Đường dẫn truy cập

GS Nguyễn Mạnh Hùng nói về chuyến đi Bắc Triều Tiên của ông Clinton


Cựu Tổng thống Bill Clinton đã thành công trong việc đưa hai nữ ký giả Laura Ling và Euna Lee trở về với gia đình sau 140 ngày bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên. Diễn biến này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Washington và Bình Nhưỡng? Hà Vũ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Chương trình Đông dương thuộc trường đại học George Mason, bang Virginia về chuyến đi này của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Trước hết giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có ý kiến:

GS Hùng
: Tôi nghĩ chuyến đi này rất hữu ích. Điều thứ nhất là nó phục vụ một mục tiêu nhân đạo. Điểm thứ hai là về phương diện cá nhân, ông Clinton đã muốn đi từ lâu rồi nhưng ở giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ của ông, ông không đi được vì tình hình hai bên căng thẳng quá. Về vấn đề giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên chúng ta thấy trong kỳ ngoại trưởng Hillary Clinton họp thượng đỉnh ASEAN vừa qua có căng thẳng giữa hai nước và Bắc Triều Tiên trước đó cũng nhất định không trở lại bàn đàm phán để ngưng chương trình hạt nhân của họ. Cho nên đây là một cách thử nhau để xem có triển vọng gì nối lại cuộc đàm phán đó không.

VOA: Giáo sư có nghĩ là khi cựu Tổng thống Bill Clinton đi Bình Nhưỡng thì mọi sự đã dàn xếp trước rồi và Bắc Triều Tiên đã đồng ý trả tự do cho hai ký giả Laura Ling và Euna Lee phải không?

GS Hùng: Đúng, cái đó đồng ý rồi. Báo chí cũng cho biết là chuyện này đã được dàn xếp trước đó. Chuyện dàn xếp này có liên hệ đến một số người trong Bộ Ngoại giao và cả ông Al Gore nữa.

VOA: Thưa giáo sư, truyền thông của Bình Nhưỡng cho hay là trong chuyến đi này cựu Tổng thống Bill Clinton đã ngỏ lời xin lỗi về hành động của hai ký giả Mỹ cũng như hai bên bàn thảo về nhiều vấn đề. Trong khi đó ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố tại Kenya là cựu Tổng thống Clinton không có xin lỗi gì cả cũng như Tòa Bạch Ốc cho biết là chuyến đi này của ông Clinton là một chuyến đi với tư cách cá nhân và không có bàn đến chuyện hòa đàm 6 bên gì cả. Giáo sư nghĩ gì về những tin tức trái ngược này?

GS Hùng: Trước hết về phương diện chính phủ họ phải cẩn thận về vấn đề dư luận. Phe Cộng hòa nói là không thể thưởng cho anh làm hành động hư hỏng được. Bây giờ tự nhiên đi nói chuyện với Bắc Triều Tiên là thưởng cho họ, trong khi đó mình dọa là đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc tăng thêm chế tài cho Bắc Triều Tiên rồi. Vì thế chính quyền Obama rất tránh chuyện đó. Điểm thứ hai là hiện nay vẫn chưa rõ sự thật ra sao. Bây giờ chỉ căn cứ vào những lời viết trên báo chí thì theo tôi thấy nếu ông Clinton có xin lỗi thì ông ấy chỉ chuyển lời của hai cô đó chứ không phải lời xin lỗi của chính phủ Mỹ. Trong khi đó Bà Clinton nói là ông Clinton không xin lỗi gì cả. Trước hết ông Clinton không xin lỗi cho ông. Ông cũng chẳng đại diện cho chính phủ Mỹ để xin lỗi. Nếu có thì chỉ là ông nói hai cô kia nói lời xin lỗi và cám ơn. Thế thôi. Cái đó thì không biết được. Chỉ biết điểm thứ nhất chuyện này chắc chắn Bắc Triều Tiên muốn rồi, muốn có một sự liên hệ đối với Mỹ. Điểm thứ hai là trước khi ông Clinton đi chắc chắn ông được thuyết trình sơ qua rồi. Điểm thứ ba là khi ông về ông sẽ được Hội đồng An ninh Quốc gia, những người trong chính phủ phỏng vấn. Và dĩ nhiên vợ ông sẽ phỏng vấn xem ông nói những gì và có rất nhiều triển vọng ông sẽ gặp Tổng thống Obama. Như vậy ông Clinton có thể đóng một vai trò làm con thoi đưa tin hai bên. Nhưng người ta đều không xác nhận điều đó. Nếu có gì thành công thì xác nhận. Nếu không thành công thì thôi. Bây giờ về rồi mới biết dần dần ra sao. Nhưng nghĩ rõ ràng là Bắc Triều Tiên muốn có liên hệ. Chắc chắn họ sẽ đưa một thông điệp cho ông Clinton. Trong khi ông Clinton ở đó thì ông chẳng bỏ uổng thì giờ vô ích, ông có thể hỏi thêm rằng là 'ông muốn gì, ông muốn nói chuyện thì ông định cái gì nữa.' Tôi nghĩ chuyến đi này của ông Clinton sẽ giúp cho chính quyền Obama thêm một số dữ kiện để hành động sắp tới đối phó với Bắc Triều Tiên.

VOA: Giáo sư có nghĩ rằng Bắc Triều Tiên trả tự do cho hai ký giả Mỹ có phải là một dấu hiệu tốt là Bình Nhưỡng có thể trở lại bàn hội nghị 6 bên hay không?

GS Hùng: Một tín hiệu cho thấy là Bắc Triều Tiên muốn mở lại một đường liên lạc với Mỹ đã bị gián đoạn. Còn tốt hay không thì không biết bởi vì người Mỹ không trở về bàn hội nghị một cách vô ích được. Dĩ nhiên phải có kết quả mới hội đàm được. Mỹ trước kia cũng nói có triển vọng đàm phán tay đôi nhưng không phải ngay bây giờ. Ít nhất phải ở trong khuôn khổ 6 nước đã.

Cám ơn giáo sư đã dành cho Đài VOA cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG