Đường dẫn truy cập

Tiền Ðồng không phải là vua


Mặc dù chính phủ Việt Nam không nhìn nhận sự thực là tiền đô la hiện được sử dụng rất rộng rãi ở Việt Nam, nhưng trên thực tế thì từ người lái xe xích lô tới các nhà hàng và các cửa hiệu bán đồ cao cấp đều chấp nhận việc khách hàng trả bằng tiền đôla.

Hãng thông tấn Pháp hôm thứ Tư có bài viết về việc hiện tại người Việt Nam coi tiền đô la chứ không phải tiền đồng là vua.

Mặc dù tiền đồng là loại tiền tệ duy nhất được phép sử dụng trong các giao dịch trong nước, nhưng những người bán hàng ở Việt Nam vẫn không ngần ngại nhận tiền đôla từ khách hàng.

Chị Thúy Hằng là một chủ tiệm thời trang ở trung tâm Hà Nội nói rằng tiền đồng luôn mất giá và tỉ lệ lạm phát vẫn cao, cho nên giữ tiền đô la sẽ an tòan hơn. Chị nói thêm rằng mặc dù chị bán quần áo với giá tiền đồng nhưng đôi khi khách nước ngoài trả bằng tiền đôla thì chị vẫn nhận và chẳng có lý do gì để từ chối cả, dĩ nhiên là chị cũng vẫn nhận cả tiền đồng.

Một người bán vàng ở Hà Nội cho hay Việt Nam thường thiếu tiền đô trong các giao dịch chính thức và ở ngân hàng, nhưng trên thị trường chợ đen thì 'không bao giờ thiếu tiền đô la'.

Trong khi tỉ giá giao dịch ở ngân hàng là 1 đô la qui đổi được 17.000 đồng thì ở chợ đen, tỉ giá này là 18.380 đồng.

Một nhà nhập khẩu than phiền rằng đã hai tháng qua ông không mua được tiền đô la ở ngân hàng nên ông phải mua ở các kênh không chính thức và ông có thể mua được số lượng tùy thích.

Ngân hàng trung ương Việt Nam nắm giữ một khối lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhưng lại ngần ngại không muốn can thiệp quá nhiều vào thị trường, nhà nước không thực sự thiếu tiền đôla nhưng theo các phân tích gia thì người Việt Nam và đặc biệt là các công ty xuất khẩu thường coi tiền đô là an toàn và họ có xu hướng găm giữ ngoại tệ này.

Theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế thì cuộc khủng hoảng kinh tế có thể đã khiến nhiều người chuyển tài sản thành tiền đôla hoặc vàng.

Cũng theo IMF thì mức thâm hụt thương mại tăng cao cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Tuy nhiên, những lý do thiếu tiền đô la trên đây có thể chỉ là lý do chủ quan. Theo các phân tích gia thì những năm lạm phát cao ngất trong thập niên 1980 và 1990 đã để lại những ký ức cay đắng đối với người Việt Nam.

Trong năm 1986, mức lạm phát lên tới 874%.

Theo giám đốc IMF tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, thì tâm lý này khó mà đảo ngược được, thậm chí ở những nước như Việt Nam nơi đã có một thời gian dài ổn định.

Nguyên thống đốc ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm cũng thừa nhận sự thiếu hụt tiền đô la gần đây phần lớn là do 'các yếu tố tâm lý'. Ông nói rằng nhiều người dân và các công ty lo ngại rằng lạm phát sẽ không giảm, đồng đôla sẽ tăng giá và tiền đồng sẽ giảm giá.

Ông Bingham nói rằng thay vì kiềm chế các hoạt động giao dịch ngoại tệ và kiểm soát thị trường không chính thức, những chính phủ phải đối mặt với tình huống này nên dần dần xây dựng 'niềm tin vào đồng nội tệ thông qua những chính sách bền vững để loại bỏ những nỗi lo ngại trong quá khứ'.

Tuy nhiên, việc thoát khỏi một nền kinh tế bị đôla hóa cần có thời gian.

Nguồn: AFP

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG