Đường dẫn truy cập

Nô lệ hay Tự do?


Một cuộc triển lãm các tài liệu về vụ nô lệ nổi loạn trên chiếc tàu Amistad cho thấy không phải lúc nào cũng có biên giới rõ ràng giữa thân phận nô lệ và tự do. Thông tín viên Ted Landphair tường thuật về cuộc triển lãm liên quan đến một câu chuyện nô lệ:

Năm 1839, những nô lệ trên chiếc tàu buồm Amistad, trên đường tới các đồn điền trồng mía tại Cuba, đã trốn thoát khỏi xiềng xích. Họ nổi loạn giết người thuyền trưởng và người nấu bếp và hạ lệnh cho hai người cai nô lệ phải dong buồm trở về châu Phi.

Thay vì trở về châu Phi, hai người cai nô lệ lại lái tàu về lại hải phận Hoa Kỳ, và các nô lệ đã bị bắt lại rồi đem ra xét xử vì tội sát nhân tại bang Connecticut ở đông bắc Hoa Kỳ, nơi mà vào thời điểm đó vẫn chính thức duy trì chế độ nô lệ.

Hiện giờ thì Hiệp Hội Lịch Sử của bang Connecticut nhỏ bé ở vùng Tân Anh Cát Lợi đang cho triển lãm các tài liệu về câu chuyện này tại thủ phủ Hartford.

Thành phố này là nơi đã diễn ra vụ xét xử và chống án của những nô lệ nổi loạn, kể cả người thủ lãnh Cinque, 26 tuổi, thuộc bộ lạc Mende quê quán tại vùng mà ngày nay là Sierra Leon.

Vụ xử những nô lệ này đã trở thành trọng tâm của cuộc tranh đấu của những người chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ, trong số này có cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ John Quincy Adams. Họ đã trả tiền thuê luật sư bào chữa cho các bị can. Tòa phải đi đến quyết định xem những nô lệ này là hải tặc, kẻ sát nhân hay là tài sản sở hữu của các viên thuyền trưởng chuyên chở họ.

Thẩm phán tại cả hai tòa hình sự lẫn phúc thẩm đều ra phán quyết rằng những người châu Phi này phải được trả tự do, vì những tội hình sự mà họ vi phạm diễn ra ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, tức là ra khỏi phạm vi quyền tài phán của nước Mỹ. Nhưng Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Martin Van Buren lo ngại rằng trả tự do cho những nô lệ nổi loạn sẽ khiến các chủ nô lệ tại miền nam giận dữ. Vì thế chính phủ đã đưa vụ án lên Tối Cao Pháp Viện phân xử.

Một trong các vị thẩm phán người miền nam thuộc Tối Cao Pháp Viện lúc bấy giờ ngã bệnh nên đã không tham gia vào tiến trình xét xử được. Một vị khác thì lên cơn đau tim và từ trần. Vì vậy cán cân công lý bỗng dưng thiên về 4 vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện người miền bắc. Trong số 7 vị ngồi xử thì đến 6 đã bỏ phiếu thuận trả tự do cho các bị cáo.

Sau đó thì thủ lãnh nhóm nô lệ nổi loạn, anh Cinque, đã tìm cách trở về làng quê tại châu Phi, nhưng đến nơi chỉ để thấy rằng toàn thể gia đình anh đã bị bắt và bị đem bán làm nô lệ cho ai và lưu lạc đến quốc gia nào cũng chẳng ai hay.

Và câu chuyện đến đấy là hết, ít nhất là tại Hiệp hội Lịch sử bang Connecticut, vào tháng ba năm tới, khi cuộc triển lãm Amistad kết thúc sau hơn 10 năm trưng bày.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG