Trong một bài báo tôi tình cờ đọc, như tôi đã nhắc lần trước, anh bạn nhân câu chuyện kể thêm về niềm “tự hào dân tộc” của mình. Ngày xưa, có một bài báo ở đất Nam (ý nói đất Sài Gòn cũ), đánh giá Đà Lạt là thành phố “trí thức” nhất miền Nam.
Sự đánh giá đúng hay sai này “tùy thuộc vào người đối diện” nhưng tiêu chuẩn được đặt ra là “So với dân số, Đà lạt là thành phố có tỷ lệ trường cấp đại học cao nhất. (Ý nói Việt Nam Cộng Hoà trước 75).
Miền Nam trong thập niên 60, chỉ có bốn trường đại học thì Đà Lạt đã chiếm một tức Viện Đại Học Đà Lạt, còn ba Viện kia là Đại Học Sài Gòn, Vạn Hạnh và Huế (Khi ấy chưa có Đại học Minh Đức ở Sài Gòn và Phương Nam ở Cần Thơ).
Ngoài ra, Đà Lạt còn 3 đại học quân sự là Trường Võ Bị Đà Lạt, Trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (Lúc đầu học trình các trường này ngắn hơn nhưng sau cùng thì học trình cho cả 2 trường đều là 4 năm tức tương đương bậc Cử Nhân) và Trường Đại Học Tham Mưu cho các sĩ quan Trung Cấp (từ Trung uý cho đến Trung tá).
Đà Lạt lại có 2 đại học thần học của Công giáo là Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo Hoàng Học Viện. Đặc biệt nơi này được giảng dạy bởi các giáo sư thần học ngoại quốc. Có khoảng trên 100 giáo sư từ phương Tây sang cư ngụ và giảng dạy.
Nói tóm lại, nếu xét các định chế cấp bậc đại học ở đủ mọi lãnh vực thì Đà Lạt có thể dám chiếm tới 40 tới 50% tổng số của cả miền Nam thời ấy. Đó là chưa kể Đà Lạt có tới 4 hoặc 5 trường trung học chương trình Pháp vốn được xem là có giá trị cao ở đất Nam.
Sự thay đổi của Đà Lạt hôm nay làm giật mình kẻ trở về. Cái náo nhiệt xô bồ của phố xá đông nhộn làm vui tai người mới tới. Nhưng nét duyên dáng nồng nàn của miền núi và tính đa văn hoá của con người do sự tụ hội của du khách đến từ các nơi, tạo cho Đà Lạt một bản sắc đặt thù rất riêng. Nhịp tăng trưởng không ngừng của dân cư, kiến trúc và du khách,kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại, ngành du lịch, và nó còn kéo theo các ngành nghề khác nữa như giao thông, vận tải, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật.
Bất cứ sự phát triển nào cũng có hai mặt tiêu và tích cực. Tuy nhiên trong chuyến quay về nhìn lại Đà Lạt hôm nay, tôi thấy được thành phố cao sương khói này đang phát tiết những tiềm năng tràn trề sinh lực. Đà Lạt nhanh chóng đổi mới để thích ứng với các nhu cầu cấp thiết của nó. Theo tôi dù cho Đà Lạt có thay đổi đến đâu đi nữa. Tâm thức hoài cổ của cư dân ngày cũ có vằng vặc cao vợi mấy tầng đi nữa.
Tình mến yêu Đà Lạt của mọi người vẫn còn nguyên đấy. Chỉ cần một bức tranh, một bài hát, một nhắc nhở ân cần, tấm lòng người đi xa sẽ sẵn sàng quay lại để nhớ về và thương mến. Có lẽ Đà Lạt mãi mãi là bông hoa miền cao nở rộ trên triền đồi ký ức của những kẻ phải lưu vong xa xứ. [TRTHTH]