là quá ít, và quá muộn.

Ủy Ban chấp hành của IAEA cũng sẽ thảo luận về điều bị tố cáo là những hoạt động hạt nhân của Syria. Damascus đã bác bỏ những lời cáo buộc cho là trước đó họ gần hoàn thiện được một lò phản ứng hạt nhân rồi sau đó bị các phi cơ của Irael phá hủy năm 2007.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG