Đường dẫn truy cập

Lời đả kích của Hà Nội không ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Mỹ


Lời công kích của Hà Nội cho rằng Washington lợi dụng những nhân vật tranh đấu cho dân chủ để tìm cách chống phá, gây bất ổn và lật đổ nhà nước Việt Nam đã gặp phải sự than phiền của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong cuộc họp báo hôm thứ tư ở Hà Nội nhân dịp nhậm chức được 2 năm, ông Michael Michalak cho biết ông cảm thấy 'khó chịu' về 'sự miêu tả tiêu cực về những nỗ lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam'. Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với Tiến sĩ Vũ Tường, giáo sư khoa Chính trị Á châu của Đại học Oregon, và có cuộc phỏng vấn sau đây.

VOA: Lời chỉ trích Hoa Kỳ trong đoạn video trên báo Nhân dân Online, số ra ngày 20 tháng 8, được nhiều người cho là lời chỉ trích gay gắt nhất và nghiêm trọng nhất trong nhiều năm nay, từ khi hai nước bình thường hóa bang giao. Trước đây, Hà Nội cũng nhiều lần chỉ trích Washington nhưng họ chỉ nói chung chung là 'âm mưu diễn tiến hòa bình', hay 'can thiệp công việc nội bộ'. Xin giáo sư cho biết nhận xét nói trên có chính xác không?

Tiến sĩ Vũ Tường
:Tôi không nghĩ nhận xét trên đúng. Tôi thường đọc những lời đả kích nặng nề hơn trên các báo Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân mỗi khi Quốc Hội Mỹ thông qua một đạo luật về nhân quyền hay khi Bộ Ngoại Giao Mỹ hay tổ chức Human Rights Watch công bố báo cáo hàng năm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Tôi thậm chí nghĩ lời đả kích trên khá nhẹ nhàng.

Trong một bài báo khác trên tờ Nhân Dân ngày 20/08/2009 công bố lời 'nhận tội' của Luật sư Lê Công Định có đoạn sau đây: “Nhận định về chính sách của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam, Lê Công Định cho rằng: Chính phủ Mỹ từ trước đến nay luôn theo đuổi chính sách cổ vũ dân chủ, nhân quyền theo kiểu Mỹ và phương Tây. Chính phủ Mỹ luôn tìm mọi cách để thúc đẩy xu hướng dân chủ hóa và nền chính trị đa đảng tại Việt Nam. Từ những chính sách của Chính phủ Mỹ và các hoạt động cụ thể của các viên chức ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cho thấy, Chính phủ Mỹ đang tìm cách tác động đến Chính phủ Việt Nam từ nhiều phía để thúc đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam cải cách mạnh mẽ hơn nữa về chính trị với mục tiêu cuối cùng là chấp nhận nền dân chủ đa nguyên, đa đảng như họ đã từng thực hiện ở nhiều nước khác. Đây cũng là chính sách hai mặt của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam.”

Thoạt nhìn có thể nghĩ đây là một lời phê phán gay gắt chính sách hai mặt của Mỹ. Không hoàn toàn sai. Nhưng nếu đọc kỹ, (1) người viết nói rõ đây là nhận định (riêng) của Lê Công Định; (2) không phải chính phủ Mỹ bị cáo buộc âm mưu lật đổ, mà chỉ bị cáo buộc đã cố vận động chính phủ Việt Nam thay đổi đi đến chấp nhận đa đảng.

VOA: Lời đả kích này được đưa ra trong lúc Hà nội và Washington đang ra sức tăng cường quan hệ, kể cả quan hệ quân sự, với mục đích tuy không nói rõ nhưng được nhiều người xem là “đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Liệu việc này có ảnh hưởng hay không, và nếu có, ảnh hưởng như thế nào đối với quan hệ Mỹ-Việt?

Tiến sĩ Vũ Tường: Như đã nói ở trên, tôi không nghĩ là việc này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Lời đả kích không hề nêu đích danh Hoa Kỳ. Tôi cũng không nghĩ quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian gần đây có những chuyển động rõ rệt. Xu hướng tăng cường quan hệ đã bắt đầu từ lâu nhưng tiến triển rất chậm chạp. Mặc dù phía Hoa Kỳ muốn đẩy nhanh hơn nhưng Việt Nam rất dè dặt.

VOA: Trong một vài tháng nay, chính phủ Việt Nam dường như đã có thái độ 'bớt rụt rè hơn' trong vụ tranh chấp Biển Ðông. Thí dụ như cho báo chí nhà nước đăng một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, ta thán về việc Trung Quốc lấn chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam, Trung Quốc xây đập ngăn nước sông Mê Kông, hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam… Tuần trước, khi Thượng nghị sĩ Webb đến thăm Hà Nội, báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ cũng cho đăng bài của Quốc Pháp phản bác 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc. Phải chăng lời tố cáo trên tờ Nhân dân là một cách mà Hà Nội dùng để 'cân bằng' và chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy rằng Việt Nam không muốn nghiêng hẳn về phía Mỹ?

Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi nghĩ còn quá sớm để nói như ai đó là gió đã đổi chiều ở Biển Đông. Chỉ có một bài trên báo Công An Nhân Dân và bài của Quốc Pháp là đáng chú ý, nhưng bài trên báo Công An Nhân Dân đã bị rút ngay vài giờ sau khi xuất hiện trên mạng - bài này có giọng điệu chỉ trich Trung Quốc gay gắt hơn bài của Quốc Pháp rất nhiều. Còn vấn đề Trung Quốc xây đập và hàng Trung Quốc là hai vấn đề khá mới và phức tạp, ít nhất không phải là vấn đề có liên quan trực tiếp đến an ninh và chính trị - có thể Bộ 4T chưa có chỉ đạo chặt chẽ và cụ thể nên phóng viên hay biên tập có thể lách được kéo kiểm duyệt. Tôi nghĩ phản ứng của chính quyền tùy thuộc vào từng vấn đề và một phần vào cách viết của phóng viên. Bài của Quốc Pháp đọc như một tham luận tại hội nghị nghiên cứu nên có lẽ được để yên.

Tôi cho rằng lời tố cáo trên báo Nhân Dân nhắm vào dân Việt Nam hơn là vào Bắc Kinh. Mục đích là để chứng minh những người bị bắt chỉ là 'những con rối' của nước ngoài giật dây. Đây chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền quen thuộc để dân chúng coi thường những người chống lại nhà nước.

VOA: Hồi gần đây, dư luận trên mạng của Trung Quốc, đặc biệt là báo chí và truyền hình ở Hồng Kông, không ngớt cổ súy cho việc Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam. Nhiều người đã nói tới Kế hoạch A, chiếm toàn cõi Việt Nam trong 30 ngày. 'Chuyên gia quân sự' của Trung Quốc và Đài Loan cũng lên truyền hình nói về sự hợp tác để đánh Việt Nam. Thậm chí có người còn nói rằng “Trung Quốc hãy bắt đầu sự quật khởi (trỗi dậy) của mình bằng cách đem Việt Nam ra ‘khai đao’ ngay bây giờ”. Trước sự việc này, dư luận Việt Nam có người cho rằng 'chó sủa là chó không cắn'. Một số người khác nói rằng Trung Quốc sẽ không đánh vì không muốn phá vỡ cam kết 'trỗi dậy trong hòa bình'. Giáo sư nghĩ sao về những ý kiến này?

Tiến sĩ Vũ Tường: Phong trào dân tộc chủ nghĩa đã phát triển mạnh ở Trung Quốc trong 10 năm gần đây—phản ánh sự tự tin của thanh niên Trung Quốc. Chủ nghĩa này phóng đại việc Trung Quốc từng là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc (Phương Tây và Nhật), nhưng lờ đi việc Trung Quốc đã từng nô dịch hay đô hộ những dân tộc khác như Việt Nam hay Tây tạng (cũng giống như nhiều người Việt hay nói Việt Nam bị Tây Tàu đô hộ, nhưng quên việc Việt Nam từng đô hộ và nô dịch người Chăm pa và Khờ Me). Năm 1999 khi máy bay Mỹ ném bom (tôi nghĩ là nhầm) Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Belgrade, hàng chục ngàn người Trung Quốc đã biểu tình tự phát và tấn công Tòa Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc không tiên liệu hoặc kiểm soát hoàn toàn tình hình, nhưng họ xử lý vấn đề tốt hơn Việt Nam—một phần vì Trung Quốc không úy kỵ hay lệ thuộc Mỹ.

Theo tôi, Trung Quốc sẽ không đánh Việt Nam (trừ trường hợp tấn công Hải quân Việt Nam để thu tóm Trường Sa). Dư luận trên mạng (là một phần của phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nói trên) không đáng quan tâm bởi vì tôi không thấy Trung Quốc có lợi ích gì khi xâm lược hay chiếm đóng Việt Nam theo kiểu thực dân cũ. Chính phủ Việt Nam có vẻ rất kiêng dè Trung Quốc. Quan hệ kiểu thực dân mới (nô dịch bằng kinh tế và xử dụng tay sai bản địa), hay thậm chí kiểu phong kiến cũ (ngoại giao triều cống, lệ thuộc về văn hóa và thần phục về mặt quân sự) có lợi hơn nhiều cho Trung Quốc.

VOA: Xin cám ơn giáo sư đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG