Đường dẫn truy cập

Ðông Timor vẫn chưa có công lý 10 năm sau cuộc bỏ phiếu đòi độc lập


Cách đây 10 năm, Đông Timor đã bỏ phiếu chấm dứt sự cai trị của Indonesia trong một cuộc trưng cầu dân ý bị lu mờ vì bạo động và phá hoại. Nhiều nạn nhân nói họ muốn đưa những kẻ đã tiến hành những vụ bạo động đó ra trước công lý, nhưng chính phủ Đông Timor kêu gọi công dân hãy quên đi quá khứ. Thông tín viên VOA Solenn Honorine có bài tường trình từ Đông Timor.

Ba người đàn ông đang tụ họp trong một túp lều tre. Họ đọc kinh gọi hồn anh Fernando Da Costa trở về căn nhà của tổ tiên.

Ông Jose Da Costa, thân phụ của anh Fernando, giải thích rằng ông đã đi tìm xác người con trai 28 tuổi từ 10 năm nay, nhưng không hề tìm ra được.

Người Đông Timor tin rằng tai họa sẽ giáng xuống các gia đình của những người chết không được mai táng tử tế, vì thế nghi thức này là một cách tượng trưng để linh hồn anh Fernando được yên nghỉ và đem lại sự an bình cho thân nhân.

Nhưng anh Fernando không phải là bóng ma duy nhất đi lang thang quanh làng Liquica. Đó là một cộng đồng bị quá khứ ám ảnh.

Hồi tháng tư năm 1999, binh sĩ Indonesia và dân quân Timor đã xông vào nhà thờ làng, nơi 2,000 cư dân ẩn náu. Họ đã giết từ 30 đến 100 người và vứt phần lớn xác ở những nơi không biết ở đâu. Lúc đó là vài tháng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, và lực lượng Indonesia nhất quyết nhắm vào việc đe dọa các cử tri ủng hộ độc lập.

Jose Nunes Serrao là một trong những người đã trốn thoát. Ông vẫn còn nhớ mãi cái ngày đó: một vết sẹo lớn chạy từ giữa cổ lên đến chóp má, nơi thanh mã tấu của một dân quân suýt chặt lìa đầu ông.

Ông Jose nói anh muốn thấy những kẻ gây họa cho anh phải ra trước công lý, không riêng các binh sĩ mà nhất là những người đứng đầu quân đội Indonesia đã hạ lệnh tiến hành cuộc thảm sát. Theo ông, nếu không làm như thế thì không có cách nào ngăn chặn họ lại lập lại những hành động tương tự với con cháu của ông.

Nhưng 10 năm sau, ông e rằng những kẻ gây họa sẽ không bao giờ bị đưa ra trước công lý.

Đơn vị của Liên Hiệp Quốc đặc trách các Tội ác Nghiêm trọng đã truy tố hơn 390 người về những tội ác đối với nhân loại ở Đông Timor. Chỉ có 87 người ra tòa, còn đa số vẫn sống tự do ở Indonesia, ngoài tầm với của các tòa án Đông Timor. Và trong số 84 người bị kết tội, thì chỉ có một người còn ở trong tù. Tất cả những người khác đã được tổng thống ân xá.

Ông Charlie Scheiner là một chuyên gia phân tích của Lao Hamutuk, một tổ chức tranh đấu cho nhân quyền chuyên theo dõi sự phát triển của các cơ chế xã hội và dân sự của Đông Timor. Ông nói rằng chính trị quốc tế giải thích lý do vì sao chỉ có một số ít người bị xét xử vì những vụ vi phạm nhân quyền.

Ông Scheiner nói: “Đông Timor không thể sống còn mà không có quan hệ tốt với Indonesia. Không phải bởi vì Indonesia sẽ xâm lăng Đông Timor, mà bởi vì như năm ngoái chẳng hạn, 40 phần trăm hàng nhập vào nước này đều là từ Indonesia. Nước uống là của Indonesia, mì ăn liền cũng là của Indonesia, những thứ mà mọi người đều dùng. Vì thế các nhà lãnh đạo Đông Timor dành ưu tiên cho tình thân hữu.”

Các nhà lãnh đạo Đông Timor, nhiều người là cựu phiến quân đã chiến đấu chống lại Indonesia, nhìn thấy rằng hòa giải với nước bảo hộ cũ là điều thiết yếu cho tương lai đất nước hơn là biện pháp pháp lý để chôn vùi những hồn ma của những vụ bạo động đã qua. Họ yêu cầu đồng bào “quên và tha thứ” những tội ác trong quá khứ.

Chính trị tình bạn đã có tác dụng, và hai nước an hưởng mối bang giao với nhau. Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao, người từng lãnh đạo du kích quân đòi độc lập, thậm chí còn băt tay tướng Wiranto của Indonesia, người đã bị cáo buộc về những tội ác chống nhân loại ở Đông Timor.

Nhưng chính sách đó không làm hài lòng một số nạn nhân phải gánh chịu các hành động tàn ác của Indonesia, như bà Liza Da Silva Dos Santos, một người khác sống sót sau vụ thảm sát Liquica.

Bà Liza nói rằng họ đã đổ máu để giành được độc lập, để những người lãnh đạo nay ngồi trong các văn phòng chính phủ ở Dili. Bà nói nếu bà biết sự thể sẽ như thế này thì bà đã nói với chồng bà đừng đứng về phe phong trào đòi độc lập. Ít nhất ông ấy sẽ còn sống và họ còn được hưởng hạnh phúc bên nhau.

Ông Louis Gentile là đại diện cho Cao Ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc về Nhân quyền ở Đông Timor. Ông nói hệ thống pháp lý xét xử các tội ác đối với nhân loại đã có khuyết điểm ngay từ đầu bởi vì nói không cung cấp một cơ chế để truy tố những người sống ở nước ngoài.

Ông Gentile cho biết: “Hy vọng duy nhất hiện giờ là sự diễn dịch và tiến hóa rộng rãi hơn của luật pháp quốc tế, đang đi theo hướng áp dụng quyền tài phán chung cho các tội ác chống lại nhân loại và các tội ác chiến tranh. Và đó là nghĩa vụ của tất cả mọi người tin vào công lý và tin vào sự ngăn chặn những loại tội ác nghiêm trọng nhất mà Liên Hiệp Quốc được thiết lập một phần để ngăn chặn sau Thế chiến thứ hai, và vẫn còn chưa ngăn chặn được.”

Hiện thời, dường như có phần chắc là chính sách của chính phủ Đông Timor sẽ không thay đổi. Tổ chức Ân xá Quốc tế mới đây đã đề nghị thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các tội ác chống nhân loại ở Đông Timor. Nhưng tổng thống nước này, người đã được trao giải Nobel hòa bình, ông Jose Ramos Horta đã bác bỏ ý kiến đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG