Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ đến Nam Phi


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã đến Nam Phi trong một chuyến đi mà Nam Phi hy vọng sẽ đưa đến những mối liên hệ mật thiết hơn giữa 2 nước cũng như những hợp tác trong các lãnh vực khác. Theo tường trình của Thông Tín Viên Delia Robertson của Đài VOA từ Johannesburg, một vài tổ chức phi chính phủ hy vọng chuyến viếng thăm này của ngoại trưởng Clinton sẽ khiến cho Hoa Kỳ cấp thêm những trợ giúp về phát triển cho Zimbabwe.

Vào ngày thứ Sáu, ngoại trưởng Clinton sẽ gặp bộ trưởng bộ Quan hệ quốc tế và Hợp tác Nam Phi ông Maite Nkoana-Mashabane.

Nhà chức trách Nam Phi hy vọng cuộc họp này sẽ đưa đến việc thiết lập một cơ chế mới để thay thế một ủy ban song phương đã bị giải tán. Ủy ban này họat động dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Các quan chức này tin là ủy ban mới sẽ giúp tăng cường việc giao dịch thương mại giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ hơn nữa theo qui định của đạo luật về Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi, thường được gọi là AGOA.

Bộ Quan hệ quốc tế và Hợp tác Nam Phi loan báo là giao thương với Hoa Kỳ theo luật AGOA đa dạng hơn với bất cứ quốc gia nào khác tại tiểu vùng Sahara và họ muốn được thấy sự giao thương này tiến triển hơn nữa.

Giao dịch thương mại giữa hai quốc gia trong năm 2008 lên đến gần 10 tỉ đô la trong đó thặng dư mậu dịch của Nam Phi vào khoảng 2 tỉ đô la.

Nam Phi đang tìm sự hợp tác nhiều hơn nữa với Hoa Kỳ trong việc chống lại các căn bệnh truyền nhiễm gồm cả bệnh lao, HIV/AIDS.

Ngoại trưởng Clinton sẽ cùng với bộ trưởng Y tế Nam Phi Aaron Motsoaledi đi thăm một dự án của Hoa Kỳ dành cho các bệnh nhân bệnh AIDS.

Bà Clinton cũng sẽ thăm xã giao cựu Tổng thống Nelson Mandela.

Trước đó, trợ lý bộ trưởng ngoại giao phụ trách về châu Phi, ông Johnnie Carson tuyên bố là ngoại trưởng Clinton sẽ khuyến khích Nam Phi làm áp lực để Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe thi hành đầy đủ thỏa ước chính trị toàn cầu ông đã ký với Thủ tướng Morgan Tsvangirai.

Ông Carson nói:“Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc cùng với Nam Phi và các quốc gia khác trong vùng để bảo đảm là thỏa ước chính trị toàn cầu sẽ được thực hiện đầy đủ và Zimbabwe có thể trở lại dưới quyền cai trị dân chủ và dân chúng được có cơ hội tiến bộ về kinh tế.”

Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma trước đây trong tuần này đã gặp Thủ tướng Tsvangirai và hứa sẽ tiếp xúc với Tổng thống Mugabe để thảo luận điều mà ông gọi là những vấn đề hết sức quan trọng của Zimbabwe.

Hiện nay Hoa Kỳ trợ giúp nhân đạo rộng rãi cho Zimbabwe nhưng Hoa Kỳ cũng muốn được thấy thỏa ước chính trị toàn cầu được thi hành toàn diện và chấm dứt những vụ bạo động chính trị cũng như những vụ xách nhiễu các đối thủ của ông Mugabe trước khi viện trợ thêm về phát triển và kinh tế.

Tuy nhiên, một vài tổ chức phi chính phủ, trước đây chống lại sự hợp tác kinh tế với Zimbabwe, nay đồng ý là Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác nên trợ giúp về kinh tế cho Zimbabwe.

Ông Brian Raftopoulos thuộc quỹ Đoàn kết Hòa bình của Zimbabwe tuyên bố với Đài VOA là sự trợ giúp phát triển là điều then chốt trong sự thành công lâu dài của chính phủ đoàn kết.

Ông Raftopoulos nói: “Rõ ràng là những vấn đề chung quanh thỏa ước chính trị toàn cầu phải được nêu lên và các quốc gia trong vùng và cộng đồng quốc tế cần phải tạo áp lực trong vấn đề này. Tuy nhiên cùng lúc đó cần phải có những sự trợ giúp về kinh tế bởi vì thỏa ước này không thể tiến tới được nếu không có những trợ giúp này.”

Bộ trưởng Tài chánh Zimbabwe ông Tendai Biti loan báo là nước ông cần 10 tỉ đô la để đưa nền kinh tế đi đúng hướng và 45 tỉ đô trong thập niên tới để có thể phát triển đầy đủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG