Đường dẫn truy cập

Viêm tủy sống ở trẻ 40 tháng tuổi


Hỏi: Con em được 40 tháng tuổi, vừa qua cháu bị sốt cao mê man 2 ngày, không ăn uống gì được. Sang ngày thứ 3 thì cháu bớt sốt và ăn được nhưng sau đó cháu đứng dậy đi thì té quỵ gối 2 lần và sau đó cháu đi không được nữa và chân phải yếu luôn. Bây giờ cháu không đi được và chân phải không điều khiển được nữa. Sau đó cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Sài gòn kiểm tra xét nghiệm máu, đo điện cơ bảo không bị sao. Sau đó đưa cháu sang BV chấn thương chỉnh hình chụp X quang khớp háng thì bảo viêm khớp háng. sau đó uống thuốc 1 tuần thì có đỡ đau hơn, nhưng chân cháu vẫn không đi được. Tiếp tục BS cho chụp MRI ở cột sống ngực - thắt lưng với các chuỗi xung: sagittal T1W, T2W, Axial T2W. Kết quả: “Bất thường vùng chóp tuỷ ngang mức đốt sống ngực T11-T12, khả năng do viêm nhiễm, tổn thương tuỷ cũ… Ít nghĩ đến u tuỷ.” Hiện nay cháu vẫn không đi được và chân phải cháu không dở lên dở xuống được. Hiện nay vẫn chưa biết cách nào chữa trị. Cháu đang nằm trong Bệnh viện Nhi đồng 1 ở Sài gòn. Em chân thành cảm ơn.

BS Hồ Văn Hiền trả lời:

Theo như sơ lược bịnh sử, chúng ta có thể đoán đây là một trường hợp viêm tủy sống (myelitis) ở đưá trẻ 40 tháng tuổi. Đây là một bịnh rất hiếm, nhất là ở trẻ con. Có lẽ bịnh nhân bị loại transverse myelitis (TM), tạm dịch là viêm tủy sống nằm ngang; MRI cho thấy vùng bất bình thường ở đốt sống ngực 11-12 (T11-12).

Sơ lược về cơ thể học:

Các bắp thịt (cơ) ngoại biên được điều khiển bởi các tế bào thần kinh trên vỏ não (motor cortex), qua trung gian những sợi thần kinh từ não bộ đi xuống tủy sống, rồi từ tủy sống chạy ra các rể thần kinh (nerve root), tiếp cận với các cơ bắp. Về cảm giác (sensory system), các receptors gởi tín hiệu, giây thần kinh (peripheral nerves) đem tín hiệu từ ngoại biên (như cảm giác sờ mó, đau, cảm giác về vị trí các khớp xương, nóng lạnh..) chạy vào tủy sống rồi từ tủy sống chạy lên não bộ, não bộ tiếp nhận các tín hiệu này và làm cho ta nhận ra các cảm giác khác nhau như về xúc giác (tactile), nóng, lạnh, đau, về vị trí (proprioception)...

Nói cách khác tủy sống như là một xa lộ tín hiệu hai chiều nối liền trung ương (não bộ) và các bộ phận ngoại biên (cơ củ động, cảm giác sờ mó...). Nếu bị tổn thương trên tủy sống, gọi chung là viêm tủy sống, thì các cơ bắp sẽ mất tín hiệu không điều khiển được, như bé bị liệt chân ở đây, các cơ vòng (sphincter) kiểm soát tiêu, tiểu cũng bị ảnh hưởng; các tín hiệu của hệ cảm giác (sensory system) sẽ bị rối loạn hoặc không vào não bộ được và sẽ gây những cảm giác bất thường (như đau nhức, tê buốt, cảm giác kiến bò) hoặc mất cảm giác (sensory loss).

Trường hợp ở đây có lẽ là do viêm tủy sống cắt ngang (transverse myelitis) và tổn thương được thấy trên MRI có lẽ là nơi các tín hiệu bị gián đoạn. Tổn thất này có thể do những nguyên nhân sau đây:

1. Cơ chế tự miễn nhiễm (autoimmune process). Bình thường các tế bào phòng thủ của hệ miễn nhiễm không tấn công những tế bào của chính cơ thể mình (self tolerance). Nếu vì trục trặc một khâu nào đó, như sau một cơn bịnh (parainfectious myelitis), (thường là do virus), các tế bào phòng thủ gây ra những kháng thể chống lại tế bào chính mình, trường hợp ở đây là chất myelin của tế bào thần kinh, thì hệ thần kinh, ở đây là tủy sống sẽ bị tổn thương.
2. Nhiễm trùng trực tiếp : thường do siêu vi, đôi khi do vi trùng bịnh lao (lao cần đặc trị).
3. Bướu, u như ung thư, bướu mạch máu, xương sống không bình thường đè lên tủy sống. Theo người đọc quan tuyến thì MRI không giống trường hợp do u bướu.
4. Để phân biệt người ta phải lấy nước tủy sống và nghiên cứu thêm để tìm nguyên nhân.

Nói tóm lại, có lẽ đây là một trường hợp viêm tủy sống do tự miễn nhiễm, cũng gọi là viêm tủy không biết nguyên do (idiopathic myelitis).

Nếu đúng như vậy, đây là một bịnh rất là hiếm, nhất là ở trẻ em. Phải cả triệu người mới có một trường hợp, cho nên ít bác sĩ chuyên về bịnh này và có kinh nghiệm nhiều về bịnh này. Bởi vậy những giải thích ở trên chỉ có mục đích giúp cho phụ huynh hiểu thêm về loại bịnh này, để cộng tác với bs chuyên khoa (mà có lẽ cần nhiều chuyên khoa khác nhau) lo cho em bé bịnh nhân.

Phụ huynh hỏi về cách chữa trị, thì em bé đang nằm trong một bịnh viện chuyên khoa lớn ỏ Sài gòn, tôi không dám lạm bàn. Chỉ đưa ra vài điểm căn cứ trên các công bố của Đại học John Hopkins là nơi có một trung tâm chuyên về loại bịnh viêm tủy sống này (xem www.Myelitis.org):

1. Một số khảo cứu dung những liều corticoid rất cao chuyền tĩnh mạch (very high IV steroid doses) trong giai đoạn mấy tuần đầu lúc thời cấp tính.
2. Trong các khảo cứu tổng kết các trường hợp TM ở trẻ em, chừng 20 sẽ phải bị ngồi xe lăn, không đi đứng một mình được, bị trở ngại đáng kể về tiêu, tiểu.
3. Chừng 30% sẽ phục hồi, có thể phục hồi từ từ, qua thời gian 2 năm, và đi đứng, sinh hoạt tốt, hoặc gần như bình thường.
4. Số còn lại có thể phục hồi khá tốt, với một số vấn đề sót lại về đi đứng, tiêu, tiểu.

Nói tóm lại, sau khi bịnh qua khỏi thời kỳ cấp tính (acute phase), sẽ có một thời kỳ plateau (palliative) không nặng thêm nhưng không giảm, và sau đó sẽ từ từ hồi phục trong đa số trường hợp. Điểm chính là cần kiên nhẫn, trường kỳ trị liệu bằng khoa vật lý trị liệu, vì thời gian phục hồi kéo dài đến hai năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG