Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Kim Dae-jung qua đời


Cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Kim Dae-jung đã từ trần tại Seoul, thọ 85 tuổi. Ông đã được đưa vào bệnh viện từ tháng trước vì bị viêm phổi. Ông Kim là người có công mở ra một kỷ nguyên mới nhằm hòa giải với Bắc Triều Tiên, một kẻ thù của miền Nam trong thời chiến tranh. Câu chuyện về cuộc đời ông phản ảnh sự chuyển hóa đầy sóng gió từ độc tài sang nền dân chủ. Từ Hán Thành, Thông tín viên đài VOA VOA Kurt Achin gửi về bài tường trình sau đây.

Hôm nay, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Mung-bak đã đưa ra một thông báo nói rằng Nam Triều Tiên đã mất đi một nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại, một người mà dân chúng sẽ nhớ mãi về khát vọng đạt được việc dân chủ hóa đấùt nước và hành động hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.

Có lẽ ông Kim được mọi người trên thế giới nhớ đến nhiều nhất qua những hình ảnh đầu tiên chụp cảnh ông và lãnh tụ Bắc Triều Tiên bắt tay nhau trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000.

Trong bài diễn văn đọc lúc bấy giờ ông Kim tuyên bố ông tin tưởng mạnh mẽ vào một tương lai của hợp tác, hòa giải và thống nhất.

Hội nghị thượng đỉnh 2000 đã phá vỡ sự băng giá kéo dài gần một nửa thế kỷ trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, kể từ khi cuộc đình chiến năm 1953 chấm dứt cuộc chiến kéo dài trong 3 năm.

Ông Kim Young-ho, một giáo sư tại viện đại học nghiên cứu về Bắc Triều Tiên ở Hán thành. Ông nói rằng Tổng thống Kim Dae-jong đáng được ca ngợi vì đã thay đổi được bầu không khí chính trị trên bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Kim nói rằng ông kim Dae-jong và chính phủ của ông đã dẹp tan được bầu không khí của cuộc chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên và tạo ra được cái mà ông kỷ nguyên hậu hiện đại trong khu vực.

Ông Kim Dae-jong nhận được giải Nobel hòa bình nhờ đã giàn xếp được cuộc họp thượng đỉnh năm 2000 mặc dù thành tựu này sau đó đã bị xấu đi vì các cáo giác nói rằng Nam Triều Tiên đã cho miền Bắc 500 triệu đôla đểû họ đồng ý mở cuộc họp vừa kể.

Ông Kim dae-jong tiếp tục theo đuổi mục tiêu của cuộc họp thượng đỉnh qua chính sách mà ông gọi là 'ánh dương', với việc đổ vào miền Bắc những khoản viện trợ và đầu tư khổng lồ mà chỉ đòi hỏi đáp ứng rất ít từ Bình nhưỡng. Những cuộc tiếp xúc giữa hai miền Nam-Bắc gia tăng mạnh mẽ và hằng trăm gia đình bị phân ly vì chiến tranh đã có cơ hội gặp lại nhau trong những cuộc xum họp ngắn ngủi.

Nhưng chính sách ánh dương, mà người thừa kế chức vụ của ông Kim, là Tổng thống Roh Moo-hyun, cũng tiếp tục theo đuổi, đã không ngăn được Bắc Triều Tiên phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Những người chỉ trích chính sách của ông Kim Dae-jong nói rằng chính sách này đã không đem lại bất cứ một sự thay đổi thực sự nào tại miền Bắc. Các tổ chức nhân quyền quốc tế chê trách ông Kim hầu như hoàn toàn im lặng trước những sự vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống tại Bắc Triều Tiên.

Tại miền Nam, người ta sẽ nhớ đến ông Kim Dae-jong như một biểu tượng hào hùng của phong trào dân chủ. Ông đã thoát hiểm trong gang tấc hồi đầu thậïp niên 1970 khi các điệp viên của Tổng thống Pak Chung-hee bắt cóc ông để trừng phạt việc ông đã công khai chỉ trích chính phủ và ông chỉ được trả tự do nhờ áp lực ngoại giao mạnh mẽ của Hoa Kỳ.

Áp lực của Hoa kỳ cũng đóng vai trò trong việc chuyển án tử hình của ông Kim sang thành án tù dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan.

Ông Shim Jae-hoon là ký giả đã tường thuật về ông Kim trong nhiều thập niên, trước khi từ bỏ làng báo để làm nghề tư vấn chính trị. Ông nói rằng ông Kim đã chuyển đổi một cách vô cùng khéo léo những sự xung đột cá nhân của ông với các nhà lãnh đạo độc tài thành một biểu tượng rộng lớn hơn về mặt chính trị.

Ông Shim nói: "Vốn liếng chính trị lớn nhất của Ông Kim Dae-jong là sự kiện ông bị bách hại chính trị. Một số người cho rằng nếu không bị đàn áp dưới thời Tổng thống Park thì ông Kim chỉ là một nhân vật lãnh đạo của một vùng tương đối nhỏ mà thôi."

Sau một thời gian sống lưu vong tại Hoa kỳ, ông Kim Dae-jong đắc cử chức vụ Tổng thống Nam Triều Tiên năm 1997 sau hai lần thất bại trước đó. Ông được ca ngợi vì đã giúp đất nước phục hồi sau khi bị lâm vào tình cảnh sắp sửa bị phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu hồi cuối thập niên 1990.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG