Đường dẫn truy cập

Giá đường tăng vọt vì sản lượng của Ấn Độ sụt giảm


Giá đường trên thế giới lên đến mức cao nhất từ gần 30 năm vào lúc sản lượng mía ở Ấn Độ, là nước xuất khẩu đường lớn nhất – bị sụt giảm. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Heda Bayron tường thuật về tương lai u ám của công nghiệp đường tại Ấn Ðộ, và các khó khăn tại những nơi khác ở châu Á.

Sản lượng mía ở Ấn Độ đã sụt giảm, vào lúc nông gia qua nhiều năm đã chuyển sang trồng các loại hoa màu có giá hơn. Sản lượng trong năm kết thúc vào tháng 10 này ước tính sụt giảm tới 40 phần trăm xuống chỉ còn 14,8 triệu tấn.

Ông S.L. Jain là tổng giám đốc sắp xuất nhiệm của Hiệp hội nhà máy đường Ấn Độ. Ông nói công nghiệp đường hôm nay đang đứng trước một thời điểm cấp thiết có thể báo hiệu sự kết thúc vị thế là nước xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ.

Ông Jain nói: “Đã có sự gia tăng 72 phần trăm về giá hoa mầu thực phẩm do chính phủ Ấn Độ quy định, mà giá mía chỉ tăng có 24 phần trăm. Vì thế đất trồng mía không cạnh tranh được với các loại thực phẩm khác. Chúng tôi rất mừng nếu có thể đáp ứng được mức cầu gia tăng mỗi năm bởi vì dân số đang gia tăng. Có thể vào thời buổi tốt đẹp khi mà thời tiết rất tốt, nhưng tôi không thể thấy có những vụ xuất khẩu đường diễn ra từ Ấn Độ.”

Khoảng 36 phần trăm sản lượng đường trên toàn cầu xuất phát từ châu Á.

Thời tiết xấu ở nhiều nước trồng mía như Brazil, và việc chuyển sang trồng các loại hoa mầu khác ở một số nơi góp phần làm giảm sản lượng đường trên toàn cầu.

Chẳng hạn như ở Việt Nam, một số nhà máy đường đã tạm thời đóng cửa trong năm nay vì thiếu mía.

Giá cả đã tăng vọt lên mức cao nhất từ 28 năm lên tới khoảng 50 cent một kilogram. Ấn Độ, nước tiêu thụ đường nhiều nhất, sẽ phải nhập hàng triệu tấn trong năm nay để thỏa mãn số tiêu thụ hàng năm là 22,5 triệu tấn.

Và nếu như Ấn Độ ngưng luôn việc xuất khẩu đường thì giá còn có thể tăng cao hơn nữa. Cho đến hồi gần đây, Ấn Độ vẫn là nước cung ứng đường thứ nhì sau Brazil. Thái Lan nay đã chiếm vị trí này, nhưng không thể sản xuất đủ để thỏa mãn nhu cầu của cả thế giới trong đoản kỳ.

Ông Jain nói tình hình ở Ấn Độ trở nên trầm trọng hơn do sự can thiệp của chính phủ. Chính phủ định giá mía mà các nhà máy đường trả cho nông gia, và còn quy định cả lượng đường mà các nhà máy có thể bán mỗi tháng. Cính phủ buộc các nhà máy bán 10 phần trăm sản lượng với giá rẻ hơn cho người nghèo.

Ông Jain nói tiếp: “Có đầy rẫy hiện tượng tham nhũng, đẻ ra quá nhiều người trung gian. Chỉ nên có một giá thôi. Và nếu như chính phủ muốn làm 2 giá, thì hãy để cho chính phủ trực tiếp mua đường, có một hệ thống thích nghi và cung cấp cho người nghèo. Khi có hai giá thì ai cũng muốn dự phần. Cần phải chỉnh lại hệ thống này.”

Ngược lại, ở Philippines, chính phủ không sử dụng một hình thức nào trong cơ chế kiểm soát của Ấn Độ. Ủy ban Điều hành Đường theo dõi lượng cung ứng đường trong nước, nhưng không định giá hay cô-ta cho công nghiệp này. Ông Archimedes Amarra, giám đốc điều hành Hiệp Hội Nhà máy Đường Philippin cho biết không có sự thiếu hụt trong năm nay.

Ông Amarra nói: “Chúng tôi vẫn còn sản xuất thặng dư. Nhưng thực tế là công nghiệp đường của Philippines không tập trung vào việc trở thành một công nghiệp hướng về xuất khẩu. Mục tiêu chính của chúng tôi chỉ là sản xuất đủ cho thị trường nội địa. Nhưng để ổn định giá cả trên thị trường nội địa, chúng tôi vẫn xuất khẩu số thặng dư sản xuất được.”

Sản lượng đường thô ở Philippines đã tăng từ năm 2005. Phần lớn lượng đường xuất khẩu là qua Hoa Kỳ, bởi vì có một thỏa hiệp về quy chế thương mại ưu đãi lâu nay.

Nay công nghiệp này đang chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất ethanol, có thể làm bằng mía và được dùng để cung cấp năng lượng cho xe hơi. Vào lúc việc sản xuất nhiên liệu sinh học lấn sân ở châu Á, theo các chuyên gia thị trường, thì giá đường có thể còn tăng hơn nữa.

Ông Amarra nói rằng có các lãnh vực mới ở Philippines dành cho việc bành trướng nhiên liệu sinh học.

Ông Amarra cho biết: “Chúng tôi có thể dành khoảng 10 phần trăm tổng sản lượng cho việc sản xuất ethanol. Tuy nhiên, nếu nhu cầu ethanol tăng quá mức 10 phần trăm đó, chúng tôi đang tìm cách khuyến khích các nhà sản xuất ethanol mở thêm các khu vực khác ngoài các khu vực hiện hữu.”

Việc tăng giá đường đã khiến nhiều người ở châu Á lo ngại rằng các loại thực phẩm ngọt cho hai ngày lễ lớn sắp tới là lễ kết thúc tháng chay Ramadan và Tết Trung Thu của Trung Hoa sẽ đắt đỏ hơn. Các chuyên gia công nghiệp đường cho rằng nếu sản lượng mía không tăng nhanh thì người tiêu thụ sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho các thức ăn ngọt mừng lễ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG