Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Trung Quốc sẽ cho vay chậm lại


Chiến lược của Trung Quốc nhằm giữ cho nền kinh tế vẫn tăng trưởng dù có sự suy thoái của kinh tế toàn cầu dựa vào việc chi tiêu rất nhiều. Tuy nhiên như Thông Tín Viên Heda Bayron tường trình từ Hong Kong, sự bành trướng nhanh chóng các khoản cho vay của ngân hàng gây nên nhiều lo âu là quá nhiều tiền được tung ra trong hệ thống có thể đưa đến một số vấn đề cho Trung Quốc.

Các ngân hàng Trung Quốc tăng gia các khoản vay mới lên đến 30% trong tháng Bảy này so với năm ngoái. Từ tháng Giêng cho đến tháng 7 năm nay, các ngân hàng Trung Quốc cho vay hơn 1 ngàn tỉ đô la gần bằng sản lượng nội địa của Canada.

Những khoản vay này, hầu hết dùng cho xây dựng hạ tầng cơ sở, được coi như là nguyên nhân giúp cho nền kinh tế tăng trưởng thêm hơn 7% trong 6 tháng đầu năm 2009.

Bà Jing Ulrich, Chủ tịch phụ trách về cổ phiếu và thương phẩm của ngân hàng JP Morgan tại Hong Kong cho biết .

Bà Ulrich nói: “Trong năm, sáu năm qua, mức cho vay tăng hầu như ổn định vào khoảng 14% cho đến 15%. Tuy nhiên kể từ cuối năm 2008 tức vào khoảng tháng 11, tháng 12 cho tới nay, các khoản vay tăng vọt trong 6 tháng đầu năm nay. Số tiền vay lên đến 7 ngàn 400 tỉ nhân dân tệ tức là khoảng 54% sản lượng nội địa trong 6 tháng đầu năm của Trung Quốc .”

Một vài nhà kinh tế và chuyên viên phân tách cảnh báo là tình trạng này đã tạo nên bong bóng hay là một sự tăng cao về giá tài sản căn cứ trên đầu cơ, nhất là đầu cơ chứng khoán và bất động sản. Những chuyên gia này cảnh báo là tình trạng tăng vọt như thế được quan niệm một cách sai lầm, coi đó là chỉ dấu của một nền kinh tế tăng trưởng. Chỉ số Thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng khoảng 80% từ tháng Giêng cho đến đầu tháng 8.

Thêm vào đó, các chuyên gia này cho rằng cho vay nhiều có thể đưa đến lạm phát, hay là nếu được tiến hành một cách bất cẩn, có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp trong hệ thống ngân hàng sau này.

Việc cho vay tràn lan là một phần của gói kích cầu 600 tỉ đô la của Trung Quốc nhằm giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Một cách chính thức, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết là sẽ không có thay đổi trong chính sách tiền tệ dễ dãi của họ và phủ nhận là sẽ áp đặt hạn ngạch cho các khoản vay như đã từng làm trong quá khứ khi các khoản vay tăng gia nhanh chóng.

Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kêu gọi là mức gia tăng các khoản vay phải ‘hợp lý và bền vững’, một chỉ dấu cho thấy là những ngân hàng phải có đủ vốn để bảo đảm các khoản vay.

Trong tuần qua, các tổ chức cấp vốn vay hàng đầu của Trung Quốc gợi ý cần phải siết chặt tín dụng trong những tháng sắp tới.

Ông Khương Kiến Thanh, Chủ tịch Ngân hàng Công thương Trung Quốc, đơn vị cấp vốn vay lớn nhất của Trung Quốc, đã nói chuyện với một nhóm các nhà phân tích và các nhà đầu tư vào ngày 20 tháng 8 vừa qua.

Ông Thanh nói: “Theo tôi thì hoạt động cho vay vốn cũng giống như việc ăn uống. Mục tiêu của ăn uống là để giữ cho cơ thể ở mức vừa phải và khỏe mạnh. Cũng giống như trong kinh tế, mục tiêu chính là phải giữ cho nền kinh tế lành mạnh. Chúng ta không phải lúc nào cũng yêu cầu được ăn nhiều hơn bữa ăn tối trước đó, vì như vậy sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.

Các giới chức của Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc, đơn vị cấp vốn vay lớn thứ hai ở nước này, cũng gợi ý rằng ngân hàng sẽ giảm tốc độ cấp vốn vay trong vài tháng sắp tới.

Bà Ulrich nói rằng ngay cả nếu thị trường vốn vay tăng trưởng chậm hơn thì lượng tiền mặt vẫn có đủ trên thị trường để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Trong thập niên 1990, các ngân hàng nhà nước hàng đầu của Trung Quốc đã bị chao đảo vì không thu hồi được nợ đã cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp đó nay không còn tồn tại trong môi trường kinh tế tự do. Chính phủ đã giúp giải tỏa những khó khăn cho các ngân hàng bằng cách chuyển các khoản nợ xấu vào một công ty khác và bán cho các nhà đầu tư bên ngoài.

Kể từ đó, Ngân hàng Trung ương đã áp dụng nghiêm ngặt quy định buộc các ngân hàng phải duy trì đủ tỉ lệ tiền mặt bắt buộc.

Tuy nhiên liệu siết chặt tín dụng có làm đình trệ tiến trình hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc hay không?

Các chuyên gia kinh tế nói rằng riêng hoạt động cho vay không bảo đảm cho quá trình hồi phục kinh tế. Bà Ulrich nhận định rằng lãnh vực xuất khẩu và đầu tư tư nhân cũng phải gia tăng.

Bà Ulrich nói: “Đầu tư do chính phủ chỉ đạo để thúc đẩy tăng trưởng GDP sẽ không duy trì được lâu bền trong trường kỳ. Đó chính là lý do tại sao đầu tư tư nhân phải gia tăng là một yếu tố quan trọng, và có những chỉ dấu cho thấy các công ty tư nhân đang tăng vốn đầu tư.

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất khẩu của Trung Quốc, do mức cầu sản phẩm tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu giảm sút.

Hàng triệu công nhân nhà máy mất việc làm đã tạo ra mối lo sợ sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.

Tốc độ sút giảm trong lãnh vực xuất khẩu đã chậm lại trong mấy tháng gần đây, và các số liệu từ ngành sản xuất cho thấy các nhà máy đang bắt đầu khởi động lại.

Tuy nhiên mới đây Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo rằng nền kinh tế vẫn đang đối diện với tình trạng ‘bất trắc’ trước mắt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG