Đường dẫn truy cập

Tôi đi tìm... tôi


Cách đây không lâu, khi mở hộp thư trên computer tôi nhận được mail thăm hỏi của một người bạn trẻ ở xa. Ở xa, theo cái nghĩa khoảng cách không gian thôi, chứ ở thế kỷ 21 với khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay chuyện xa gần đâu có nghĩa lý gì. Bạn tôi không ở trên đất Mỹ mà ở tận Adelaide bên Úc. Một người bạn mà tôi chỉ quen biết tình cờ chừng một năm nay qua một bạn quen khác. Thỉnh thoảng chúng tôi có trò chuyện qua điện thoại nhưng thường thì chỉ qua internet vì múi giờ hoàn toàn trái nhau đêm ngày sáng tối.

Chúng tôi chưa hề gặp nhau lần nào. Người bạn trẻ cho biết anh mới vào link truyen.com, tình cờ đọc thấy Sổ Tay Gặp Bạn Ở Paris của tôi trên Văn, nhưng bên góc trái có ghi tên 3 truyện của cùng một tác giả: Đêm Mưa Nghe Hát Bài Thơ Cũ; Trăm Cây Ngô Đồng và Căn Nhà Năm Cũ, anh hỏi “các truyện này có phải là của anh không?” Tôi viết cho anh: “Đêm Mưa Nghe Hát Bài Thơ Cũ là một bài tùy bút của tôi trên tạp chí Văn Sài gòn trước năm 1975. Còn hai bài kia thì tôi chắc chắn không phải là của tôi. Nhưng, tôi nghĩ, chuyện này hơi dài dòng, mình sẽ nói nhiều trong một dịp khác.” Dịp khác? Đã nhiều tuần qua, nhưng dịp khác đó vẫn chưa đến. Tôi nợ người bạn trẻ một câu trả lời. Và tôi thấy không thể để món nợ đó kéo dài lâu quá.

Sáng nay, ngồi ở quán cà phê Starbucks nghĩ đến món nợ chưa trả, tôi bỗng nhớ dính chùm vào nhau vài ba câu chuyện tương tự liên quan đến tên một người.

*

Nhà văn Trần Vũ ở Pháp cách đây mấy năm gửi cho tôi tuỳ bút của một tác giả tên Nguyễn Xuân Hoàng và anh có ghi thêm “đây là một Nguyễn Xuân Hoàng (NXH) khác hiện sống và viết ở Huế, Việt Nam”. Tôi viết thư cám ơn Trần Vũ và đã cho đăng bài viết ấy trên Văn với lời ghi “đây là một NXH khác hiện sống ở Huế, không phải NXH người trông coi tạp chí Văn hiện nay”. Tôi nghĩ chuyện người này trùng tên người khác cũng là chuyện bình thường thôi. Và sau đó tôi quên bẳng đi. Rồi cách đây cũng gần hai năm, một hôm, cô Phương Thư, người phụ trách mục đọc truyện trên một đài phát thanh địa phương nơi tôi sống, gọi tôi, nói: “Anh nhớ đón nghe em đọc một truyện về Huế của anh trên đài nhé!” Phương Thư là người Huế và giọng Huế của cô rất ngọt. Tôi nói cám ơn cô và tôi nghĩ chắc là Phương Thư sẽ đọc tuỳ bút “Huế Mà Ta Sẽ Trở Lại” một bài viết cũ của tôi in lại trong cuốn Căn Nhà Ngói Đỏ.

Do có khách từ xa đến thăm toà soạn bất ngờ, tôi không mở đài nghe như đã hứa. Cho đến khi khách ra về, tôi bật máy nghe giọng Phương Thư đọc giữa chừng và… thấy lạ. Không phải Huế Mà Ta Sẽ Trở Lại, mà là một bài viết hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi quên câu chuyện nhà văn Trần Vũ đã gửi tuỳ bút của một NXH ở Huế cho tôi. Tôi gọi Phương Thư nói chắc là cô đã lầm khi đọc truyện của một tác giả khác mà cô nghĩ là của tôi. Cô nói, “không, đúng là truyện của anh mà! em có cuốn sách của anh trong tay đây này!” Tất nhiên cuốn sách mà cô nói không phải là sách của tôi.

Chuyện Trần Vũ, chuyện Phương Thư trở lại trong trí nhớ tôi sáng nay kéo tôi về lại chuyện của những ngày Sài Gòn xa hơn. Năm đó, trước 1975, tôi được cử đi coi thi ở Huế. Tôi không đi thẳng ra Huế bằng phi cơ mà bằng tàu lửa, vì tôi muốn dừng lại Nha Trang thăm cha mẹ tôi. Sau đó tôi tiếp tục chuyến đi bằng xe đò. Ba ngày sau, không biết cách nào mẹ tôi tìm ra số điện thoại của trường thi, gọi xin nói chuyện với tôi. Mẹ tôi hỏi: “Con đó hả? Có phải con đó không?” Tôi trả lời: “Con đây, mẹ khoẻ không?” “Khoẻ!” Bà chỉ trả lời đúng một tiếng và tôi nghe tiếng bà khóc trong máy. “Mẹ ơi, có chuyện gì vậy mẹ?” Tôi lo sợ, không nghe bà trả lời, chỉ nghe tiếng nấc của bà trong điện thoại. Mãi một lúc lâu sau, bà nói: “Vậy mà báo đăng tin mày chết trong chuyến xe đò bị lật ở Đèo Cả! Thôi, để mày làm việc, mày sống là mẹ mừng rồi! Cái tờ báo chết tiệt!” Tôi không nghĩ là tờ báo chết tiệt, tôi nghĩ chắc là phải có một người tên NXH thật và anh ta đã chết trong một tai nạn lật xe.

Tôi nghĩ tôi đã tìm được câu trả lời cho người bạn trẻ ở xa. Tên – đôi khi cả tuổi nữa – trùng nhau cũng là chuyện thường tình … thôi.

Tôi vào google.com đánh tên mình và khám phá ra không chỉ có một NXH, mà có nhiều NXH khác.

Vào link Tạp chí Sông Hương, Net Cố Đô, eVan,… tôi biết NXH mà nhà văn Trần Vũ đã gửi bài tùy bút cho Văn [có lẽ cũng chính là tác giả mà bài viết đã được Phương Thư đọc] ra đời ở Huế năm 1966, viết trên tạp chí Sông Hương và đã mất cách đây 3 năm, năm 2006. Trên vantuyen.net – Sach Truyen, tôi cũng thấy một danh sách 9 truyện của tác giả NXH gồm:

Ẩm thực Huế
Bất Cứ Lúc nào, Bất Cứ Ở Đâu*
Bậu Cửa Mẹ Ngồi
Chuyện Kể Trên Đồi Cam*
Căn Nhà Năm Cũ
Em Bé Đứng Chờ Xe Ở Ngã Tư*
Mùa Gió Huế
Thơ Khai Sinh Từ Những Gợi Tình
Văn Học Việt Nam Trong và Ngoài Nước*

Trong 9 truyện này, chỉ có 3 truyện và một bài viết [tôi bôi đậm và đánh dấu *] là của tôi thôi. Năm truyện kia là của một NXH khác: NXH Huế của Tạp Chí Sông Hương. Vào Horizon Information Portal tôi lại gặp NXH với ba truyện: Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu; Căn Nhà Ngói Đỏ và Hồn Mai, Tuyển tập Tuỳ Bút… Tất nhiên Hồn Mai tuyển tập tuỳ bút không phải là của tôi, nhưng người bạn trẻ tôi ở Úc nếu vào trang này chắc thế nào cũng sẽ hỏi: “các truyện này có phải là của anh không?”

Nhưng chưa hết. Trên link 25studio.net còn có một NXH khác nữa: NXH họa sĩ, sinh năm 1981 tại Hà Nội, ngày 25.5.2009 triển lãm cá nhân: “NGƯỢC”. Tranh, sắp đặt. 25 Studio. Cuộc triển lãm Ngược này là sự kết hợp những bức tranh không gian phối cảnh ngược với nghệ thuật sắp đặt với khoảng 8 tác phẩm… Rồi lại thêm một NXH, Thạc sĩ kỹ thuật, chuyên ngành kỹ thuật môi trường (Katholieke Universiteit Leuven, Belgium, 2005), giảng viên môn Công trình Xử lý Nước thải. Email:nxhoang@ctu.edu.vn ….

Nhưng mà đã hết đâu, thêm một NXH khác nữa qua link Victory at Any Cost tên một tác phẩm của Cecil B. Curry, John (FRW) Keegan – 2005 – History. Sách dày 401 trang, ở trang 257 có đoạn “…Another enemy general that entry of American big-unit forces had changed the face of the war. Nguyen Xuan Hoang told an interviewer. “We could not indulge in wishful thinking… When you sent the 1st Calvary to attack us… it gave us headaches trying to figure out what to do. General [Chu Huy] Man and I were very close to the [Ia Drang] front and several times the American troops came very near us.”

Ngay sau đó qua link Valley of Decision: The Siege of Khe Sanh – Google Books Results by John Prados, Ray W. Stubbe – 2004 – History – 576 trang, ở trang 196 có đoạn “….General Nguyen Xuan Hoang, chief of the historical office of the People’s Army of Vietnam, told American interlocutor and former Marine William Broyles in 1983 that of all the American escalation options the landing would have been the most foolhardy…”. Đi tiếp trang Google này vào links Bao Tang Lich Su Quan Su Viet Nam mới biết nhân vật NXH này cấp bậc Trung tướng trong Quân đội Cọng sản Việt Nam. Bản tiểu sử cho thấy NXH chỉ là bí danh, tên thật là Nguyễn Văn Bàn, sinh năm 1918, mất năm 1987.

Thật ra trên trang Google này cũng còn vài NXH nữa, nhưng thôi như thế cũng đã là quá đủ... cho một buổi sáng của tôi rồi. Cái còn lại đó là có hai NXH cầm bút: một NXH sinh ra và lớn lên ở Huế, năm 1975 mới 9 tuổi, nay đã ra đi, và một NXH ra đời và lớn lên ở Nha Trang, Dalat, Sài Gòn trước 1975 đã cầm bút và nay đang viết những dòng chữ … vớ vẩn này trong một quán cà phê Starbucks vào một buổi sáng sắp vào thu của miền bắc California.

Nghĩ cho cùng chuyện tên hay tuổi trùng nhau ở đời cũng chỉ là chuyện thường tình thôi. Thế nhưng hình như suy nghĩ của tôi cần phải cần xét lại. Bởi vì, theo bản tin của tờ Washington Post, cơ quan an ninh hàng không Hoa Kỳ [TSA] hiện nay không nghĩ như thế: kể từ thứ Bảy 15 tháng 8 vừa qua, hành khách phải khai rõ ngày sinh và giới tính nếu TSA hỏi đến. Chưa kể trước đó vào tháng 5 các hãng hàng không đã bắt đầu ghi đầy đủ tên hành khách với cả chữ lót nữa….

Tôi gửi những ghi chép này từ California [vào lúc 6 giờ 47 chiều thứ Năm 20 tháng 8] cho người bạn trẻ của tôi ở Adelaide, Úc châu [đã là 11 giờ 18 phút sáng thứ Sáu 21 tháng 8] để trả một món nợ. Thật ra ở đời này ai mà chả có nợ hay nần! Vấn đề là phần tôi, liệu tôi có trả hết trước khi ra đi không? [NXH]

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG