Trong 2 tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố 2 chỉ số thống kê quan trọng là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong Quý 2, 2009 và số liệu về công ăn việc làm trong tháng 7.
Cả hai nhóm số liệu thống kê này đều tích cực hơn mong đợi. Cộng thêm với kết quả kinh doanh trong Q2 của phần lớn các doanh nghiệp Mỹ khá hơn so với dự đoán, thị trường đã có lý do chắc chắn để ăn mừng. Ngay cả chính quyền Obama cũng cất được gánh nặng bị chỉ trích về tình trạng yếu kém trên thị trường lao động.
Hầu như còn rất ít, nếu không muốn nói là không còn ai, nói tới các kịch bản đen tối vốn được nhắc đến thường xuyên hồi tháng 2 và tháng 3. Ngay cả những người vốn được đánh giá là luôn bi quan như Nouriel Roubini cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái vào cuối năm nay.
Nguồn: Số liệu của BEA, Bộ Thương mại Mỹ
Thực tế thì đà suy giảm của GDP có vẻ như đã chậm lại. Tuy nhiên số liệu cho Q2, 2009 mới chỉ là số liệu ước tính. Bộ Thương mại Mỹ sẽ có hai lần điều chỉnh lại con số này (khi có số liệu đầu vào đầy đủ hơn). Theo thông lệ thì những lần điều chỉnh sau thường dẫn tới số liệu GDP thấp hơn lần điều chỉnh đầu.
Không rõ sau 2 lần điều chỉnh tới đây thì GDP trong Q2 của Mỹ sẽ giảm như thế nào. Tuy nhiên, một cuộc phục hồi về mặt kỹ thuật là hoàn toàn khả thi. Trong Q2 vừa rồi, thống kê về lưu kho của Mỹ cho thấy các doanh nghiệp giảm lưu kho rất mạnh.
Nếu trong Q3 này và Q4 tới, chỉ cần các doanh nghiệp này đẩy mạnh sản xuất để tăng lưu kho là nước Mỹ sẽ có tăng trưởng GDP dương – có nghĩa là có một cuộc phục hồi thuần túy về mặt kỹ thuật.
Để có thể nói về một cuộc phục hồi đầy đủ thì cần thêm hai điều kiện nữa, đó là tình trạng công ăn việc làm được cải thiện và người dân tiêu dùng nhiều hơn. Cả hai yếu tố này đều chưa có.
Tiêu dùng cá nhân vốn chiếm hơn 70% trong GDP của Mỹ giảm vào Q2, nối tiếp đà suy giảm trong năm 2008 sau khi có tăng lên một chút trong Q1 2009. Vì tiêu dùng cá nhân là phần quan trọng nhất trong GDP, nếu người dân Mỹ không muốn tăng tiêu dùng thì khó có thể gọi cuộc hồi phục này là cuộc hồi phục có thực chất.
Nguồn: Số liệu của BEA, Bộ Thương mại Mỹ
Số liệu về công ăn việc làm trong tháng 7 cho thấy khu vực tư nhân trong nền kinh tế Mỹ đã giảm dần tốc độ sa thải nhân công. Số việc làm bị mất giảm nhanh từ mức trên 700 ngàn trong tháng 2 xuống còn khoảng gần 250 ngàn vào tháng 7 (số liệu đã hiệu chỉnh theo yếu tố mùa vụ). Đương nhiên là vì con số này vẫn còn là số âm cho nên nó chứng tỏ khu vực tư nhân của Mỹ vẫn không tạo thêm công ăn việc làm mới và vẫn tiếp tục phải sa thải nhân công.
Nguồn: Số liệu của BLS, Bộ Thương mại Mỹ
Một điểm lạ đối với nhiều người là mặc dù công ăn việc làm vẫn tiếp tục giảm nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ lại giảm đi. Nếu như tỉ lệ thất nghiệp hồi tháng 6 là 9.5% thì trong tháng 7 con số này chỉ còn 9.4%. Tuy nhiên, điều này cũng có thể giải thích được. Cách thống kê số thất nghiệp ở Mỹ dựa trên các cuộc điều tra xã hội. Để tính số thất nghiệp thì trước hết người ta phải tính số lượng người đang trong lực lượng lao động. Nếu vì một lý do nào đó số người tham gia lực lượng lao động giảm đi thì mặc dù số người mất việc làm không giảm nhưng tỉ lệ thất nghiệp chưa chắc đã tăng.
Nguồn: Số liệu của BLS, Bộ Thương mại Mỹ
Để xác định số người trong lực lượng lao động thì các cuộc điều tra của Bộ Thương mại dựa trên phản hồi của người dân trước câu hỏi “hiện giờ có làm việc hoặc có đang tìm việc không?” nếu một người trả lời không thì người đó không phải trong lực lượng lao động. Thí dụ những người sau một thời gian dài tìm không được việc đã chán nản không muốn tìm việc nữa sẽ không được tính vào lực lượng lao động.
Theo thống kê của Bộ Thương mại, con số những người tham gia lực lượng lao động của Mỹ từ tháng 5 trở lại đây liên tục giảm. Có lẽ vì lý do này mà nước Mỹ có tỉ lệ thất nghiệp giảm trong khi vẫn đang liên tục mất thêm nhiều việc làm. Một con số khác mà tôi muốn tham chiếu đến là tỷ lệ người có việc làm trên tổng số dân số Mỹ. Nếu sử dụng con số này thì chúng ta dễ thấy là tỷ lệ người có việc làm trong dân số Mỹ vẫn liên tục giảm chứ chưa có dấu hiệu tăng lên trong thời gian qua.
Nguồn: Số liệu của BLS, Bộ Thương mại Mỹ
Tóm lại kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phục hồi về mặt kỹ thuật vì tình trạng công ăn việc làm vẫn tiếp tục tồi đi (mặc dù với tốc độ chậm hơn) và người dân vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng chứ chưa mở rộng hầu bao để chi tiêu. Vì sự phục hồi chỉ là về mặt kỹ thuật (thí dụ các doanh nghiệp tăng sản xuất để lưu kho), nó sẽ không phải là sự phục hồi được bảo đảm bền vững.