Và hầu hết mọi người đều lầm. Kể cả các phái đoàn từng có dịp ghé thăm Làng. Mỹ cũng có mà Việt cũng có. Ngay chính những người Việt tỵ nạn vô tổ quốc như anh cũng nghĩ là mãi mãi anh sẽ phải ở lại đất Philippines, không người thân, không một ai sẽ hết lòng bỏ công chữa trị.
Ngoại trừ một cặp vợ chồng bác sĩ người Việt từ Canada.
Sau khi phái đoàn Mỹ trở lại Philippines vào năm 2005 để cứu xét hồ sơ của những người Việt tỵ nạn còn kẹt lại từ những năm 89, 90, đã có tất cả khoảng 1,600 người được nhận đi định cư ở Mỹ.
Cùng lúc chính phủ Na Uy cũng đồng ý tiếp nhận gần 200 người sang Na Uy qua diện đặc biệt nhân đạo. Vào cuối năm 2006, ở Philippines lúc ấy chỉ còn kẹt lại trên dưới 100 hồ sơ tỵ nạn mà phần lớn là của các thanh niên Việt Nam đã lập gia đình với người Philippines nên không hội đủ điều kiện (vì theo luật pháp và chính sách hiện hành thì người Philippines và con cái của họ sinh ra trên đất Philippines không thể nào được công nhận là ‘tỵ nạn’ được).
Ngoài ra chỉ còn một vài hồ sơ cá biệt như hồ sơ của anh Huỳnh Phong. Không có tên trong danh sách những người bị kẹt lại. Cũng như chưa bao giờ được cứu xét.
Nhưng may mắn sau một thời gian theo đuổi vận động chính phủ Canada, cuối cùng vào tháng 5 năm 2007, chính phủ Canada đã tuyên bố là họ sẽ cứu xét tất cả những hồ sơ còn kẹt lại bất kể là họ ở hoàn cảnh nào.
Từ Vancouver sang Ottawa. Từ Toronto sang đến tận Calgary. Nơi đâu cũng có các hội đoàn Việt Nam được thành lập để bắt đầu công việc bảo trợ những người Việt tỵ nạn cuối cùng đến được miền đất hứa sau gần 20 năm lưu lạc.
Cặp vợ chồng bác sĩ người Việt đến với những người xấu số nhưng vẫn còn khá may mắn trong hoàn cảnh đó. Và họ đã gặp anh Phong tại Làng Việt Nam. (Còn tiếp)