Đường dẫn truy cập

Ông Hatoyama chuẩn bị hình thành chính sách ngoại giao


Ngay lúc này, vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là các đáp số về việc tân thủ tướng Nhật Bản, ông Yukio Hatoyama sẽ hình thành chính sách đối ngoại mới ra sao. Đã có một số dấu hiệu cho thấy ông sẽ mưu tìm việc thiết lập các quan hệ gần gũi hơn với Đông Á, và có thể sẽ giảm nhẹ liên minh chặt chẽ vốn có với Hoa Kỳ. Từ Tokyo, thông tín viên VOA Kurt Achin gửi về bài tường thuật sau đây.

Ông Yukio Hatoyama, người được công nhận sẽ là thủ tướng sắp tới của Nhật Bản, đã xác định khá rõ rằng ông sẽ chấm dứt ít nhất một công cuộc hợp tác với cộng đồng quốc tế: đó là việc tiếp nhiên liệu cho các tầu bè trong Ấn Độ Dương tham gia các nỗ lực ổn định hóa ở Afghanistan. Chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần ca ngợi nỗ lực này.

Ông Ian Kelly, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng Washington sẽ chờ xem Nhật Bản quyết định về một vấn đề an ninh khác: đó là liệu Nhật Bản có đóng góp binh sĩ trong nỗ lực tại Afghanistan hay không.

Ông Kelly nói: “Một nước Afghanistan thịnh vượng và ổn định sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng quốc tế, kể cả Nhật Bản, nhưng đương nhiên mỗi quốc gia có quyền xác định họ có thể đóng góp cách nào tốt nhất vào nỗ lực đó, và đương nhiên chúng tôi trông đợi hợp tác với chính phủ mới sau khi được thành lập và chúng tôi trông đợi một cuộc thảo luận về vai trò mà Nhật Bản sẽ đóng. Nhưng chúng tôi sẽ phải chờ xem mọi chuyện diễn tiến ra sao trong những tháng sắp tới.”

Afghanistan là một trong nhiều lãnh vực mà một số phân tích gia chính trị tin rằng Nhật Bản có thể giảm bớt sự hợp tác với Hoa Kỳ.

Ông Tomohiko Taniguchi, giáo sư trường đại học Meiji, cho rằng đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ của ông Hatoyama, coi quan hệ với Hoa Kỳ ít mang tính cách trọng điểm hơn trong chính sách đối ngoại so với những người bảo thủ sắp xuất nhiệm.

Ông Taniguchi nói: “Điều đó biểu lộ qua sự kiện nhiều chính trị gia thuộc đảng DPJ dường như tin rằng cần phải giảm bớt dấu ấn của quân đội Hoa Kỳ thêm nữa. Các chính trị gia này đang bàn tới việc giảm thiểu ngân sách hỗ trợ của nước chủ nhà dành cho Hoa Kỳ.”

Washington có khoảng 50,000 binh sĩ trú đóng ở Nhật Bản. Hoa Kỳ nói họ sẽ không tái thương thảo một thỏa thuận vừa được hoàn tất mới đây về các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.

Ông Jeffrey Kingston là giám đốc đặc trách các vấn đề châu Á tại trường Đại học Temple ở Tokyo. Ông nói đây là một thời điểm tốt cho Tokyo có những quan hệ thực tiễn với Hoa Kỳ.

Ông Kingston cho biết: "Dưới chính quyền của ông Obama trong cái thế giới đa cực này, các nước đồng minh sẽ được yêu cầu đóng góp. Nhật Bản sẵn sàng làm chuyện gì? Không thể nói đơn giản là đây là điều chúng tôi không thể làm được, không sẵn sàng làm, hiến pháp của chúng tôi ngăn không cho chúng tôi làm, mà hãy nói là quý vị có thể làm gì.”

Tại châu Á, một điều mà ông Hatoyama có thể làm là mưu tìm các quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Ông cũng có thể giữ một khoảng cách giữa bản thân và lịch sử chiến đấu của Nhật Bản.

Ông cam kết sẽ không đi thăm ngôi đền Yasukuni, nơi các tội phạm chiến tranh được sùng bài, cùng với các tử sĩ khác.

Thế giới có thể phải chờ một thời gian trước khi Nhật Bản lên tiếng về chính sách quốc tế; Ông Hatoyama đã ra vận động tranh cử gần như dựa toàn bộ vào các vấn đề kinh tế trong nước. Có phần chắc việc khởi động tăng trưởng sẽ là trọng điểm chính của chính phủ mới trong năm đầu của nhiệm kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG