Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ sẽ không thay đổi chính sách đối với Miến Ðiện


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết việc Miến Điện trả tự do cho một người Mỹ khi thượng nghị sĩ Jim Webb đến thăm nước họ tự nó không phải là một việc có thể dẫn tới chỗ nới lỏng các biện pháp chế tài. Theo dự liệu, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ thảo luận về chính sách đối với Miến Điện với thượng nghị sĩ Webb khi ông về nước sau khi kết thúc chuyến công du Á châu trong vài ngày sắp tới. Từ trụ sở Bộ ngoại giao, thông tín viên đài VOA David Gollust có bài tường thuật sau đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc Miến Điện trả tự do cho ông John Yettaw tuy là một việc đáng hoan nghênh nhưng không đủ quan trọng để tạo thay đổi cho chính sách của Washington đối với Miến Điện – trong đó có một lệnh cấm vận hầu như hoàn toàn.

Ông Yettaw, người bị Miến Điện tuyên án tù 7 năm vì đến nhà của lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, đã được giao cho thượng nghị sĩ Jim Webb hôm Chủ nhật trong lúc ông Webb chuẩn bị rời Miến Điện sau chuyến viếng thăm bao gồm những cuộc gặp gỡ với bà Suu Kyi và người đứng đầu chính quyền quân nhân là tướng Than Shwe.

Ông Webb – người giữ chức Chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái bình dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng việc phóng thích ông Yettaw là hữu ích cho việc xây dựng thiện chí và sự tin tưởng giữa hai chính phủ ngõ hầu đôi bên có thể có điều mà ông gọi là “một tình cảnh tốt hơn” trong tương lai.

Tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ hai, Trợ lý Ngoại trưởng Đặc trách Sự vụ Công cộng, ông PJ Crowley ngỏ lời cám ơn Thượng nghị sĩ Webb về việc đã tranh thủ tự do cho ông Yettaw. Tuy nhiên ông nói thêm rằng vụ phóng thích này sẽ không thay đổi cuộc duyệt xét về chính sách Miến Điện của chính quyền Obama.

Ông nói rằng các giới chức Mỹ vẫn còn chờ đợi những dấu hiệu cho thấy chính phủ Miến Điện sẵn sàng tiến hành điều mà ông gọi là một cuộc “đối thoại có ý nghĩa” với bà Suu Kyi và những người khác trong phe dân chủ.

Ông Crowley nói: "Rõ ràng là Miến Điện cần có một cuộc đối thoại với tất cả các nhân vật lãnh đạo của những khối dân thiểu số và chuyển tiếp hòa bình sang một nền dân chủ thật sự và hòa giải dân tộc. Vì vậy chúng tôi sẽ trông đợi những dấu hiệu cho thấy Miến Điện có sự thay đổi cơ bản về đường lối và chính sách. Tôi không nghĩ rằng việc phóng thích ông Yettaw là một dấu hiệu của sự thay đổi đó."

Ông Yettaw, đang được điều trị tại một bệnh viện ở Bangkok, đã bị kết án hồi tuần trước trong cùng phiên xử mà lệnh quản thúc tại gia của bà Suu Kyi được triển hạn thêm 18 tháng.

Trên lý thuyết thì sự triển hạn đó được áp dụng vì bà đã vi phạm những qui định của lệnh quản chế khi để cho ông Yettaw vào nhà. Tuy nhiên các giới chức Hoa Kỳ nói rằng đây là một mưu toan nhằm loại bà Suu Kyi ra khỏi cuộc bầu cử mà chính quyền Miến Điện dự trù tổ chức vào năm tới.

Ông Crowley cho biết Ngoại trưởng Clinton đã điện đàm với thượng nghị sĩ Webb hôm Chủ nhật và đôi bên sẽ thảo luận thêm khi ông Webb về nước.

Vị thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đại diện tiểu bang Virginia này đã đề nghị nới lỏng các biện pháp chế tài Miến Điện - mà ông cho là đã thất bại trong việc thúc đẩy chính phủ Miến Điện tiến hành cải cách chính trị. Ông nói với các ký giả tại Bangkok rằng bà Suu Kyi không phản đối việc thu hồi một số biện pháp chế tài.

Một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho báo chí biết rằng trong cuộc duyệt xét chính sách về Miến Điện, chính quyền Obama sẽ “chăm chú lắng nghe” những ý kiến của bà Suu Kyi và đó là một trong những lý do khiến ngoại trưởng Clinton mong được gặp ông Webb khi ông về nước.

Thượng nghị sĩ Webb đến Miến Điện không phải với tư cách là một sứ giả của chính quyền Obama, mặc dù ông đã được các giới chức Bộ Ngoại giao báo cáo tường tận trước khi lên đường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG