Đường dẫn truy cập

‘Chuyện rửa tiền và tham nhũng luôn song hành’


Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền. Mới đây nhất, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam xây dựng năng lực chống buôn lậu tiền mặt khối lượng lớn và rửa tiền qua hành vi thương mại với khóa tập huấn cho các cán bộ hải quan và ngân hàng.

Thuật ngữ ‘rửa tiền hay tiền bẩn’ được cho là vẫn còn khá mới mẻ với phần đông dân chúng Việt Nam, nhưng trong bối cảnh nước này đang ngày càng hòa nhập nền kinh tế thế giới, vấn nạn toàn cầu đó ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam, Nguyễn Trung của đài VOA Việt Ngữ đã đi tìm câu trả lời từ ông Christopher Batt, Cố vấn khu vực về phòng chống tội phạm rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) và Ngân hàng Thế giới ở Hà Nội.

VOA: Tình trạng rửa tiền hiện nay ở Việt Nam đang diễn biến ở mức độ nào, thưa ông?

Ông Christopher Batt: Tôi không thể cung cấp cho anh các số liệu cụ thể về số vụ rửa tiền đang điều tra hay thậm chí bị truy tố. Nhưng có thể nói không nước nào có thể tuyên bố miễn nhiễm trước nạn rửa tiền. Hoạt động phạm pháp này xảy ra ở mọi quốc gia, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Tôi nghĩ Việt Nam đang ở một tư thế mạnh hơn so với các nước láng giềng. Những thành quả của sự tăng trưởng kinh tế ở đây làm Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng rửa tiền, nhưng đồng thời cũng giúp nước này trang bị tốt hơn để đối phó với vấn nạn này.

Tôi thấy chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm tới vấn đề này. Với những gì họ đã thể hiện cộng với các cam kết với các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới hay UNODC, tôi nghĩ trong một vài tháng tới sẽ có vài câu chuyện thành công nào đó.

VOA: Trong quá trình làm cố vấn cho chính phủ Việt Nam, ông thấy những hình thức rửa tiền thông dụng nhất ở Việt Nam hiện giờ là gì?

Ông Christopher Batt: Theo tôi, đó là chuyện rửa tiền bất chính vào bất động sản. Nhưng thực tế mà nói, vấn đề này liên quan tới nhiều hoạt động trong xã hội, từ chuyện mua xe cộ, cho tới các hàng hóa xa xỉ trong cuộc sống thường nhật nữa. Rồi cả chuyện đầu tư nguồn ‘tiền bẩn’ đó vào các hoạt động phạm pháp trong tương lai.

Việt Nam là một xã hội dựa phần lớn vào giao dịch tiền mặt, nên chuyện rửa tiền sẽ khiến chính quyền khó đối phó hơn, nhưng không phải là không giải quyết được. Tôi nghĩ vấn đề sử dụng tiền mặt rộng rãi trong xã hội Việt Nam sẽ thay đổi một cách chậm rãi trong những năm tới.

VOA: Thưa ông, Việt Nam hiện vẫn nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất trên thế giới. Liệu điều đó có làm cho tình trạng rửa tiền ở nước này trở nên nghiêm trọng hơn không?

Ông Christopher Batt: Chuyện tham nhũng tồn tại ở bất kỳ một xã hội nào. Bất kỳ nơi nào có tình trạng tham nhũng thì thường có sự dính líu tới các hoạt động rửa tiền và ngược lại, vì phần lớn tội phạm rất hám lợi. Mục tiêu của chúng là kiếm tiền, và kiếm lời từ các hoạt động bất hợp pháp. Chính bởi lẽ đó, tham nhũng và rửa tiền luôn đi liền với nhau.

Nhưng từ những gì tôi chứng kiến ở đây và các dự án tôi sẽ tham gia trong một vài tháng tới, chính phủ Việt Nam dường như rất quan tâm giải quyết vấn đề này.

VOA: Vậy hiện thời, theo ông Việt Nam cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng rửa tiền?

Ông Christopher Batt: Việt Nam mới trải qua một cuộc đánh giá của quốc tế về khả năng đối phó với tình trạng rửa tiền và chống hỗ trợ tài chính cho khủng bố. Sự đánh giá đó đã giúp chính quyền nước này chú ý tới một số khía cạnh cần phải cải thiện.

Chính phủ ở đây đã nhanh chóng hành động bằng cách thiết lập một ủy ban hỗn hợp gồm sự tham gia của nhiều cơ quan và bộ ngành, và nhiều việc đã được thực hiện với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ nước ngoài. Tôi nghĩ có dấu hiệu tích cực ở đây. Không nước nào có thể hoàn toàn tiệt trừ nạn rửa tiền. Tôi nghĩ mọi nước trên thế giới chấp nhận thực tế đó.

VOA: Đóng góp của các nhà tài trợ cho Việt Nam trong tiến trình này như thế nào, thưa ông?

Ông Christopher Batt: Cộng đồng quốc tế đã tập trung tăng cường khả năng chống rửa tiền ở nhiều nước trên thế giới chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Việt Nam là một trong nhiều nước phải giải quyết vấn đề này. Tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và UNODC có cố vấn về chống rửa tiền ở Hà Nội hơn ba năm nay rồi.

Với chương trình tại các nước của UNODC, chúng tôi đã hỗ trợ chính quyền Việt Nam một số biện pháp chống tình trạng rửa tiền và hỗ trợ tài chính cho khủng bố. Chương trình quốc gia của UNODC đã có mặt ở Việt Nam trong vòng hai năm qua.

Chúng tôi cố vấn và đào tạo cho các quan chức Việt Nam tham gia trong lĩnh vực chống rửa tiền như trong ngành tài chính, cảnh sát, hải quan nhằm hỗ trợ cho họ khả năng đối phó với các vi phạm liên quan tới rửa tiền cũng như quá trình truy tố.

VOA: Ông Ric Power, người tiền nhiệm của ông ở Việt Nam, cho rằng tình trạng rửa tiền nếu không bị kiểm soát, sẽ ảnh hưởng tới tới mức độ khả tín và môi trường đầu tư của nước này. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?

Ông Christopher Batt: Vâng. Tôi tán đồng quan điểm đó. Và đó là chuyện của mọi quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Nước nào có các chế tài và chính sách chống nạn rửa tiền yếu kém và bị coi là có tình trạng rửa tiền hoành hành sẽ dẫn tới hình ảnh xấu trong mắt cộng đồng quốc tế, nhất là trong hệ thống tài chính thế giới.

Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam quan tâm giải quyết những ảnh hưởng mà chuyện rửa tiền có thể gây ra đối với uy tín của nước này, và đồng thời muốn chứng tỏ với các nước láng giềng, cũng như toàn thế giới rằng vấn nạn rửa tiền không thể bị xem nhẹ tại đây và đã được quan tâm giải quyết một cách mạnh mẽ nhất có thể.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG