Đường dẫn truy cập

Thời tàn của báo in: Mua mà không đọc!


Từ gần 20 năm nay, tôi có thói quen chỉ mua và đọc báo vào cuối tuần. Ngày thường, bận, chỉ nghe tin tức trên tivi và radio. Chỉ có cuối tuần, thảnh thơi đi tản bộ rồi ghé vào một tiệm báo nào đó mua 2 tờ, thường là tờ The Australian và tờ The Age trước khi bước vào một quán cà phê nào đó. Vừa đọc vừa nhâm nhi ly café latté.

Tuần nào cũng thế. Suốt bao nhiêu năm trời.

Từ khoảng hơn một năm nay, tôi vẫn giữ thói quen đọc báo như thế. Nhưng cách mua và cách đọc thì khác hẳn.

Trước hết là cách mua. Tôi không mua ở sạp hay ở tiệm nữa mà là mua dài hạn. Ngày thường, nếu muốn, tôi có thể vào tiệm sách ở trường đại học lấy báo; ngày cuối tuần, thì có người giao báo đến tận nhà. Vào mỗi sáng Thứ bảy và Chủ nhật, có khi đang còn nằm nướng trên giường, nghe hai tiếng bịch bịch nho nhỏ trước sân là biết ngay thằng bé giao báo vừa mới đi qua.

Tôi đoán bạn đọc, nhất là các bạn ở Việt Nam, sẽ tự hỏi: Mua báo giao tận nhà như vậy có mắc lắm không?

Xin trả lời: Bình thường thì mắc. Ít nhất là mắc hơn nếu mình mua tại sạp hay trong tiệm.

Tuy nhiên, trong chiến dịch quảng cáo của báo chí trong giới trí thức, các giáo sư và sinh viên tại Úc, nếu muốn, đều được mua báo với giá cực rẻ. Rẻ đến độ tôi tin là bạn không thể tưởng tượng được đâu.

Ví dụ: Giá báo nguyên cả một năm của tờ The Age, tờ nhật báo lớn nhất và được xem là có uy tín nhất tại tiểu bang Victoria nơi tôi đang ở, cộng với tiền công giao báo đến tận nhà vào mỗi Thứ Bảy và Chủ nhật, chỉ có 25 đô Úc một năm.

Bạn tính xem: 25 đô cho 365 tờ; giá mỗi tờ báo, như vậy, chỉ có hơn 6 xu!

Bạn có biết với 6 xu đó ở Úc có thể mua được gì không? Hầu như không mua được bất cứ thứ gì cả, ngay cả một cục kẹo nhỏ.

Để hình dung rõ hơn cái rẻ này, bạn nên biết, bình thường, giá bán lẻ của một tờ The Age vào Thứ Bảy là 2 đô, và vào Chủ nhật là 2.5 đô. Giá một năm báo mua lẻ, như vậy, có thể lên đến gần 600 đô. Nếu mua dài hạn thì rẻ hơn, chỉ có 8 đô một tuần hay 416 đô một năm. Giá báo dài hạn dành cho giáo sư và sinh viên ở đại học chỉ có 25 đô, tức bằng 1/16 của giá báo dài hạn bình thường. Thực tình tôi khkông biết với giá 25 đô một năm như thế, toà báo có đủ tiền để trả cho em bé đi giao báo vào mỗi sáng cuối tuần hay không.

Tuy nhiên, điều đáng nói thêm là cách đọc: Mua, tôi vẫn mua, nhưng đọc thì, thú thật, tôi không đọc. Mỗi sáng Thứ Bảy và Chủ nhật, tôi đều ra sân nhặt hai tờ báo, tháo cái bao ni lông quấn chung quanh ra, liếc sơ qua từ đầu đến cuối trong vòng một, hai phút, rồi thôi. Có khi cũng không liếc, thậm chí, không mở lớp ni lông ra nữa. Cứ để vậy, vất thẳng vào thùng giấy tái sinh trong nhà.

Bạn ngạc nhiên ư?

Xin nói ngay là tôi không phải là người lười đọc.

Làm nghề dạy học và nghiên cứu, hầu như tôi đọc cả ngày. Trừ lúc lên lớp hay họp hành, toàn bộ thì giờ trong ngày là dành để đọc. Dĩ nhiên, cái đọc của tôi ít nhiều chọn lọc: Tôi thích đọc sách hơn đọc tạp chí; thích đọc tạp chí hơn là nhật báo; trong nhật báo, tôi thích đọc các bài phân tích về văn hoá xã hội hơn là các bản tin thời sự. Như vậy, dù không mặn mà lắm với chuyện chính trị và thời sự, tôi vẫn đọc. Đọc mỗi ngày. Ít nhất là 15, 20 phút. Chỉ có điều là tôi không đọc báo in. Vậy thôi.

Bình thường, ngày nào tôi cũng thức dậy khá sớm. Sau khi đánh răng và tắm rửa, hai việc đầu tiên tôi làm bao giờ cũng là pha ly cà phê và bật máy vi tính lên. Rồi, vừa uống cà phê vừa đọc, trước hết, các email liên quan đến các công việc trong đại học, sau đó, liếc qua các tờ báo tiếng Anh để biết tin tức.

Tôi chỉ đọc mấy tờ chính: Đầu tiên là hai, ba tờ báo của Úc như The Age, The Sydney Morning Herald và The Australian, rồi đến tờ The New York Times và Washington Post ở Mỹ, rồi đến trang mạng của đài BBC và trang Guardian.co.uk ở Anh, cuối cùng, chấm dứt bằng các trang báo tiếng Việt, từ trang tin tức của đài VOA, BBC đến Người Việt và VNexpress. Trong vòng dưới nửa tiếng, tôi đi vòng khắp thế giới để an tâm là không có chuyện gì trầm trọng xảy ra trong thời gian mình… ngủ.

Bởi vậy, khi nghe mấy tiếng bịch bịch trước sân nhà, tôi không còn có gì để náo nức nữa cả: Những tin quan trọng nhất và những bài thú vị nhất trong đó, tôi đã đọc hết rồi!

Hẳn bạn sẽ hỏi: Vậy mua báo để làm gì nữa?

Câu trả lời thành thực nhất là: Chỉ vì thói quen. Vậy thôi. Đối với những người gần cả đời mua báo và đọc báo, không thể không có chút hụt hẫng nếu một ngày nào đó không cầm tờ báo trên tay, dù không hề đọc. Tôi cũng vậy. Vả lại, giá báo rẻ đến độ khiến mình phải động lòng, không mua tự nhiên thấy áy náy.

À, mà tại sao người ta có thể bán báo với giá rẻ như cho như vậy được nhỉ?

Thật ra, cũng không có gì lạ. Trên thế giới vẫn có vô số tờ báo được in ra để … cho không, biếu không cho người đọc. Lợi nhuận của họ nằm ở chỗ khác: Quảng cáo. Nhưng muốn có quảng cáo nhiều và muốn giá quảng cáo cao thì phải có lượng in và phát hành lớn. Để giữ uy tín, các tờ báo nổi tiếng không chịu biến thành báo chùa. Họ vẫn bán. Nhưng bán với giá cực rẻ cho một số thành phần nhất định nào đó. Ở Úc, đó là thành phần trí thức trong đại học.

Tuy nhiên, thành thực mà nói, đây là thành phần có lẽ ít đọc báo in nhất. Lý do? Chắc chắn đây là tầng lớp sử dụng internet nhiều và thường xuyên nhất. Bởi vậy, đọc tin, chủ yếu là họ đọc trên mạng. Tờ báo in trở thành lỗi thời ngay khi nó vừa mới xuất xưởng. Chúng không cần được đọc nữa.

Tôi đoán có rất nhiều bạn chia sẻ kinh nghiệm càng ngày càng ít mua báo, hoặc nếu mua thì cũng càng ngày càng ít đọc, như tôi.

Phải không các bạn?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG