Người tị nạn bỏ chạy sang Trung Quốc để thoát cảnh xung đột ở Miến Điện đang bắt đầu trở về nhà sau khi giới chức Miến Điện nói rằng tình hình tại đó đã trở lại bình thường. Nhưng như thông tín viên Daniel Schearf tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của VOA ở Bangkok, các nhà phân tích nói rằng có thể sẽ xảy ra thêm các vụ giao tranh trong lúc các lực lượng Miến Điện tìm cách xiết chặt quyền kiểm soát trước các cuộc bầu cử vào năm tới.
Hôm thứ Hai, hàng trăm người tị nạn rời tỉnh Vân Nam của Trung Quốc để trở về nhà ở Kokang, khu vực gồm phần đông người thiểu số gốc Hoa thuộc bang Shan ở Đông Bắc Miến Điện.
Hơn 30 nghìn người từ Kokang đã chạy qua biên giới sang Trung Quốc để tránh nhiều tuần lễ giao tranh giữa các lực lượng chính phủ Miến Điện và một nhóm dân quân kiểm soát khu vực.
Truyền thông nhà nước Miến Điện đưa tin hơn 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, nhưng vụ giao tranh ở Kokang, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 20 năm, đã chấm dứt.
Ian Holliday là trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong, và cũng là người nghiên cứu tình hình chính trị Miến Điện.
Ông nhận định rằng chính quyền quân nhân Miến Điện đang tìm cách lấy lại quyền kiểm soát nhiều khu vực do dân quân kiểm soát trước các cuộc bầu cử năm 2010.
Ông nói: 'Trước cuộc bầu cử đó, chính quyền quân nhân hết sức mong muốn ổn định toàn lãnh thổ và kiểm soát toàn bộ nền chính trị nước này. Bởi thế, thay vì để cho lực lượng dân quân sắc tộc kiểm soát một số nơi theo tinh thần các hiệp định ngưng bắn, giờ đây chính phủ muốn bảo đảm chắc chắn họ nắm trọn quyền kiểm soát trên toàn quốc Miến Điện. Và để làm được điều đó, chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực để tìm cách đoạt thắng lợi trong cuộc chiến dai dẳng với các phe dân quân'.
Hồi tháng Sáu, các lực lượng Miến Điện đã tấn công quân nổi dậy Karen, phe kiểm soát khu vực lãnh thổ biên giới với Thái Lan, khiến hàng nghìn dân thường phải bỏ chạy sang Thái Lan.
Ông Holliday nhận định rằng có thể sẽ có thêm các cuộc giao tranh xảy ra trong những tuần tới ở các khu vực của Miến Điện nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Nhưng ông nói rằng tình hình khu Kokang cần phải được giữ cho yên tĩnh vì Trung Quốc, một trong số ít các quốc gia ủng hộ Miến Điện, rất quan ngại về sự ổn định trên khu vực biên giới phía tây.
Ông Holliday nói: 'Chúng ta đang nói về điều liên quan tới an ninh của Trung Quốc trên khu vực biên giới mà nước này rất quan ngại. Chúng ta đã chứng kiến tình hình ở Tây Tạng năm ngoái, rồi Tân Cương năm nay. Cho nên, điều họ không hề muốn xảy ra chút nào, là bất kỳ điều gì có thể làm bất ổn khu vực biên cương như thế'.
Ông Holliday nói rằng Trung Quốc có tầm ảnh hưởng đối với Miến Điện hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, và rằng nước này sẽ sử dụng mọi biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan rộng của cuộc xung đột.
Nhưng ông nói rằng Bắc Kinh đang đối mặt với một chính quyền quân nhân Miến Điện có tính dân tộc cao, và không muốn nhận chỉ thị từ bất kỳ ai.