Đường dẫn truy cập

Thế giới lên án việc kết tội bà Suu Kyi


Lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã bị tuyên phạt thêm 18 tháng quản thúc tại gia. Theo tường trình của thông tín viên Heda Bayron từ văn phòng đài VOA ở Đông Nam Á, bản án đã bị các chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền lên án.

Lực lượng an ninh bao vây nhà tù Insein ở Rangoon hôm thứ ba vào lúc phán quyết được công bố.

Tòa đã phạt bà Aung San Suu Kyi 3 năm tù. Nhưng trong một hành động chứng tỏ quyền tối thượng của quân đội cầm quyền, Bộ Nội vụ loan báo ngay rằng vị tướng lãnh tối cao Miến Điện là ông Than Shwe đã ra lệnh cải án tù thành 1 năm rưỡi quản thúc tại gia.

Bà Aung San Suu Kyi năm nay 64 tuổi đã bị giam giữ tại nhà tù Insein từ lúc bị cáo buộc là vi phạm lệnh quản thúc tại gia hồi tháng 5 khi người Mỹ tên là John Yettaw bơi đến căn nhà bên hồ của bà và ở lại đó hai ngày. Ngay sau khi tòa đưa ra phán quyết, bà đã được đưa trở về nhà.

Giới chỉ trích cho rằng các cáo trạng chống lại bà Aung San Suu Kyi là không đúng và việc tuyên phạt bà nhắm mục đích ngăn không cho bà tham gia các cuộc bầu cử dự trù diễn ra vào năm tới.

Bà Debbie Stothard là phối hợp viên của tổ chức tranh đấu cho nhân quyền có tên là Mạng lưới Thay thế ASEAN về Miến Điện ở Bangkok.

Bà Stothard nói: “Vì áp lực quốc tế, chính phủ quân nhân đã chuyển thành một bản án nhẹ hơn nhưng điều đó không làm thay đổi được sự kiện là bà Aung San Suu Kyi đã bị giam giữ một cách phi lý hơn 14 năm rồi.”

Trong một tuyên bố hôm thứ ba, thủ tướng Anh Gordon Brown nói ông 'rất buồn và tức giận' trước phán quyết và gọi bản án này có tính cách 'thuần túy chính trị'. Liên Hiệp Châu Âu, Australia và Pháp cũng lên án phán quyết đó.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong các cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không hề để cho họ lên nắm quyền. Báo chí nhà nước hôm thứ ba cảnh báo những người ủng hộ khôi nguyên giải Nobel Hòa bình chớ nên tổ chức bạo động, và nói rằng chỉ có luật pháp mới quyết định được ai là người hội đủ điều kiện ra tranh cử.

Ông Bo Kyi, thư ký của Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị tại Miến Điện có trụ sở ở Maesot, Thái Lan, nói rằng bản án có thể châm ngòi cho các hành động chống chính phủ.

Ông Kyi nói: “Tôi trông đợi sẽ có thêm áp lực từ trong nước. Dân chúng ở Miến Điện hết sức phẫn nộ và họ muốn bầy tỏ ước nguyện thấy bà Aung San Suu Kyi được phóng thích. Vì thế, chế độ quân phiệt cũng sợ những cuộc huy động tập thể.”

Vào tháng 9 năm 2007, lực lượng chính phủ đã dùng bạo lực chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ do các tăng sĩ lãnh đạo ở khắp Miến Điện.

Các chính phủ Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ và Anh, đã áp đặt các biện pháp chế tài đối với chính phủ Miến Điện. Hình thức làm áp lực này chưa đem lại những cải cách tại quốc gia cô lập này, cũng như việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Việc kết tội bà hôm thứ ba đã khơi ra những lời kêu gọi mới đòi có các biện pháp chế tài gắt gao hơn.

Ông John Yettaw thì bị kết án 7 năm tù, trong đó có 4 năm cải tạo lao động vì các tội liên quan đến vấn đề di trú và vì tội 'bơi qua một khu vực cấm bơi'. Hai phụ nữ sống trong nhà của bà Aung San Suu Kyi cũng bị kết tội và bị phạt tù 3 năm, rồi được giảm án còn 18 tháng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG