Đường dẫn truy cập

Nội dung kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính của chính quyền Obama


Trong Entry trước tôi đã có vài dòng sơ bộ về kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính của chính quyền Obama. Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi tóm tắt lại một số điểm chính trong kế hoạch này. Bạn đọc muốn nghiên cứu bản gốc (bằng tiếng Anh) của kế hoạch này có thể đọc tại địa chỉ: http://www.financialstability.gov/docs/regs/FinalReport_web.pdf

Bản kế hoạch này chia làm 5 phần:

Phần 1: Đẩy mạnh giám sát và quản lý các công ty tài chính. Đây là phần cốt lõi nhất của kế hoạch cải tổ tài chính. Trong đó có hai điểm đặc biệt quan trọng:

a. Trao cho Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) quyền lực giám sát các tổ chức tài chính lớn. Mục đích là giúp Fed và chính phủ Mỹ sớm phát hiện ra các rủi ro mang tính hệ thống trong các ngân hàng và tổ chức tài chính này nhằm ngăn chặn kịp thời. Nội dung này cũng bắt nguồn từ một thực tế là cho đến khi cuộc khủng hoảng lần này nổ ra thì Fed và chính phủ Mỹ hầu như mù tịt về các hoạt động kinh doanh tài chính của các tổ chức tài chính ở Mỹ. Chính vì thế, việc đổ vỡ đã tạo ra một bất ngờ lớn và một cú shock mạnh đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

b. Yêu cầu các công ty tài chính tăng tỉ lệ vốn tự có: Kế hoạch này yêu cầu các công ty tài chính phải tăng tỉ lệ vốn tự có nhằm đối phó các khoản thua lỗ (bất ngờ) và yêu cầu các công ty này phải giữ lại một phần các khoản cho vay mà họ đóng gói và bán (5%).

Yêu cầu tăng dự trữ vốn trong bản kế hoạch này là một yêu cầu dễ hiểu. Khủng hoảng lần này đã cho thấy nhiều công ty lâm vào tình trạng không trả được nợ vì trong bản kê tài sản của họ, tỉ lệ vay trên vốn tự có (leverage) lên rất cao. Các doanh nghiệp này dùng nguồn vốn vay được dùng để mua các sản phẩm tài chính.

Khi các sản phẩm này mất giá đột ngột, số thua lỗ nhanh chóng lớn hơn vốn tự có của doanh nghiệp và đẩy họ vào thế có trị giá tài sản ròng âm, và vì thế phải phá sản. Chính quyền Obama muốn các công ty này tăng tỉ lệ vốn trên tổng tài sản nhằm đối phó với các rủi ro kiểu này.

Việc yêu cầu giữ lại một phần các khoản cho vay mà họ đóng gói và bán cũng xuất phát từ một thực tế là trong những năm gần đây thì hệ thống tài chính Mỹ đã phát triển và sáng tạo ra nhiều công cụ tài chính mới. Trong số các công cụ mới này, “tội đồ” được nhắc tới nhiều nhất là việc trộn lẫn, đóng gói, xé nhỏ, và bán các khoản vay bất động sản.

Thí dụ, một ngân hàng A cho 1000 hộ gia đình vay tiền mua nhà. Số tiền cho vay từ 100 ngàn tới 1 triệu, tùy theo từng hộ. Ngân hàng này sau đó trộn lẫn các khoản vay này lại, giả sử tổng số tiền vay lên tới 300 triệu Mỹ kim. Ngân hàng này sau đó cắt khoản vay gộp này ra thành 3000 phần, mỗi phần là 100 ngàn Mỹ kim, đặt tên các sản phẩm này là Mortage Backed Security (MBS) và bán các MBS này cho các công ty tài chính khác. Việc làm này dẫn tới là các rủi ro vỡ nợ của 1000 người vay đầu tiên được gộp với nhau.

Những công ty mua lại các MBS này không có cách gì tính được rủi ro của các MBS mà họ mua. Điều này đã tạo ra một sự thiếu minh bạch nghiêm trọng trong các giao dịch tài chính và làm cho rủi ro hệ thống tăng lên cao. Thêm nữa, vì các ngân hàng sau khi cho khách hàng vay có thể đóng gói và bán sạch các khoản vay này nên họ (các ngân hàng) không cần phải quan tâm nhiều tới việc các khoản vay đó có tốt hay không (theo nghĩa có dễ xảy ra vỡ nợ hay không).

Việc chính quyền Obama yêu cầu các ngân hàng khi đóng gói và bán các MBS phải giữ lại một số lượng nhất định là nhằm để các ngân hàng này cẩn thận hơn trong việc tạo ra các MBS. Trước đây, họ có thể bán sạch các MBS mà họ tạo ra sau đó phủi tay mà không lo gì tới các rủi ro vỡ nợ sau này. Giờ đây, nếu họ phải giữ lại một phần, thí dụ 5% chẳng hạn, thì họ chắc chắn phải cẩn thận hơn với các khoản cho vay của mình.

Phần 2: Thiết lập hệ thống quản lý toàn diện đối với thị trường tài chính: Phần này không có gì mới ngoài việc quy định thêm một số yêu cầu đối với các định chế có chức năng giám sát thị trường tài chính như SEC hay CFTC.

Phần 3: Bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư: Có lẽ nội dung chính trong mục này là thành lập “Consumer Financial Protection Agency.” Chức năng chính của tổ chức này là giám sát những đơn vị cho vay, yêu cầu họ phải cung cấp các sản phẩm tín dụng minh bạch và dễ hiểu đối với người tiêu dùng.

Lý do tại sao chính quyền Obama lại muốn có nội dung này thì rất dễ hiểu: Cuộc khủng hoảng vừa rồi bắt nguồn từ tín dụng dễ dãi trong lĩnh vực cho vay bất động sản. Nhiều đối tượng mua nhà trong các giai đoạn này đã cảm thấy bị “lừa” hoặc “bịp bợm” bởi các tổ chức cho vay vì những người đi vay này đã không có được thông tin đầy đủ để có quyết định sáng suốt.

Phần 4: Trang bị cho chính phủ các công cụ cần thiết để chống khủng hoảng: Phần này gồm 2 điểm quan trọng:

a) Tạo ra cơ chế để chính phủ can thiệp vào các công ty tài chính lớn đang sắp phá sản. Cơ chế này sẽ tương tự như cơ chế trong đó FDIC (Ủy ban bảo hiểm tiền gửi liên bang) đứng ra kiểm soát tất cả các ngân hàng đang sắp phá sản. Đây là nội dung nhằm giải quyết tình hình lúng túng của chính quyền khi đứng trước sự kiện các công ty tài chính lớn như Lehman Brothers đang chuẩn bị sụp đổ.

b) Buộc Quỹ dự trữ Liên bang phải được sự chẩn thuận của Bộ Tài chính trong các quyết sách có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Nội dung này là nhằm thỏa mãn một số chỉ trích cho rằng trong vòng 2 năm qua Fed đã có những quyết định lên tới hàng ngàn tỉ Đô la mà không cần phải thông qua chính phủ hay Quốc hội Mỹ. Nhiều người cho rằng việc thiếu giám sát này đã khiến Fed lộng quyền và làm việc không hiệu quả.

Phần 5: Nâng cao các quy chuẩn quản lý quốc tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Phần này không có gì đáng bàn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG