Đường dẫn truy cập

Bạn văn thế giới ngày nay dễ dàng đến với nhau nhờ…


Tháng Sáu vừa qua tôi có một tin vui. Tuy tin vui này chẳng có gì là to tát nhưng lại là một điều ấm lòng giữa những người sống với chữ nghĩa. Trước đây trên mười năm chuyện này đã không thể xảy ra. Sự việc nghe thật đơn giản như sau: trong một chương trình Điểm Sách của Ban Việt Ngữ đài VOA tôi có giới thiệu quyển tiểu thuyết The Ninth (Cu Mười) của nhà văn Hungary Ferenc Barnas, nhà văn đang được đọc nhiều ở Hungary, mới được dịch sang Anh văn với hy vọng thính giả - nhất là thính giả trong nước – có được những thông tin cập nhật về văn chương hôm nay ở xứ sở thời hậu-cộng sản này. Hơn nữa quyển tiểu thuyết The Ninth của Ferenc Barnas lại có nội dung rất gần với tình cảnh Miền Bắc thời bao cấp trước đây.

Nhưng tin vui, điều thích thú chỉ đến với tôi sau khi một trang văn nghệ mạng đưa bài điểm sách này lên. Không đầy một tuần lễ sau đó, chủ biên của mạng này chuyển cho tôi một điện thư của nhà văn Ferenc Barnas! Thật là một ngac nhiên thích thú! Từ nhiều năm nay tôi làm cái công việc giới thiệu những tác phẩm văn học thế giới với hy vọng ít nhất là cập nhật thông tin cho thính giả/độc giả và vẫn thầm chờ đợi phản hồi từ phía thính giả/độc giả.

Phản hồi từ người đọc đã là quí, đằng này tôi lại được chính một tác giả ngoại quốc của quyển sách được đề cập tới liên lạc và tỏ lời chân thành cám ơn thì quả thực với tôi là một an ủi lớn.

Trong những bức điện thư tiếp theo sau đó Ferenc Barnas với lời lẽ thân mật muốn biết những điểm nhấn của tôi khi viết về quyển The Ninth. Tôi cho anh biết chủ ý của tôi khi giới thiệu The Ninth với thính/độc giả Việt Nam là để chỉ ra những nỗi khốn khổ tận cùng của người dân sống dưới chế độ cộng sản thời bao cấp, dù ở Tây hay Đông. Vì cùng là dân học chuyên ngành Triết nên việc chuyện trò trao đổi giữa chúng tôi thật dễ dàng thoải mái.

Ferenc Barnas viết tiếng Anh khá chuẩn. Tôi nói Ferenc Barnas gửi cho tôi bài luận văn The Aim of Literature is to combat stupidity/Mục Tiêu của Văn Chương Là Đấu Tranh Chống Lại Sự Ngu Xuẩn (bản Anh ngữ Ferenc Barnas đã đọc trong một cuộc hội thảo văn chương ở Phần Lan vào năm 2006) vì tôi muốn chuyển ngữ bài này sang Việt văn. Anh cũng như tôi đều nghĩ đối với những nhà văn ở những xứ trước đây hay hiện nay sống dưới chế độ cộng sản thì mục tiêu trước tiên là chỉ ra một giai đoạn lịch sử văn học trong quá khứ bị sự ngu xuẩn độc tôn trị vì và điểm khởi đầu cho văn chương hôm nay vì vậy phải là loại bỏ sự ngu xuẩn của giới lãnh đạo quản lý văn hóa cũng như những người viết đặt mình dưới chỉ đạo của sự ngu xuẩn..

Dù chúng tôi có cuộc sống khá bận rộn Ferenc Barnas nói với tôi sẽ cố gắng giữ liên lạc, không được là hàng tuần thì cũng là hàng tháng vậy. Trong một lần liên lạc mới đây khi Ferenc Barnas hỏi tôi về Jacques Derrida và thuyết hủy tạo, tôi cho anh biết tôi có gặp và nói chuyện với Jacques Derrida vài phút trong dịp ông ta tới đại học UC Irvine vào năm 1985 để đọc bài tham luận “In the Memory of Paul De Man”. Tôi có hỏi thăm Jacques Derrida về Trần Đức Thảo thầy của ông trong những năm ông chuẩn bị thi vào École Normale Supérieure. Jacques Derrida tỏ ra rất buồn bã khi nhắc tới vị thầy cũ nay đang trong hoàn cảnh khốn khó. Mấy năm sau đó trong quyển Bóng ma Marx Jacques Derrida đã không quên nhắc tới vị thầy cũ đáng kính này. Ferenc Barnas cũng không quên hỏi ý kiến tôi về Georgy Lukacz. Tôi cho anh biết điều đáng tiếc – ít ra là với tôi – vì hai tác phẩm lớn cuối đời của Lukacz, một quyển về Ontology/Hữu Thể Luận, và quyển kia về Aesthetic/Mỹ Học đều chưa được dịch từ Đức văn sang Anh hay Pháp văn.

Quay trở lại kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản chúng tôi đã cùng trải qua, Ferenc Barnas nghĩ rằng kinh nghiệm đó tuy khó quên nhưng với những người đã ở với triết lý, chúng ta có thể rút ra được những bài học quí giá. Tháng Mười này Ferenc Barnas sẽ qua Chicago và anh hy vọng sẽ có cơ hội về Nam California để chúng tôi có dịp gặp nhau.

Bạn có thấy thời đại của Internet đã mở ra một không gian thông giao vô hạn, và cũng nhờ những trang văn nghệ mạng như đã nêu trên… hay rất có thể những trang blog VOA Tiếng Việt mới khai trương từ giữa tháng Bảy, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua mọi thứ biên giới để trở thành bằng hữu? Miễn sao chúng ta trung thực, can đảm, và tự do bày tỏ, vì đấy là những tiêu chí không thể thiếu khi muốn đến với nhau.[ĐTĐ]

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG