Đường dẫn truy cập

LHQ: Cần có quy định tài chính chặt chẽ hơn


Cơ Quan Thương Mại và Phát Triển của Liên Hiệp Quốc, UNCTAD, kêu gọi phải có những luật lệ chặt chẽ hơn cho các thị trường tài chính thế giới. Phúc trình hằng năm về Thương Mại và Phát Triển của Liên Hiệp Quốc nêu lý do nới lỏng luật lệ quá đáng và những vụ đầu tư đầy rủi ro đã dẫn đến xáo trộn tài chính. Phúc trình kêu gọi cần đặt ra những quy định chặt chẽ hơn cho các thị trường tài chính. Từ Geneve nơi phúc trình vừa công bố, Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA về vấn đề này như sau:

UNCTAD kết luận rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra suy thoái toàn diện, ảnh hưởng hầu như tất cả các thị trường, tất cả các quốc gia.

Phúc trình của cơ quan này nói rằng cuộc khủng hoảng mang lại tác động đặc biệt nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. Hậu quả là các nước nghèo không thể nào đạt được chỉ tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đề ra, là giảm phân nửa mức nghèo đói trước năm 2015.

Các nhà kinh tế của UNCTAD nêu lý do chính của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính hiện nay là do việc nới lỏng các luật lệ. Họ nói cơn sốt về đầu cơ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiện tượng này.

Nhiều chính phủ trên khắp thế giới báo cáo tình hình kinh tế của họ bây giờ đã cải thiện và cho rằng suy thoái có lẽ đã chấm dứt.

Nhưng ông Supachai Panichpakdi, người đứng đầu Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc nói rằng cần phải cẩn thận trước những tin tức lạc quan đó. Theo ông hãy còn quá sớm đừng vội ăn mừng:

Ông Panichpakdi nói: “UNCTAD cảm thấy sự hồi phục này có thể chỉ là tạm thời. Độ sâu của cuộc suy thoái và tình trạng trì trệ nghiêm trọng đến độ, dĩ nhiên, ta sẽ gặp một vài dấu hiệu phục hồi. Nhưng đây là một sự phục hồi vì mức giá đã xuống quá thấp, giá nhà đất, giá thương phẩm, và mức sản xuất cũng xuống quá thấp rồi. Nếu không có sự củng cố thực sự của những yếu tố cơ bản vĩ mô, chúng ta vẫn chưa thể xem đây là một sự phục hồi thực sự.”

Phúc trình còn nói rằng cuộc khủng hoảng lúc đầu từ khu vực tài chính đã lây lan thật mạnh sang toàn bộ nền kinh tế. GDP toàn cầu được dự kiến sẽ giảm hơn 2,5% trong năm nay. Và hầu như quốc gia nào cũng bị ảnh hưởng.

Phúc trình nói rằng GDP của các nước phát triển sẽ giảm khoảng 4%, sản lượng trong các nền kinh tế đang chuyển đổi được dự đoán giảm hơn 6% và tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ giảm từ mức 5,5% trong năm 2008 xuống còn hơn 1% trong năm 2009.

Bản báo cáo còn đưa ra nhận xét là ngay cả các nền kinh tế còn đang tăng trưởng như Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ chậm lại một cách đáng kể so với những năm trước đây.

Ông Heiner Flassbeck, kinh tế gia cao cấp của UNCTAD cho biết là mặc dù đã phải gánh chịu nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chánh gây ra nhưng dường như ít nước nào lãnh hội được bài học đó.

Ông có nhận xét là đầu cơ đã trở lại làm giá thương phẩm lại tăng cao. Ông nói thêm là đầu cơ được thúc đẩy bởi sự tiên đoán về sự phục hồi của thị trường.

Ông Flassbeck nói: “Nhưng dự đoán về sự phục hồi chỉ là giả tưởng. Sự phục hồi này không phải chắc chắn đã có rồi. Bạn chưa thấy một sự phục hồi tự bền vững hay ít nhất là một sự phục hồi mạnh và bền vững trong lãnh vực đầu tư. Rõ ràng là những gì bạn thấy và chúng tôi cũng hỗ trợ cho lý luận này là sự can thiệp của chính phủ giúp rất nhiều vào sự phục hồi kinh tế. Những quốc gia lớn đã phát triển và những nước lớn đang phát triển đã có khả năng cắt giảm lãi suất và những quốc gia này đã có thể áp dụng những chính sách kích thính tài chánh”.

Ông Fleissbeck nói là những kế hoạch kích thích rõ ràng đã giúp ổn định kinh tế thế giới. Tuy nhiên ông nói thêm là UNCTAD tin là hiện còn sớm chưa thể nói đến sự khôi phục tự bền vững.

Ông cũng cho rằng thật là nguy hiểm cho những chính phủ nào nói đến những chiến lược ra khỏi cơn khủng hoảng vì hiện nay còn quá sớm, vì những món nợ công khổng lồ hay những chính sách tiền tệ.

Ông Flessbeck có nhận xét là nền kinh tế thế giới vẫn còn đang trong tình trạng mong manh. Do đó các chính phủ cần phải hết sức thận trọng trong việc tiến hành những chính sách kinh tế.

UNCTAD tiên đoán là sản lượng nội địa toàn cầu có thể sẽ đạt tiến bộ tăng trưởng, thay vì sút giảm, trong năm 2010 tuy nhiên mức tăng trưởng này cũng không thể vượt quá 1,6%.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG