Đường dẫn truy cập

Phải làm gì với Miến Điện?


Các nước cùng là thành viên trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã bầy tỏ sự 'thất vọng sâu xa' về việc lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi bị kéo dài thời gian quản thúc tại gia. Vào lúc các chính phủ Tây phương kêu gọi chế tài Miến Điện gắt gao hơn, các chuyên gia phân tích chính trị trong vùng nói rằng không có mấy giải pháp khả thi để chính phủ quân nhân phải nhượng bộ về tương lai chính trị của bà Aung San Suu Kyi và Miến Điện. Thông tín viên đài VOA Heda Bayron ở Bangkok ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Quyết định gia hạn lệnh quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi một lần nữa lại nêu lên nghi vấn lâu nay đã làm thế giới bận tâm – đó là phải làm gì với chính phủ quân nhân Miến Điện.

Các chính phủ Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, Anh và Pháp, đều kêu gọi phóng thích ngay và Aung San Suu Kyi và bàn về việc áp đặt các biện pháp chế tài gắt gao hơn với Miến Điện.

Nhưng trong số các lân quốc ngay sát bên Miến Điện, thì phản ứng lại rất yếu ớt. Hôm thứ tư, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, mà Miến Điện là một thành viên, đã công bố một thông cáo từ Bangkok bầy tỏ 'sự thất vong sâu xa'. Nhưng ASEAN lập lại rằng tổ chức sẽ tiếp tục chính sách giao tiếp xây dựng với Miến Điện. Đây là một sách lược mà giới chỉ tirch cho rằng đã hợp thức hóa chính phủ quân nhận mà không đưa đến các cải cách chính trị có thực chất.

Ông Pavin Chachavalpongpun là nhà khảo cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu của ASEAN ở Singapore.

Ông Pavin nói: “Các biện pháp chế tài của Tây phương hồi gần đây gần như không có ý nghĩa gì cả. Chính phủ Miến Điện hành động như họ có thể muốn làm gì thì làm. Miến Điện có quan hệ rất tốt với Trung Quốc, và ngay cả với Nga. Các nước này không những bênh vực Myanmar về mặt chính trị mà còn cả về mặt kinh tế nữa.”

Trung Quốc, là nước có các quyền lợi đáng kể về dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên ở Miến Điện, được coi như có nhiều thế lực nhất để làm áp lực đòi Miến Điện phải thay đổi. Nhưng hôm thứ tư, Bắc Kinh đã tránh không can dự, và đề nghị tôn trọng 'chủ quyền tư pháp' của Miến Điện.

Các chuyên gia phân tích chính trị trong khu vực nói rằng không có đường lối nào dễ dàng để nới lỏng sự trấn át chính trị ở Miến Điện và cải thiện tình hình của bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, một số người cho rằng chính sách giao tiếp của ASEAn là một trong một vài sách lược ít oi còn lại có thể đem lại hiệu quả.

Ông Pavin nói tiếp: “ASEAN có thể can thiệp không phải vì ASEAN sẽ làm được việc tốt hơn là các nước Tây phương, nhưng bởi lẽ Miến Điện có nghĩa vụ trong ASEAN. Điều tôi nghĩ mọi người muốn thấy là một sự phối hợp giữa chế tài và giao tiếp.”

Ông Iftekhar Ahmed Chowdhury là một thành viên tại Viện Khảo cứu Nam Á của trường Đại học Quốc gia Singapore. Ông nói rằng ước vọng của Miến Điện muốn đối thoại với các tổ chức khu vực như Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SARC) mở đường cho tác dụng sự thuyết phục và áp lực từ phía các nước trong vùng.

Ông Chowdhury nói: “Thông thường, mọi người trong khu vực này tin rằng các mối đe dọa có thể làm động lực và sẽ thúc đẩy chế độ rút sâu hơn vào trong cái vỏ của mình và trở nên thiếu hợp tác hơn nữa.”

Quyết định hôm thứ ba của chính phủ quân nhân thử thách cam kết của Miến Điện với Hiến chương ASEAN, quy định các thành viên phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

Bà Aung San Suu Kyi bị kết tội vi phạm lệnh quản thúc tại gia vì để cho một người nước ngoài không được mời lọt vào khu nhà được canh gác cẩn mật của bà. Chính phủ quân nhân đã tuyên phạt bà thêm 18 tháng quản thúc tại gia. Bà đã bị đặt trong tình trạng bị giam giữ ở nhà này 14 năm trong thời gian 20 năm vừa qua.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng các cáo trạng nhắm mục đích ngăn chặn bà Aung San Suu Kyi và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà tham gia các cuộc bầu cử vào năm tới. Liên minh này đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần turớc vào năm 1990 nhưng quân đội đã không để cho họ lên nắm quyền.

Các cuộc bầu cử nằm trong khuôn khổ 'lộ đồ dân chủ' được công bố năm 2003. Kế hoạch một phần là kết quả của nhiều năm kêu gọi từ phía ASEAN. Ông Pavin nói rằng ASEAN phải đối phó với một vấn đề: tuy tổ chức có khả năng thuyết phục quân đội Miến Điện phải thực thi một số thay đổi, nhưng kết quả có thể không đủ.

Ông Pavin nhận xét: "ASEAN sẽ phải tiếp tục chấp nhận. Và rồi mọi sự lại trở lại như lúc ban đầu. Đó là thực tế.”

Ngoài Miến Điện, ASEAN còn gồm cả Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Lào, Việt Nam, Indonesia, Kampuchea và Brunei.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG