Đường dẫn truy cập

Thời tàn của báo in: Chẳng còn ai cần báo nữa


Cuối bài trước, tôi viết là tôi đoán có rất nhiều bạn chia sẻ kinh nghiệm càng ngày càng ít mua báo và nếu mua thì cũng càng ngày càng ít đọc báo giống tôi.

Nói “đoán” là nói khiêm tốn. Thật ra, tôi biết chắc chắn như vậy. Mà, thật ra, thì ai cũng biết như vậy. Các cuộc điều tra được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy rất rõ điều đó.

Ví dụ, mới đây tôi đọc bản tường trình hằng năm về báo chí tại Mỹ. Thấy, bức tranh về báo in thật ảm đạm và đáng bi quan. Suốt bốn năm liền, số báo ấn hành tại Mỹ không ngớt đi xuống.

Tin tức về việc đóng cửa của hết tờ báo này đến tờ báo khác, trong đó, có không ít tờ có lịch sử cả trên 100 năm, được đăng tải dồn dập trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các tờ báo còn sống sót đều ở trong tình trạng lao đao.

Nói chung, số lượng báo in từ năm 2001 đến 2008 giảm khoảng 13.5% ngày thường và 17.3% ngày Chủ nhật. Ngay những tờ có uy tín hàng đầu thế giới như The New York Times cũng giảm số in đến 3.4% đối với các số ra ngày thường và 4.1% đối với các số ra ngày Chủ nhật. Năm 2006, tờ Washington Post giảm 3% số độc giả, 4% số thu nhập từ quảng cáo.

Số người đọc báo còn giảm nghiêm trọng hơn. Ở Mỹ, vào năm 1950, mỗi gia đình thường mua hơn một tờ báo (trung bình là 1.23 tờ/gia đình); năm 1990, chỉ có 67 phần trăm gia đình mua báo; đến năm 2000, con số này chỉ còn 53%. Không có con số thống kê gần đây, nhưng nhìn vào thực tế mà đoán, cái tỉ lệ ấy chắc chắn còn xuống thấp hơn nữa.

Nhìn theo tuổi tác, sự suy giảm xảy ra khá toàn diện. Giảm nhiều nhất là trong lứa tuổi 20 và 30.

Người ta làm một cuộc điều tra xoay quanh một câu hỏi: Bạn có đọc báo ngày hôm qua không? Trả lời là “Có”, ở độc giả từ 18 đến 24 tuổi, là 31%; ở lứa tuổi từ 25 dđến 34 là 32%. Tỉ lệ này, ở lứa tuổi từ 35 đến 44 là 41%, lứa tuổi từ 45 đến 54 là 51%, lứa tuổi từ 55 đến 64 là 57% và ở những người lớn hơn là 64%.

Đối diện với tình trạng ấy, nhiều người bắt đầu nói đến cái chết của báo in.

Theo cuộc điều tra dư luận gần đây của hãng Rasmussen, khoảng 83% thành niên Mỹ tuổi từ 18 đến 29 nghĩ rằng báo chí sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới.

Bình luận về cuộc điều tra ấy, nhiều nhà nghiên cứu cho là: Còn quá lạc quan. Theo họ, cái chết của báo in có khi còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn nữa. Họ còn cảnh cáo các nhà báo: Nên nghĩ đến việc đổi nghề là vừa!

Nhưng tại sao báo in lại xuống dốc thê thảm như vậy?

Theo giới nghiên cứu, báo in tồn tại được là nhờ hai yếu tố chính: cung cấp tin tức và dịch vụ quảng cáo. Nhưng ngày nay, cả hai lãnh vực ấy, báo in đều bị internet cạnh tranh quyết liệt.

Về tin tức, báo in, cho dù ra hai lần một ngày, ấn bản buổi sáng và ấn bản buổi chiều, cũng không thể được cập nhật một cách mau chóng cho bằng internet. Con đường đi của bản tin từ máy vi tính của nhà báo đến các biên tập viên, các nhân viên sắp trang, rồi đến nhà in, trung tâm phát hành và cuối cùng, đến các sạp báo… mất ít nhất 5, 10 tiếng.

Trong khi đó, trên internet, con đường ấy có thể được hoàn tất trong vòng vài phút, thậm chí, vài giây.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, với những người thường theo dõi tin tức trên internet, tờ báo nào cũng là báo cũ, báo của ngày hôm qua: Tất cả đều đã được đọc rồi. Chúng không còn cần thiết nữa.

Quảng cáo cũng thế. Lâu nay, quảng cáo là một trong những nguồn thu nhập chính của báo chí. Rất nhiều người mua báo chỉ để đọc quảng cáo.

So với quảng cáo trên tivi và radio, quảng cáo trên báo chí có nhiều ưu điểm hơn.

Thứ nhất, nó có tính địa phương, đáp ứng được nhu cầu cụ thể của cư dân trong một địa phương nhất định.

Thứ hai, nó có thể được lưu giữ. Quảng cáo trên tivi hay trên radio thoáng qua, trong vài giây hay vài chục giây, là biến mất. Chúng còn lại trong tâm trí khán thính giả như một ấn tượng về thương hiệu chứ không phải là một thông tin. Đến lúc người ta cần tìm kiếm địa chỉ hay số điện thoại của một dịch vụ nào đó được quảng cáo trên tivi hoặc trên radio, người ta cũng phải mở tờ báo ra.

Ở phương diện này, báo còn có ưu điểm hơn các niên giám điện thoại: Chúng được cập nhật hầu như mỗi ngày.

Bây giờ thì khác.

Cần gì, người ta tìm ngay trên internet. Cần mua một tấm vé máy bay đi thăm một người bạn ư? Kiếm trên internet! Đặt vé ngay trên internet! Là xong. Cứ đến ngày giờ là ra phi trường.

Ống nước nghẹt, cần một thợ đến sửa ư? Cũng kiếm trên internet.

Trên internet có thượng vàng hạ cám, từ một người thợ cắt cỏ hay người thợ sửa hàng rào đến một luật sư, một bác sĩ, một trung tâm dạy kèm cho trẻ em, v.v… Đủ tất.

Vậy người ta còn cần gì ở một tờ báo?

Có lẽ chỉ là một hoài niệm.

Nhưng một mặt, hoài niệm thì rất dễ phôi pha; mặt khác, cái giá để trả cho những hoài niệm ấy lại quá cao.

Con người càng ngày càng có khuynh hướng sống phân tán, chi phí phát hành của báo in càng ngày càng nặng, giá thành của chúng, do đó, càng ngày càng cao.

Hơn nữa, việc bảo quản báo in cũng là một vấn đề lớn cho gia đình cũng như xã hội, đặc biệt tại các thư viện.

Đối diện với những vấn đề như vậy, không có gì lạ nếu một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn thấy một tờ báo nào trên mặt đất cả.

Để biết ngày ấy có xa không, bạn hãy làm thử cái trắc nghiệm này:

1. So với vài ba năm trước đây, mức độ mua báo in của bạn tăng hay giảm?
2. Khi cần và muốn theo dõi những tin tức được xem là nóng hổi như chiến tranh đâu đó hay các cuộc thi thể thao (một trận bóng đá nào đó, chẳng hạn), bạn thường xem ở đâu? Trên báo in hay internet?
3. Nhìn chung quanh, bạn có thấy nhiều người giống bạn không?

Trả lời xong các câu hỏi ấy, tôi nghĩ bạn có thể hình dung tương lai báo in ra sao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG