Đường dẫn truy cập

Bất cập trong Dự luật về Bảo vệ người tiêu dùng 


VnExpress mới đưa tin Bộ Công thương vừa cho ra mắt dự luật về bảo vệ người tiêu dùng. VnExpress trích lời ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công thương (đơn vị soạn thảo dự luật này) cho biết “dự thảo luật lần này lấy người tiêu dùng làm trung tâm.”

Người tiêu dùng ở Việt Nam chắc chắn không thuộc nhóm được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Ở Việt Nam không có những thứ quyền xa xỉ như trả lại hàng đã mua nếu không vừa ý. Ngay cả những quyền đơn giản nhất như quyền được biết hạn sử dụng của sản phẩm xem ra cũng thường xuyên bị bỏ quên.

Đó là chưa kể việc các nhà sản xuất đôi khi lại “đãng trí” tới mức sử dụng các nguyên vật liệu quá hạn để sản xuất phục vụ các “thượng đế”. Không chỉ các nhà sản xuất nhỏ mà ngay cả các tên tuổi lớn trong nước như Vinafood cũng mắc phải thứ bệnh đãng trí này.

Theo Huy Đức, hôm 13 và 14 tháng 7 vừa qua, cơ quan thú y phát hiện trong kho hàng mà Vinafood thuê có “đùi gà không xác định được hạn sử dụng; sườn cốp lết và xúc xích hết hạn; thịt heo quá đát từ tháng 4 được Vinafood “tự ý gia hạn” thêm 1 năm”.

Tệ hơn nữa thì còn có hệ thống cơm tù xuyên việt- ai không mua hàng (rởm) với giá đắt sẽ bị đánh què giò. Báo chí trong nước đã nhiều lần đề cập đến vấn nạn này.

Tờ Tuổi Trẻ hồi tháng 8 năm ngoái có một đoạn miêu tả hết sức thú vị: “Một cụ già mặc áo lính định bước qua đường. Hai tên đầu gấu một mặc áo đỏ, một áo vàng nhanh như chớp nhảy theo, chụp hai cánh tay cụ, gằn giọng: “Đi đâu? Đ.M., mày ra đường tai nạn ai chịu trách nhiệm?”. Cụ già vừa vùng vẫy thoát khỏi hai gọng kềm vừa la to: “Tôi đi ra đường hóng mát là quyền của tôi!”. Ngay lập tức, hai tên này xô cụ ngã chỏng chơ dưới đất. Hai nhân viên nữ của quán chạy ra, nắm hai tay cụ già lôi xềnh xệch trở vô. Cụ vùng vẫy và la to: “Bớ làng! Hai con cave này nó đánh tôi!”

Trong bối cảnh như vậy thì một dự luật được hứa hẹn lấy người tiêu dùng làm trung tâm xem ra là một tin tốt lành.

Dự thảo này đưa ra nhiều quy định ràng buộc đối với doanh nghiệp khi cung cấp sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng. Nhìn chung những quy định này đều hữu ích và tiến bộ. Thế nhưng trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định này thì sao?

Theo dự thảo hiện nay, người tiêu dùng nếu bị vi phạm quyền lợi trong hợp đồng có thể đòi doanh nghiệp bồi thường. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp không tự thỏa thuận được với nhau thì có thể sử dụng trọng tài (arbitration).

Ngoài hình thức sử dụng trọng tài, người tiêu dùng còn có thể kiện doanh nghiệp ra tòa hoặc tới cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo luật này chỉ định thì các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chỉ có thể giải quyết tranh chấp nếu trị giá của giao dịch từ 100 triệu VND trở xuống.

Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng này có một số vấn đề:

Thứ nhất, theo như tờ Vnexpress thừa nhận, các nhà buôn bán nhỏ lẻ không nằm trong phạm vi điều chỉnh luật (Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu thương nhân buôn bán lẻ). Vì thế, trường nợp như các nạn nhân của cơm tù như miêu tả của Tuổi Trẻ ở trên sẽ không được luật này bảo vệ. Trên thực tế, một phần lớn các giao dịch hàng ngày của người dân là giao dịch không chứng từ với các nhà buôn nhỏ lẻ này. Vì thế, có thể nói vấn đề đầu tiên là phạm vi bảo vệ của dự luật này rất hạn chế.

Thứ hai, dự luật quy định nếu người mua muốn khiếu nại tới cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thì anh ta phải chứng minh được rằng người bán vi phạm các cam kết trong hợp đồng (điều 38, khoản 3, mục c). Đúng ra, khi nhận được nhiều khiếu nại của khách hàng về hoạt động của một công ty thì cơ quan bảo vệ người tiêu dùng phải tiến hành điều tra xác minh chứ không phải ngồi chờ những người khiếu nại này làm cái việc chứng minh bên bán phạm lỗi rồi sử phạt dựa trên các bằng chứng mà những người khiếu nại cung cấp. Thí dụ, ở Mỹ, các cơ quan như FTC (Federal Trade Commission - Ủy ban Thương mại Liên bang) có chức năng thu nhận các khiếu nại và chủ động điều tra dựa trên các khiếu nại này. FTC không yêu cầu những người khiếu nại phải chứng minh hành vi sai trái của bên bán.

Vấn đề lớn thứ ba trong dự luật này liên quan tới việc khởi kiện. Dự luật này cho phép người tiêu dùng khởi kiện tập thể nhưng phải thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Đây là một quy định hạn chế khả năng khởi kiện tập thể của người tiêu dùng nói chung. Khiếu kiện tập thể trong trường hợp của người tiêu dùng là đặc biệt quan trọng vì với các giao dịch giá trị nhỏ, lợi ích bị vi phạm của một cá nhân không lớn để anh ta đơn độc khởi kiện người bán ra tòa.

Vấn đề thứ tư là trong trường hợp kiện nhau ra tòa, dự luật quy định người mua không cần phải chứng minh người bán mắc lỗi (điều 44). Dự luật này quy định trách nhiệm chứng minh (burden of proof) thuộc về bị cáo – trong trường hợp này là người bán. Đây là một quy định trái khoáy. Có lẽ những người soạn luật nghĩ rằng người mua không có đủ khả năng tài chính, thời gian cũng như thông tin để chứng minh người bán làm sai, vì thế mới đặt ra quy định này. Thế nhưng một quy định như vậy hết sức tai hại cho các doanh nghiệp vì nó tạo cơ hội cho các thế lực kình địch (thí dụ đối thủ cạnh tranh) tìm cách gây khó dễ cho doanh nghiệp thông qua các vụ kiện tụng liên miên.

Trên thực tế thì người mua hoàn toàn có khả năng, và trên thực tế phải có nghĩa vụ chứng minh trước tòa, nếu dự luật này tạo các điều kiện thuận lợi cho người mua có thể khiếu kiện tập thể. Việc buộc phải thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nếu muốn khiếu kiện tập thể xem ra quá rang buộc.

Thứ năm, là vấn đề cấm khiếu kiện tập thể trong luật khiếu nại tố cáo. Bài báo trên Vnexpress cũng trích lời ông Lê Danh Vĩnh có chỉ ra rằng “pháp lệnh về khiếu nại tố cáo của công dân lại cấm khiếu kiện tập thể. Dự thảo đang mâu thuẫn với pháp lệnh khiếu nại tố cáo. Đây là một vướng mắc lớn mà ban soạn thảo phải cân nhắc."

Tuy nhiên, pháp lệnh mà ông Lê Danh Vĩnh nói tới đã trở thành luật từ năm 1998 và được sửa đổi, bổ xung vào cuối năm 2005. Văn bản luật khiếu nại tố cáo năm 1998 không thấy nói tới khái niệm khiếu kiện (hay khiếu nại) tập thể. Không hiểu lần điều chỉnh sau này có đưa nội dung này vào hay không.

Nếu đúng là luật này cấm khiếu kiện tập thể thì có thể coi như dấu chấm hết cho phương pháp sử dụng hệ thống tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại có giá trị nhỏ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG