Đường dẫn truy cập

Bình Nhưỡng tuyên truyền Nam Triều Tiên là 'nơi khốn khổ'


Bắc Triều Tiên mới đây đã có một bước đi bất thường là chiếu hình ảnh từ đài truyền hình Nam Triều Tiên trên sóng truyền hình nhà nước. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã lựa chọn và biên tập đoạn băng cẩn thận để củng cố cho đường lối tuyên truyền hoang tưởng của mình rằng Nam Triều Tiên là một nơi khốn khổ. Thông tín viên VOA Kurt Achin tường thuật rằng người Bắc Triều Tiên đang ngày càng tiếp cận được các nguồn tin không chính thống với câu chuyện hoàn toàn khác.

Khi nói đến miền Nam, các phương tiện truyền thông của Bắc Triều Tiên muốn người dân của mình nhận thức rằng Nam Triều Tiên là một nơi không phát triển, đang đi thụt lùi, và không có cơ hội tiến bộ.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên gần đây đã cho phát sóng những phân đoạn được chọn từ các bản tin của Nam Triều Tiên để miêu tả một bức tranh về tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và bất mãn tràn lan; giống như đoạn sau đây: ‘Miền Nam đang sụp đổ. Người miền Nam đang sống bên bờ của một vách núi dựng đứng một cách tuyệt vọng. 34 người tự tử mỗi ngày. Vậy nên, ở miền Nam, thà chết còn hơn là sống’.

Yang Moo-jin, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học Nghiên cứu Bắc Hàn ở Seoul, nói: ‘Rất hiếm khi Bắc Triều Tiên sử dụng chương trình của Nam Triều Tiên như thế này. Họ nhấn mạnh tới những khó khăn về chính trị, xã hội và kinh tế của Nam Triều Tiên để răn dạy người Bắc Triều Tiên không nên ghen tị với miền Nam, và quan trọng hơn, là không nên hy vọng bất cứ sự giúp đỡ nào từ Nam Triều Tiên’.

Cho dù vấp phải khó khăn do cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Nam Triều Tiên vẫn còn tràn đầy sinh lực và sự sung túc. Thu nhập bình quân đầu người ở đây cao gấp miền Bắc khoảng 15 lần. Chuyện nghèo đói không tồn tại ở Nam Triều Tiên nhưng lại là mối đe dọa thường nhật đối với hàng triệu người ở bên kia biên giới.

Ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên hiểu về sự sự khác biệt kinh tế đó bởi lẽ họ ngày càng có thể tiếp cận các thông tin không xuất hiện trên truyền thông nhà nước. Giống như đài Tiếng nói Hoa Kỳ, đài “Tiếng nói Mở cho Bắc Triều Tiên” có trụ sở ở Seoul phát tin tức trên sóng ngắn sang lãnh thổ Bắc Triều Tiên hàng ngày.

Chủ tịch đài Tiếng nói Mở Hah Tae-kyoung nói rằng ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên sở hữu bất hợp pháp các điện thoại di động sản xuất ở Trung Quốc và thậm chí cả ở Nam Triều Tiên.

Ông nhận định: ‘Các điện thoại chuyển vùng Nam Triều Tiên rất thuận tiện để trao đổi các tin nhắn, vì thế họ sử dụng nó, nhưng điện thoại di động Nam Triều Tiên là rủi ro nhất vì đó là hàng của Nam Triều Tiên. Những chiếc điện thoại di động Trung Quốc ít rủi ro hơn vì họ biết rằng nhiều doanh nhân ở Bắc Triều Tiên sử dụng loại phone đó cho việc làm ăn của họ’.

Hah nói rằng việc làm ăn buôn bán qua biên giới với Trung Quốc cũng tạo ra một luồng thông tin truyền miệng mạnh mẽ xuất phát từ những người Bắc Triều Tiên có quan hệ làm ăn với người Nam Triều Tiên ở Trung Quốc. Những bộ phim truyền hình cùng các chương trình của Nam Triều Tiên được thu trên băng video và đĩa CD được đưa trái phép vào Bắc Triều Tiên qua ngả Trung Quốc.

Hah nói rằng những ai sống gần khu vực biên giới Nam Triều Tiên có sự hiện diện dày đặc của lực lượng vũ trang cũng có thể tiếp cận với các thông tin không chính thức.

Ông nói: ‘Ở phía Nam, rất nhiều người có thể xem các chương trình truyền hình Nam Triều Tiên. Sóng truyền hình Nam Triều Tiên phủ tới vùng phía nam của Bắc Triều Tiên. Bởi thế cho nên họ có một số thông tin về thế giới bên ngoài’.

Điều đó đồng nghĩa với chuyện một số người Bắc Triều Tiên có thể thấy được hình ảnh thực sự của miền Nam mà không bị kiểm duyệt bởi chính sách tuyên truyền của nhà nước, và có lẽ điều đó giúp giảm bớt hiệu ứng của những đoạn băng video đã nước nói đến trong phần đầu của câu chuyện này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG