Đường dẫn truy cập

Người Việt Nam không biết cười (2)


Làm sao có thể giải thích hiện tượng nghịch lý là: một mặt, người Việt Nam cười một cách dễ dàng, thậm chí, thừa thãi; mặt khác, lại tiết kiệm nụ cười đến độ có thể bị chê là “rude”, cục cằn và thô lỗ, như thế?

Một câu hỏi như thế có thể là một đề tài thú vị, cần nhiều công phu nghiên cứu và nhất định sẽ dẫn đến nhiều cách trả lời khác nhau.

Về phương diện ngôn ngữ, tôi chỉ xin lưu ý mấy điểm:

Thứ nhất, như nhiều người đã ghi nhận, tiếng Việt có thật nhiều từ và ngữ mô tả tiếng cười. Ít nhất là hơn 100.

Thứ hai, tất cả các từ và ngữ ấy đều có thể xếp vào hai loại: hình thức và ý nghĩa.

Căn cứ vào hình thức, nhằm mô tả các kiểu cười khác nhau, chúng ta có, đại loại:

Cười ầm, cười bò, cười bò lê bò càng, cười bỏng tai, cười cắm cắt (giọng cao), cười chúm chím, cười chuột rúc, cười đổ quán xiêu đình, cười đứt ruột, cười giòn, cười ha hả, cười hà hà, cười hả hê, cười hăng hắc, cười hắt hắt, cười hê hê, cười hề hề, cười hềnh hệch, cười hi hí, cười hì hì, cười híp mắt, cười hô hố, cười hở lợi, cười hở mười cái răng, cười hoa, cười khan, cười khanh khách, cười khèng khẹc, cười khì, cười khín (cười hùn), cười khúc khích, cười lăn, cười lăn chiên, cười mép, cười mím chi (miếng chi), cười nắc nẻ, cười ngất, cười ngặt nghẽo, cười ngỏn ngoẻn, cười lộn ruột, cười nhếch mép, cười nhoẻn, cười nôn ruột, cười nụ, cười nửa miệng, cười ồ, cười ỏn ẻn, cười phì, cười ra nước mắt, cười ré, cười rộ, cười rú, cười rũ, cười rũ rượi, cười rúc rích, cười rùm, cười sặc sụa, cười sằng sặc, cười té đái, cười the thé, cười thơn thớt, cười tít mắt, cười toe toét, cười tức bụng, cười tủm, cười tủm tỉm,
cười vãi đái, cười vỡ bụng, cười xoà, cười tuồng, cười vang…

Căn cứ vào ý nghĩa hay động cơ của tiếng cười, chúng ta có:

Cười ba lơn, cười bả lả, cười ba ngoe (cười nịnh), cười bông phèng, cười buồn, cười cầu phong, cười cầu tài, cười chớt nhả, cười chua chát, cười cợt, cười dã lã, cười dê, cười duyên,cười đế, cười đểu, cười Đổng Trác, cười động cỡn, cười đú đởn, cười đón, cười đưa, cười gằn, cười góp, cười gượng, cười hợm (hĩnh), cười huề, cười khà, cười khảy, cười khê, cười khinh khỉnh, cười lẳng, cười lấy lòng, cười lén, cười lỏn lẻn, cười mát, cười mỉa, cười mơn, cười mũi,cười ngả ngớn, cười ngạo, cười ngạo nghễ, cười ngựa, cười nhả, cười nhả nhớt, cười nham nhở, cười nhăn nhở, cười nhạo, cười nhạt, cười nịnh, cười ruồi, cười thái sư, cười thâm, cười thầm, cười theo, cười tình, cười trâu, cười trây, cười trừ, cười xã giao, cười xí xóa,…

V.v…

Nhiều. Thật nhiều. Nhiều đến độ Nguyễn Tuân nghĩ “e phải làm từ vựng từ điển Việt Nam đến nơi rồi cho tiếng cười giàu có của chúng ta”.

Không những nhiều mà còn đa dạng.

Cũng theo Nguyễn Tuân: “Tổ tiên ta thiệt là những nghệ sĩ đã tạo hình cho tiếng cười Việt Nam, tạo cho tiếng cười bao nhiêu là bóng dáng, và có cả một cái gì như là biên chế đầy đủ thang bậc về tiếng cười.” (Tuyển tập Nguyễn Tuân 2, Nguyễn Đăng Mạnh biên tập, nxb Văn Học, HN, 1982, tr. 393-4).

Thú thực tôi không biết trong các ngôn ngữ khác trên thế giới, có thứ tiếng nào có số lượng từ và ngữ mô tả tiếng cười phong phú và đa dạng đến như vậy hay không.

Tuy nhiên, bạn để ý mà xem, dù nhiều đến như vậy, trong tiếng Việt vẫn thiếu một thứ cười: Cười chào. Cười để chào.

Chúng ta cười để tán tỉnh nhau, để nịnh bợ nhau, để bày tỏ sự khinh bỉ hay căm ghét nhau…

Đủ thứ.

Và đủ kiểu.

Nhưng chúng ta lại thiếu một nụ cười chào nhau, nhất là ở những lần gặp gỡ đầu tiên. Nụ cười đi kèm hay thay cho một cái bắt tay, một câu “hello” hay “bon jour” thông thường. Và bình thường.

Một nụ cười không có ý nghĩa gì khác ngoài việc làm cho quan hệ giữa người và người trở thành thân thiện và ấm áp hơn.

Một nụ cười như thế, cần biết mấy, phải không bạn?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG