Đường dẫn truy cập

Đào tạo sinh viên Việt Nam tại nước ngoài


Một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục Việt Nam là đào tạo sinh viên tại nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt giáo sư bậc Đại học. Kế hoạch của bộ Giáo dục Việt Nam là trong vòng 10 năm tới phải đào tạo khoảng 20,000 Tiến sĩ. Kế hoạch này gặp những khó khăn gì. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày sau đây với Hà Vũ.

Sau khi kế hoạch đào tạo 20,000 Tiến sĩ được đưa ra, các trường đại học Việt Nam xúc tiến liên lạc với các trường đại học nước ngoài để thăm dò việc cử sinh viên đi học lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ. Điển hình là vào tháng 8 năm ngoái một phái đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Tiến sĩ Bành Tiến Long, Thứ Trưởng đến thăm trường đại học Texas Tech bang Texas để thăm dò khả năng cộng tác với trường trong việc đào tạo 100 Tiến sĩ cho Việt Nam trong những năm tới. Trong phái đoàn có đại diện của trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng thuộc trường đại học Đà Nẵng.

Một năm đã trôi qua, việc gởi sinh viên đã tốt nghiệp cử nhân sang Texas Tech để được đào tạo trở thành Thạc sĩ và Tiến sĩ vẫn chưa thành hình theo như phát biểu của giáo sư Tiến sĩ Bùi Văn Ga, Giám Đốc trường đại học Đà Nẵng.

Tiến sĩ Bùi Văn Ga nói: “Đối với trường Texas Tech thì chưa thỏa thuận chi tiết, thỏa thuận chung MOU thì có rồi nhưng chi tiết như sinh viên trả tiền như thế nào, tuyển chọn sinh viên ra sao thì chưa. Chúng tôi đanh chờ chuyến đi của Texas Tech sang đây để bàn cụ thể hơn.”

Những năm trước đây việc tuyển chọn sinh viên đi học nước ngoài gặp trở ngại do trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn kém. Tuy nhiên trong những năm gần đây ngoại ngữ đã không còn là đà cản trong việc đưa sinh viên đi học nước ngoài theo như nhận xét của giáo sư Bùi Văn Ga.

Giáo sư Ga cho biết:“Chuẩn bị ngoại ngữ ban đầu có khó khăn chút ít nhưng hiện nay các trường đã tăng cường ngoại ngữ cho sinh viên và tiếng Anh cũng được bồi dưỡng nghiêm chỉnh nên hiện nay, ngoại ngữ không phải là vấn đề gì lớn.”

Giáo sư Tiến sĩ Lê Long, giám đốc Sáng kiến quốc tế về nghiên cứu toàn cầu thuộc trường kinh doanh Bauer, trường đại học Houston, phụ trách những lớp học chuyên về các vấn đề Việt Nam hoan nghênh việc đưa học sinh Việt Nam du học ngoại quốc.

Giáo sư Long giải thích thêm là khi được tiếp xúc với hệ thống đại học tự do, cởi mở của Mỹ hay các nước phương Tây, tư duy của sinh viên thay đổi rất nhiều, từ cách nhìn về lịch sử đến cách nhìn thế giới và cuộc sống.

Nhưng giáo sư Long cũng lo ngại là những sinh viên tốt nghiệp khi về nước có thể gặp những điều không được như ý.

Giáo sư Long lo ngại là khi về Việt Nam họ có thể đem những điều họ học hỏi được để làm việc và giảng dạy mà không có sự can thiệp của nhà nước hay không.

Một vấn đề nữa cũng cần phải quan tâm là việc trở về của các Thạc Sĩ, Tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài. Giáo sư Tiến sĩ Lê Long có ý kiến về việc này.

Tiến sĩ Lê Long nói: “Cái khó là các sinh viên Việt Nam qua đây du học, một là con những ông lớn, hai là Long cũng nghe mấy sinh viên nói chuyện là Bố Mẹ cũng không muốn con về. Họ biết là nếu ở Mỹ được thì ở Mỹ luôn đi không cần về. Long cảm thấy cái đó là xấu."

"Cũng có nhiều em rất giỏi, rất thương người Việt Nam muốn về giúp nước nhưng họ thấy ở Việt Nam không có đường nào để đi được. Nếu họ không thấy đường đó, họ không muốn về. Long nghe mấy em nói chuyện như vậy Long cũng buồn. Mấy năm trước lúc nào thấy mấy em đó Long cũng nói mấy em về giúp nước đi. Có cái khó là mấy tuần trước mình nghe chuyện của luật sư Lê Công Định. Nhiều sinh viên Việt Nam du học bên đây, họ học kinh tế, học luật sư. Nhưng thấy mấy chuyện đó họ đâu muốn về đâu. Về làm chi đâu có đường nào giúp nước của mình. Cái đó Long nghĩ là quan trọng. Bây giờ mình thấy chuyện đó mình cũng không muốn mấy em về.”

Tuy nhiên, theo kinh ngiệm của giáo sư Bùi Văn Ga, giám đốc trường đại học Đà Nẵng thì các sinh viên hoặc giảng viên của trường được gởi đi du học đều trở về cả.

Giáo sư Bùi Văn Ga nói:“Riêng ở trường tôi thì họ về nước, họ phục vụ rất tốt chớ không có trở ngại. Họ đóng góp trong giảng dạy, khoa học ở đây. Hầu như là không có người nào không về. Tôi chỉ biết trong phạm vi trường của tôi.”

Thực ra để các trường đại học Việt Nam có thể sánh vai với các trường đại học trong vùng, việc đào tạo cán bộ giảng dạy tại nước ngoài chưa đủ.

Theo giáo sư Thomas J. Vallely, giám đốc chương trình Việt Nam, trường quản lý nhà nước John F. Kennedy, đại học Harvard, Hoa Kỳ cho rằng các trường đại học Việt Nam cần phải tuân theo những nguyên lý về quản trị tốt.

Ngoài ra, nhà nước Việt Nam cần phải khuyến khích các nhà khoa học và học giả ở nước ngoài trở về nước làm việc. Giáo sư Thomas J. Vallely cho rằng chỉ kêu gọi lòng yêu nước thôi chưa đủ mà cần phải giải quyết vấn đề lương bổng, thu nhập hợp lý và nhất là tạo điều kiện làm việc tương ứng với các tiêu chuẩn quốc tế.

Theo giáo sư Lê Long của trường đại học Houston thì việc trở về của trí thức Việt kiều còn gặp nhiều vướng mắc về phương diện tư duy.

Giáo sư Long nhận định: “Long dạy chính trị quốc tế, mấy năm trước cũng có một hai người mưốn Long về dạy các lớp đó. Ý của Long nói là nếu Long dạy lớp của Long giống như Long dạy bên Mỹ thì Long dạy được nhưng nếu Long về đó người nào nói với Long là sách đó không dùng được hay nói chuyện đó không được thì Long nói thẳng với họ là mấy chuyện đó không làm được."

Giáo sư Thomas J Vallely kết thúc bài phát biểu vào giữa tháng 2 năm nay và được báo chí Việt Nam đăng tải là “nguy cơ lớn nhất của giáo dục Đại học Việt Nam không xuất phát từ sự thay đổi mà từ sự thất bại do không muốn thay đổi.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG