Đường dẫn truy cập

VN: Nạo hút cát quá độ gây tổn hại cho địa hình, môi trường


Nhu cầu cát gia tăng trên thị trường quốc tế đã dẫn tới tình trạng nạo hút cát quá độ ở vùng đồng bằng sông Cửu long, gây tổn hại cho địa hình và môi trường.

Bản tin hôm thứ Hai của hãng thông tấn Đức trích lời các giới chức Việt Nam nói rằng sự tăng vọt của hoạt động khai thác cát bắt nguồn từ nhu cầu của ngành xây dựng ở Singapore, sau khi Indonesia và Campuchia cấm xuất khẩu cát.

Ông Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang cho biết nạn nạo hút cát trái phép đã gây ra những vụ đất sạt lở và thay đổi dòng chảy của các con sông.

Một giới chức của cơ quan này cũng cho hay dầu nhớt do các xà lang hút cát thải ra đang tạo ra tình trạng ô nhiễm, gây thiệt hại cho những người nuôi thuỷ sản trong vùng.

Ông Bé nói rằng cơ quan ông đã tăng cường công tác kiểm tra nhưng khó lòng ngăn chận hoàn toàn hoạt động trái phép này.

Theo các số liệu của hải quan Cần Thơ, lượng cát của vùng đồng bằng sông Cửu long xuất khẩu sang Singapore trong 6 tháng đầu năm nay đã vượt mức 7 triệu tấn, trong khi con số của cả năm ngoái chỉ có 1,1 triệu tấn. Theo dự liệu, số cát xuất khẩu cho cả năm 2009 sẽ cao hơn 10 triệu tấn.

Sự gia tăng vừa kể đã diễn ra mặc dù chính phủ Việt Nam đã ra lệnh cấm xuất khẩu cát từ tháng 10 năm ngoái.

Lệnh cấm này được miễn áp dụng cho những hợp đồng ký kết trước ngày 30 tháng 11 năm 2008.

Ông Nguyễn Minh Thông, một viên chức hải quan Cần Thơ cho biết một số công ty xuất khẩu cát đã sửa lại ngày ký hợp đồng để lợi dụng lỗ hổng trong lệnh cấm.

Giá cát ở Việt Nam đã tăng mạnh sau khi Campuchia cấm xuất khẩu cát hôm 18 tháng 5. Những người trong ngành xây dựng cho biết giá cát trước khi có lệnh cấm ở Campuchia là khoảng 1 đô la một tấn và giờ đây đã tăng hơn 2,35 đô la.

Mối lo ngại trước nhu cầu cát của Singapore đã khiến chính phủ Malaysia cấm xuất khẩu cát vào năm 1997.

Indonesia cũng áp dụng một biện pháp tương tự vào năm 2007 sau khi những nhà hoạt động bảo vệ môi trường báo động rằng đảo Riau, vốn được dùng làm nguồn xuất khẩu cát cho Singapore, có nguy cơ bị biến mất.

Singapore dùng cát cho những dự án xây dựng và lấp biển để nới rộng lãnh thổ. Diện tích của quốc gia thành phố này giờ đây đã rộng hơn 33 kilomét vuông so với diện tích lúc độc lập năm 1965 và chính phủ cũng có kế hoạch nới rộng thêm nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG