Đường dẫn truy cập

Các tổ chức phi chính phủ vẫn còn gặp khó khăn ở Nga


Một báo cáo gần đầy đây của tổ chức Human Rights Watch ở Matxcơva cho thấy việc mở và duy trì một tổ chức phi chính phủ tại Nga không phải là điều dễ dàng.

Thủ tục giấy tờ rườm rà, luật lệ không công hiệu và thậm chí là sự đe dọa tính mạng là những điều mà những ai muốn thực thi nhiệm vụ dân sự của mình cũng phải đối mặt. Thông tín viên VOA Jessica Golloher có bài tường trình sau từ Matxcơva.

Đối với một công dân bình thường, làm việc tại Nga có thể là một chuỗi dài những quan liêu hành chính. Có rất nhiều luật lệ phải tuân thủ, nhiều đơn từ để kê khai, nhiều loại bằng phải có hay nhiều tiêu chuẩn việc làm cần phải đáp ứng.

Nhưng tình hình thậm chí còn phức tạp hơn đối với những ai làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (gọi tắt là NGO) mà chính quyền coi là một sự đe dọa đối với họ. Đó là theo đánh giá của Matthew Schaaf, một đầu mối liên lạc NGO cho tổ chức thúc đẩy nhân quyền Human Rights Watch ở Matxcơva.

Ông Schaaf nhận xét: ‘Các tổ chức quan tâm tới các vấn đề gây tranh cãi hoặc liên quan tới phe đối lập chính trị gặp nhiều rắc rối hơn đối với chính quyền’.

Một tổ chức như vậy là Golos Samara, một tổ chức vìchuyên bênh vực quyền của cử tri nằm ở Samara, bên dòng sông Volga, ở miền nam nước Nga. Đây từng là địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Liên hiệp châu Âu và Nga hồi năm 2007.

Ông Schaaf nói rằng trước khi diễn ra hội nghị, chính phủ đàn áp các tổ chức phi chính phủ trong toàn khu vực, bất kể là các tổ chức này làm gì.

Ông nói: ‘Nhân viên của một NGO khi tới văn phòng bỗng nhiên thấy rằng toàn bộ văn phòng đã khóa kín vì vi phạm an toàn hỏa hoạn. Họ cũng bị cáo buộc đã sử dụng các phần mềm trái phép. Còn giám đốc tổ chức này thì bị buộc phải kiểm tra tâm thần’.

Ông Schaaf cho biết rằng chính phủ đã sử dụng một điều luật năm 2006, theo đó cho phép các cuộc kiểm toán không cần thiết cũng như yêu cầu các tổ chức phi chính phủ duy trì các thủ tục giấy tờ rườm rà và không cần thiết, nhằm mục đích khiến họ hoạt động khó khăn hơn.

Ông Shaaf cũng nói rằng chính phủ đã sử dụng bất cứ điều luật nào họ có thể để đóng cửa các tổ chức tranh đấu cho quyền hoạt động dân sự.

Ông nói: ‘Điều luật chống chủ nghĩa cực đoan đã được sử dụng để ép một tổ chức NGO chuyên về môi trường ngừng làm việc về các vấn đề môi trường’.

Năm 2006, Quốc hội Nga thông qua điều luật chống chủ nghĩa cực đoan trong đó cấm vu khống công chức, ngăn cản hoạt động của chính quyền và tham gia vào các hoạt động phá hoại, côn đồ, dựa trên các lý do lý tưởng, tôn giáo hay sắc tộc.

Các giới chức Nga cho rằng điều luật đó sẽ ngăn chặn các loại tội phạm phân biệt chủng tộc vì lý do thù ghét. Trong khi đó, những người phản đối và chỉ trích thì cho rằng điều luật chỉ là một trong số nhiều lý do mà Kremlin sử dụng để buộc các tổ chức NGO phải rời nước Nga.

Alexander Verkhovsky là giám đốc của Trung tâm Thông tin và Phân tích Sova ở Matxcơva, một tổ chức chuyên về nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc và tình trạng bài ngoại ở Nga.

Ông nói rằng điều mỉa mai là chính phủ Nga lại sử dụng điều luật chống chủ nghĩa cực đoan để xử lý các tổ chức NGO, khi ông nhận được đe dọa giết hại từ những tay đầu trọc, vì những công việc ông đang làm.

Ông nói: ‘Một số tổ chức Đức Quốc xã mới đe dọa giết hại chúng tôi qua email hay điện thoại. Một số thậm chí còn tới cả nhà tôi. Chúng thậm chí còn gửi cho tôi băng video, trong đó cho rằng tôi là một kẻ thù của người Nga và cho rằng tôi ủng hộ những kẻ khủng bố. Địa chỉ nhà của tôi cùng các bức ảnh đã bị phổ biến công khai’.

Ông Verkhovsky nói rằng cho dù phần lớn các thông tin cá nhân của ông được đăng lên web để cho tất cả mọi người xem, cảnh sát không làm gì để dỡ bỏ các thông tin hoặc nhận dạng những kẻ tình nghi. Và ông nói rằng điều tồi tệ nhất là ông không hề biết là cuộc điều tra có đang diễn ra hay không.

Ông nói: ‘Chính thức mà nói, tôi chưa bao giờ được gọi tới đồn cảnh sát. Họ chưa bao giờ gọi điện thoại cho tôi. Theo quan điểm chính thức, tôi không biết gì cả. Tôi biết đồn cảnh sát địa phương và họ không quan tâm tới loại điều tra này nên cũng không điều tra’.

Cho dù ông Verkhovsky bày tỏ nghi ngờ về sự sẵn sàng giúp đỡ các tổ chức NGO của chính phủ Nga, Quốc hội Nga đang bàn thảo một điều luật cho phép nới lỏng sự thắt chặt hơn đối với các tổ chức NGO.

Các sửa đổi nhằm giảm bớt số lựợng giấy tờ cần thiết mà các tổ chức NGO cần phải cung cấp cũng như cắt giảm thủ tục đăng ký.

Matthew Schaaf từ tổ chức Human Rights Watch chỉ ra rằng điều luật mới chỉ có tác dụng đối với một phần ba tổ chức NGO ở Nga. Ông cũng nói rằng nó không giải quyết những vấn đề lớn hơn mà các tổ chức phi chính phủ phải đối mặt, ví dụ như tình trạng bạo lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG