Căn cứ vào thời điểm chào đời, người ta thường nói: Con người biết khóc trước khi biết cười, biết đau đớn trước khi biết vui sướng.
Trong bài “Chữ nhàn”, Nguyễn Công Trứ viết:
Thoạt sinh ra thì đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Tuy nhiên, nếu bỏ qua thời điểm lọt lòng mẹ, chúng ta lại có thể có một ghi nhận khác: Loài người tập cười trước khi tập nói. Thường, phải 9, 10 tháng trở lên, trẻ em mới bập bẹ tập nói vài ba âm căn bản như “a”, “ba”, “má”. Còn việc tập cười thì sớm hơn nhiều. Khoảng một, hai tháng, trẻ em đã tập nhoẻn miệng cười, thường là ngay trong giấc ngủ. Không có bậc cha mẹ nào lại không từng ngây ngất nhìn ngắm con mình tập cười như thế.
Vậy tại sao lớn lên, trong vô số những trường hợp cần thiết, người Việt Nam lại không còn biết cười nữa?
Tôi nghĩ ở đây có vai trò của giáo dục.
Tôi nhớ, hồi nhỏ, từ trong gia đình đến lớp học, chưa bao giờ tôi học được bài học về cười. Cha mẹ hay thầy cô giáo, nếu có dạy gì về văn hoá giao tiếp, thường chỉ dạy cách vòng tay và cúi đầu; nhưng lại không dạy cười. Gặp người trưởng thượng: Vòng tay lại và cúi đầu xuống, “ạ”. Hết. Còn gặp người đồng lứa hay nhỏ hơn thì sao? – Thì muốn sao cũng được! Trong trí nhớ của tôi, không có bài học nào về điều ấy cả. Nên, không hiếm trường hợp, hai đứa bé gặp nhau cứ trố mắt nhìn nhau.
Ở Tây phương thì khác. Người ta dạy trẻ em cười và nhìn, nhìn thẳng, khi nói chuyện. Khỏi vòng tay. Khỏi cúi đầu. Nhưng phải cười lúc gặp nhau và phải nhìn thẳng khi nói chuyện với nhau.
Những bài học ấy được lặp đi lặp lại hầu như cả đời. Đang học những năm cuối ở trung học hay những năm đầu ở đại học, học sinh và sinh viên phải học cách trả lời phỏng vấn lúc xin việc. Bài học đầu tiên bao giờ cũng là: Cười và nhìn thẳng.
Làm các công việc cần giao tiếp với khách hàng, từ việc chạy bàn trong quán ăn hay quán giải khát đến việc làm tiếp viên trong các văn phòng, các cơ quan… người ta cũng yêu cầu học cười!
Thời gian chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2008, ở Trung Quốc, có người làm cuộc điều tra và phát hiện: Chỉ có khoảng 2% người Trung Hoa cười khi gặp người ngoại quốc. Chính phủ bèn tung ra cả một chiến dịch rầm rộ để dạy dân chúng cười. Riêng tại Bắc Kinh, có trên 40 huấn luyện viên dạy cách cười trên đường phố. Nhiều lớp dạy cười được mở cho công chúng. Nhiều công ty tự mớ khoá huấn luyện cười riêng cho nhân viên của mình.
Đài Loan cũng mở chiến dịch học cười. Các tài xế xe buýt chở du khách từ lục địa đến Đài Loan phải tham dự khoá học, ở đó, họ phải cầm tấm biển khuyến khích cười và phải tập cười ít nhất 1,200 lần!
Ở Việt Nam, trước hiện tượng đa số du khách một đi không trở lại, trong một số cuộc họp và hội nghị, nhiều người cũng đã nhắc đến nhu cầu tập cười của các nhân viên hàng không và nhân viên hải quan, những người mà du khách ngoại quốc tiếp xúc đầu tiên trên đường đến Việt Nam cũng như khi mới bước chân xuống mảnh đất Việt Nam.
Nhưng không phải chỉ cần cười với du khách ngoại quốc. Người ta cần cười với mọi người.
Và đã có học thì phải có tập và phải có kiểm tra.
Tôi nhớ có lần ở phi trường Singapore, khi vợ tôi vừa mới từ một cửa hàng bán đồ lưu niệm bước ra, một người phụ nữ liền đến gặp và xin làm một cuộc điều tra ngắn, chỉ khoảng vài ba phút. Cuộc điều tra gồm khoảng dưới một chục câu hỏi. Tất cả đều xoay quanh cách tiếp khách của nhân viên bán hàng.
Trong các câu hỏi ấy, có mấy câu tôi nhớ nhất: Cô bán hàng có cười chào không? Có nói “cám ơn” không? Có nài ép mua gì thêm không? Có nhìn thẳng mình khi nói chuyện không? Và, cuối cùng: Có ấn tượng gì về người bán hàng ấy? Tốt hay xấu?
Ở Việt Nam, không chừng chúng ta cũng cần những bài học như thế. Và những cuộc điều tra như thế. Nhất là ở các công sở. Để mọi người học lại cái bài học cơ bản đầu tiên khi mới chào đời: Cười.