Đường dẫn truy cập

UNHCR tìm cách tiếp xúc người Miến Ðiện tị nạn


Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc loan báo là vẫn không được phép tiếp xúc hàng ngàn người tị nạn rời bỏ Miến Điện lánh sang Trung Quốc trong vài tuần lễ gần đây. Cơ quan này cho biết là rất lo lắng về việc có thể có nhiều người tị nạn chạy sang Trung Quốc nếu tình hình tại Miến Điện ngày càng xấu đi. Thông Tín Viên Lisa Schlein tường trình cho Đài VOA từ trụ sở Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Geneve:

Hàng ngàn người tránh các cuộc giao tranh tại vùng Kokang, phía đông bắc Miến Điện đã vượt biên giới sang tỉnh Vân Nam thuộc tây nam Trung Quốc. Nhà chức trách Trung Quốc đã cho những người ngày tạm trú trên lãnh thổ của họ.

Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết rất hoan nghênh việc Bắc Kinh đã cung cấp nơi tạm trú khẩn cấp cho những người tị nạn cũng như cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho khoảng 13 ngàn người tị nạn hiện tạm trú tại 7 trại khác nhau.

Tuy nhiên, Phát ngôn viên Andreij Mahecic tuyên bố là cho tới nay, các nhân viên cứu trợ không được phép thăm viếng cũng như nói chuyện với các người tị nạn.

Ông Mahecic nói: “Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu giới hưu trách Trung Quốc cho phép chúng tôi sang vùng biên giới cũng như đề nghị thành lập một toán hỗn hợp đánh giá về nhu cầu của những người tị nạn để chúng tôi có thể trợ giúp cho những nhu cầu chưa được giải quyết. Chúng tôi hy vọng là những yêu cầu này sẽ được đáp ứng giữa lúc có thể có nhiều người phải di tản vì tình hình tại bang Wa của Miến Điện trở nên tồi tệ hơn.”

Hầu hết những cư dân Kokang là người sắc tộc Hán sinh sống tại vùng này nhiều thế kỷ nay và vẫn còn có những quan hệ với Trung Quốc. Căng thẳng trong vùng bắt đầu vào ngày 7 tháng 8 sau khi chính phủ quân nhân Miến Điện điều động 30 cảnh sát đến xưởng sửa chữa vũ khí tại Kokang. Chính phủ tin rằng xưởng này dùng để sản xuất ma túy.

Truyền thông Trung Quốc loan tin là khoảng 37 ngàn người gốc Trung Quốc tại Kokang vượt biên giới sang Trung Quốc đã trở lại Miến Điện. Ông Mahecic nói là không thể xác nhận tin tức này vì những nhân viên Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc không có mặt ở đây.

Ông Mahecic nói tiếp: “Một cách tổng quát hầu hết những người tị nạn thường chọn cách ở gần nhà và khi di tản, họ hoặc là chạy sang nước láng giềng hay những làng mạc kế đó. Và họ có khuynh hướng trở về nhà càng sớm càng tốt. Do đó chúng tôi biết là có một số đang trở về. Chúng tôi cũng không thấy có chứng cớ là những người này bị bắt buộc phải trở về.”

Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã đề nghị thành lập một đoàn công tác hỗn hợp với nhà cầm quyền Trung Quốc để đánh giá nhu cầu của những người tị nạn. Cơ quan này cho biết muốn giúp chính phủ Trung Quốc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người di tản. Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cũng cho biết là cần phải phỏng vấn những người tị nạn để xác định xem có người nào trong nhóm này cần được quốc tế bảo vệ hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG